quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Những lí lẽ của Thiên nhiên 9 : cái lí của khoảng đệm

Thứ Năm, 11/08/2011 | 05:18:00 AM

Những khoảng “không – thời gian” chuyển tiếp giữa loại này với loại kia mang nhiều triết lí thú vị.

 
Dr.Cà Xáy VACNE


Bình minh hay hoàng hôn là khoảng đệm giữa ngày và đêm, cửa sông là khoảng đệm giữa sông và biển, savan là khoảng đệm giữa sinh cảnh rừng và sinh cảnh hoang mạc, xóm phố là trung gian giữa đô thị và nông thôn,…Thực tại có rất nhiều thứ vừa là cái này vừa là cái kia, vừa không phải là cái này vừa không phải là cái kia. Không có phân loại riêng, nhưng chúng vẫn đang hiện hữu và thay đổi.
1. Thiên nhiên không quá rạch ròi.
Thiên nhiên vốn không quá rạch ròi. Bằng môn phân loại học, con người chia thiên nhiên thành các đơn vị phân loại (taxon) để nhận thức, rồi sau đó lại cứ tưởng thiên nhiên rạch ròi như mình vẫn nghĩ. Vì vậy các khoa học gia bỏ qua hoặc lúng túng khi xem xét các dạng trung gian. Thực ra giữa các taxon vẫn tồn tại các dạng trung gian, chúng vừa là taxon này vừa là taxon kia.
 
Ví dụ trong vùng lõi của một khu bảo tồn thiên nhiên có một rừng tre. Khi già, măng tre lại bị khai thác sạch, tre ra hoa rồi chết hàng loạt. Rừng tre vốn thuộc vùng bảo tồn nghiêm ngặt biến thành vùng phục hồi sinh thái. Tuy tre chết hàng loạt nhưng nó không chết cùng một lúc tùy theo tuổi thọ từng loài. Cái chết của rừng tre là một quá trình nhiều năm tháng. Trong những năm tháng đó, rừng tre thuộc vùng nào? Vùng bảo tồn nghiêm ngặt hay vùng phục hồi sinh thái ?
 
Cũng như vậy, một sinh cảnh rừng biến thành savan cũng không phải trong một vài tháng. Quá trình suy thoái có thể rất lâu dài.
 
Trong thiên nhiên cũng có những cá thể động vật nửa đực nửa cái, rồi đực có lúc biến thành cái hay ngược lại. Con người vậy. Tại sao cứ phải rành rọt là đực hay là cái thì mới là một sinh vật có chỗ đứng trong thiên nhiên. Cứ phải hoặc là người đực hoặc là người cái mới có chỗ đứng trong xã hội ? Tại sao những dạng trung gian lại ít được để ý, ít được quan tâm ?
 
Hoàng hôn và bình minh là ban ngày hay ban đêm ? Cà xáy là ngan hay là vịt ? Các taxon rạch ròi chỉ là số đông nhưng không phải tất cả. Nhưng điều đó không thực quan trọng. Quan trọng hơn là tư duy quản lí, bảo tồn cũng cứ theo kiểu rạch ròi như vậy sẽ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng. Tại sao cứ phải là cái này hay cái kia, mà không phải vừa là cái này vừa là cái kia ?
 
2. Khoảng đệm : tiền đề và điều kiện cho sự thay đổi
Thực ra khoảng đệm hay taxon trung gian rất quan trọng cho sự tiến hóa, vì tại đó sự kiểm soát tự nhiên được nới lỏng, mọi vật có nhiều điều kiện để thay đổi. Thực tại là vô thường nhưng vô thường nhanh nhất là tại các khoảng đệm.
 
Các loài sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hại cũng xuất hiện trước hết tại các khoảng đệm, nơi chúng ít bị các loài bản địa cạnh tranh : ven đường đi, trên các vùng rừng bị chặt phá hay vùng nương rẫy, tại các hồ thủy lợi thủy điện khi điều kiện nước đứng thay chỗ điều kiện nước chảy, lúc giao mùa,…Khoảng đệm là nơi nhiễu loạn cao nhất của một hệ sinh thái. Mà nhiễu loạn chính là điều kiện cho sự thay đổi.
 
Khoảng trung gian giữa các ngành khoa học kinh điển đã tạo điều kiện xuất hiện hàng loạt những ngành khoa học mới, mà chỉ cần nghe tên đã có thể biết chúng là sản phẩm phát sinh từ các khoảng đệm; Hóa sinh, Hóa dược, Địa hóa học, Sinh địa tầng học, Địa chất môi trường, Sinh thái môi trường, Địa lí kinh tế, Địa chính trị, Địa văn hóa, Toán tin,…
 
3. Khoảng đệm gửi thông điệp gì ? Thiên nhiên và cuộc sống vốn có nhiều khoảng đệm. Đã vậy thì tư duy quản lí và cả tư duy sống cũng vậy : hãy rạch ròi một cách không rạch ròi.
Chú thích
Kính mời Quý bạn đọc đón xem Những lí lẽ của Thiên nhiên 10 : cái lí của mùa Thu
 
 

Lượt xem: 1531

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE