quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Những lí lẽ của tự nhiên 5: cái lí của vùng savan bán khô hạn

Thứ Hai, 01/08/2011 | 06:04:00 AM

Trảng cỏ, xương rồng đủ loại, cây bụi chịu hạn lưa thưa, đá lộ đầu và những cồn cát trải dài mênh mông là hình ảnh của dải savan Ninh Thuận và Bắc Bình Thuận. Nhưng vùng nắng khô gió bụi này có cái lí riêng của nó.

 
Dr.Cà Xáy VACNE


1.Thế nào là savan ? Vùng savan có thuật ngữ tiếng Anh là savanna, hoặc savannah, là một kiểu hệ sinh thái trảng cỏ xen cây bụi, với một số loài cây thân gỗ nhỏ thưa thớt, xen kẽ các khoảnh đất đá trống trọc với rất nhiều khối đá lộ đầu trơ trụi. Vùng savan ít mưa (savan Ninh Thuận có lượng ưa dưới 600 mm/năm) và mùa mưa rất ngắn, tập trung vào một thời gian ngắn trong năm (từ vài tuần đến vài tháng). Đặc trưng cơ bản nhất là lượng bốc hơi luôn cao hơn lượng mưa. Tùy theo lượng mưa mà savan được chia thành các loại savan khô hạn, savan bán khô hạn. Tùy theo nhiệt độ mà phân biệt savan khô hạn lạnh hay savan khô hạn nóng. Nhưng nhìn chung savan là vùng chuyển tiếp giữa sinh cảnh rừng và sinh cảnh hoang mạc hoặc thảo nguyên. Savan chiếm đến 20% diện tích đất liền của Trái đất, trong đó châu Phi chiếm diện tích savan lớn nhất thế giới. Ở Việt Nam savan bán khô hạn bao chiếm gần toàn bộ tỉnh Ninh thuận và phần phía bắc tỉnh Bình Thuận., đặc trưng nhất là vùng Cà Ná - Tuy Phong
2.Savan khô cằn ư? Đúng mà không thật đúng !
 Nhìn trảng cỏ, cây bụi thưa thớt, đâu cũng thầy núi đá trơ trụi, cồn cát bạt ngàn ai cũng nói savan là vùng khô cằn, nắng khô gió bụi. Đây đó đàn dê gặm xương rồng đỡ bữa. Khô cằn là quan niệm của người vùng lắm nước thừa ẩm quen nhìn sự sung túc của nhũng cánh đồng, những khu vườn, nói về vùng savan. Thực ra savan có cái lí riêng của nó.
Ở vùng savan, con người và thiên nhiên tiếp xúc trục tiếp với nhau. Nắng ra nắng, gió ra gió, trời thì rất xanh, tán cây thì rất biếc. Nhiều loài cây cỏ thật nắng mới nở hoa; thậm chí hoa cỏ thỏ phải hái cho vào cái bát dội nước sôi vào mới nở ! Từng giọt nước lành, từng ngọn rau non đều được chắt chiu yêu quý. Vùng savan có rất nhiều loài cây loài con ít hay không gặp ở các vùng khác: cừu là loài chỉ nuôi được ở Ninh Thuận, rồi con dông cát, cây cỏ thỏ, cây sắc máu, cây mai còi, dương xỉ nhung, cây me, cây trang và bạt ngàn xương rồng,…Tất nhiên đa phần chúng là các loài tự nhiên đã thích nghi với vùng khô nóng, đa phần không ăn được! Từ thiên nhiên đến con người, nếu đã sinh cư được ở vùng savan thì cái gì cũng mạch lạc, cũng thẳng thớm, cũng chịu thương chịu khó. Chăn thả gia súc có sừng, trồng bông, nho, hành tỏi, thuốc lá, đánh bắt và chế biến thủy sản,…là nhũng nghề lâu đời của vùng savan Nam Trung Bộ. Vùng savan không nghèo. Nó chỉ nuôi được ít người hơn các vùng khác thôi.
3. Rừng khô cái lá cũng khô
Khô hạn tạo ra sinh cảnh rừng khô có một không hai ở nước ta. Rừng khô Phan Rang còn có một cái tên khác, đó là Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa. Mặc dù đỉnh cao nhất là Núi Chúa 1039m, nhưng phần lớn diện tích Khu Bảo tồn (KBT) là núi thấp. Từ độ cao 600m trở xuống là các cảnh quan khô hạn điển hình. Từ 600 m trở lên là rừng bán khô hạn. Đặc tính khô hạn của rừng điển hình đến mức khi đo áp lực nhả nước của cây, các chuyên gia Đức đã kinh ngạc vì tính khô hạn còn cao hơn cả nhiều vùng khô hạn điển hình của thế giới.
Trên nền thổ nhưỡng phong hoá từ đá hoa cương nghèo dinh dưỡng, lại thêm khí hậu rất khắc nghiệt nên cây cối chậm lớn, các trảng cây bụi rất phổ biến, xen kẽ với tập đoàn cây thân gỗ và... đá. Nhiều nơi trong rừng khô Phan Rang gặp các thạch lâm (rừng đá) với nhiều khối đá bị gió và nước mưa gặm mòn, tạo ra nhiều hình thù kỳ dị: hòn vọng phu, đá đu đưa, thân cây chết đứng, sư tử, voi mẹ - voi con... Trong thạch lâm, xen kẽ với các khối đá là tập đoàn cây thiên tuế, cây sắc máu và đặc biệt là cây mai. Có những nơi mai mọc thành trảng lớn (người địa phương gọi là "láng" mai) cành lá ken dày, hoa nở vàng rực. Công bằng mà nói, thạch lâm Thái An trong rừng khô còn lộng lẫy hơn, quyến rũ không kém gì Thạch Lâm của Vân Nam (Trung Quốc).
Các nhà lâm học đã kiểm kê trong Rừng khô Phan Rang có đến 1264 loài thực vật - điển hình là kim giao, thông đỏ, gụ, me, bằng lăng, thông tre lá dài, mun, trắc, hoàng đàn dẻ, trầm gió...; trên 200 loài động vật như chà vá chân đen (một loại voọc), rùa núi có đến 4 loài, cầy mực, gấu chó, gấu ngựa, cá chình suối, ếch nhái, cu li... Có những đàn chà vá chân đen đông đến 50 con.
Phía đông của rừng khô, giáp mũi Đá Vách, có một hồ nước tự nhiên trên đỉnh núi ở độ cao gần 400m. Hồ có hình tròn gần lý tưởng, đường kính khoảng 50m, bờ hồ dốc đứng và quanh năm không cạn. Sự xuất hiện một hồ nước tự nhiên trong rừng khô, lại có hình dạng “rất nhân tạo” này là điều chưa giải thích được. Vì là nguồn nước duy nhất trên đỉnh núi, nên chiều tà là lúc hàng đàn chim, thú kéo về hồ uống nước. Các tảng đá quanh hồ bị thú rừng cọ lưng làm cho nhẵn bóng. Trên bờ hồ là vài căn chòi lá dựng trên cành cây cho khách du lịch rình ngắm thú uống nước và chụp ảnh.
Phía đông, rừng khô tiếp giáp ngay với vịnh Cam Ranh. Hiếm có khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn nào lại được biển bổ sung cho nhiều món quà biển như rừng khô ở đây. Ven chân núi rừng khô là những vịnh nhỏ xinh đẹp trong xanh, có những thảm thực vật ngập mặn chen chúc trong những diện tích chật hẹp. Trên những bãi cát hẹp, ban đêm gặp hàng đàn rùa biển lên đẻ trứng...
4. Savan đi về đâu ?
Savan nếu mưa nhiều hơn sẽ biến thành rừng, nếu ít mưa hơn sẽ biến thành hoang mạc. Những ai chưa biết thế nào là hoang mạc thì hãy đến savan, ngồi trên cồn cát chang chang nắng có thể tưởng tượng hoang mạc tương lai là thế nào. Ở vùng savan bán sơn địa Ninh Thuận, khi đào sâu vài ba chục cm, bên dưới lớp đất sét giàu kiềm trên mặt có thể gặp ngay lớp đất đỏ laterit, sản phẩm của giai đoạn nóng ẩm trước đó. Điều đó cho thấy savan Ninh Thuận hiện đại là sự suy thoái từ vùng đất nhiệt đới nóng ẩm nhiều mưa trước đây. Hoang mạc hóa có vai trò của con người mà trước hết là hoạt động phá rừng. Ở vùng khô hạn, rừng bị phá rất khó hồi sinh mà nhanh chóng chuyển thành savan. Vì vậy savan sinh ra còn để giáo dục con người. Hãy nhìn savan để biết sợ, để biết thay đổi hành vi. Quá khứ sẽ không vô ích vì để lại cho hiện tại các bài học đắt giá.
Hơn hẳn các vùng khác, savan lắm nắng nhiều gió là nguồn tài nguyên năng lượng vô tận. Khi các nguồn năng lượng truyền thống có nguy cơ cạn kiệt, người ta chợt “phát hiện” ra vùng đầy nắng gió này. Vùng savan khô cằn trở thành phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại, là trường học, là nơi phát triển các loại năng lượng mặt trời và gió.Thái An, cửa ngõ vào Rừng khô Phan Rang sẽ là nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2. Nhà máy điện hạt nhân số 1 đặt ở Sơn Hải phía Nam tỉnh Ninh Thuận, gần họng gió Cà Ná. Bạn thấy savan có nghèo không? Nhưng vẫn còn đó một câu hỏi:vùng savan bán khô hạn Ninh Thuận sẽ đi về đâu? Câu trả lời còn đang ở phía trước.
Chú thích. Kính mời Quý bạn đọc xem tiếp Những lí lẽ của Thiên nhiên 6: cái lí của đỉnh núi
 
 

Lượt xem: 9934

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE