Biển là gì thì ai cũng nói được, nhưng đa phần là lí lẽ của những người đứng trên bờ ngắm biển mà thôi.
Dr. Cà Xáy VACNE
Biển là gì nhỉ ? Mọi người bắt đầu quan tâm đến biển khi biển bắt đầu bị người khác dòm ngó và tranh cướp. Dưng mà biển là gì nhỉ ?
1.Tiều phu nói: biển chẳng có giá gì ! Có mấy cái cây ngập mặn chả bõ bèn, củi cũng khó cháy. Khai quang quách để xây dựng…gì đó còn hơn là để nguyên.
2. Nông phu nói: tiến ra biển ! Lúa lấn cói, cói lấn cá, cá lấn biển ! Bãi bồi cửa sông ven biển là vùng hoang hóa, ai khai phá cũng được miễn thuế ít nhất là 5 năm đầu!
3.Mục đồng nói: biển không có bãi chăn thả. Biển là nơi không có cỏ. Biển chẳng đáng giá…1 con dê còm !
4.Thi nhân ngâm lớn: Biển dịu êm, anh với em như thuyền và biển. Ngày xưa biển không có cát như bây giờ, ngày xưa biển không có sóng vỗ bờ,…(nhưng nói nhỏ: các nhà thơ sáng tác về biển chỉ khi họ đứng trên bờ thôi).
5. Ngư phủ nói: biển là kho tôm cá mực hàu hà nghêu sò sá sủng tảo cua ghẹ ốc ruốc…vô tận. Bắt ! Vét ! Nổ mìn !
6. Cai thầu xây dựng kiêm nhà quy hoạch: biển ven bờ nước nông thấy đáy, đất cát sẵn bên, lấp biển bán nền kiếm bộn ! Lấp ! San lấp ! San lấp ngay ! San lấp dưới 5 ha một dự án không phải lập báo cáo Đánh giá Tác động môi trường.
7. Nhà kinh doanh du lịch biển đảo: Đảo là “cái đinh gỉ” ! Chẳng qua là phần đất liền trơ trọi bốn bề sóng nước. San lấp ! Xây dựng tiểu đô thị trên đảo ! Với khách sạn với nhà hàng với sân golf với sòng bạc với cáp ra đảo với đường ra đảo với hầm ra đảo. Bộn tiền !
8. Nhà Bảo tồn: Biển đẹp lắm quý lắm hiếm lắm ! Bảo tồn ! Bảo tồn ! Bảo tồn !
Vấn đề là ở chỗ những “nhà” nói trên có lúc trúng số, trở thành những người có quyền lực, cầm cân nảy mực. Và những tư duy của họ trở thành chính sách hay quyết định pháp luật về biển đảo. Cứ như biển là cái ao lớn.
8. Cái lí của biển.
Trước hết biển là mẹ của đất, chính xác hơn là mẹ của đa phần đất liền. Giới địa chất chứng minh rằng phần lớn diện tích địa cầu bị bao phủ bởi các tầng đá trầm tích chứa hóa thạch sinh vật biển, ngày xưa các đá này là trầm tích trên đáy biển. Họ còn chứng minh rằng dù bao biến đổi, tỉ lệ diện tích đất liền so với biển vẫn giữ nguyên hàng tỷ năm qua. Chỗ này biển lấn thì chỗ kia biển thoái. Chỗ này đất liền rộng ra thì chỗ khác chúng bị tiêu hủy theo các đới hút chìm để tan chảy bên dưới các mảng thạch quyển. Lục địa dịch chuyển, khép kín các đại dương cũ thì lại tạo ra các đại dương mới. Chính biển mới là cội nguồn của bề mặt trái đất. Biển quyết định phần lớn các biến cố địa chất trên mặt địa cầu. Biển không phải là cái ao nước mặn lớn, biển là …biển !
Biển mang lại giàu mạnh.
Nước có biển có thể vẫn nghèo, nhưng các nước giàu bao giờ cũng là nước có biển. Từ những thế kỷ trước, Anh, Thụy Điển, Na Uy, Nga, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy,…là những nước có nền hàng hải mạnh và đã chi bộn tiền cho các đoàn thám hiểm đại dương. Đó là những nước có biển và biết tư duy biển. Những nước có biển nhưng tư duy theo kiểu đất liền thì đã bỏ qua cơ hội để trở thành nước phát triển. Bởi vì biển rất rộng nên biển là cơ hội giao lưu quốc tế, biển là sóng gió bão tố. Tư duy biển là tư duy rộng mở và biết thích ứng. Tư duy biển là tư duy dám và biết cách học hỏi.
Lí lẽ của biển toàn “Ôi”
Nền kinh tế biển là vương quốc của các tài năng thực sự (Ôi ! Giá mấy ông quản lí Vinashin cứ làm tiều phu hay nông phu hay cai thầu hay thi nhân,…có phải đất nước đỡ mất hàng chục ngàn tỷ đồng vô tích sự không !).
Vì mang lại giàu có nên biển là khu vực tranh chấp dữ dội trên trường quốc tế và kẻ thắng phải là kẻ mạnh, mà trước hết sức mạnh là ở tính tự cường của đất nước có biển kết hợp với sự ủng hộ quốc tế. Đất nước có biển muốn tự cường phải hiểu biển (Ôi ! Chúng ta có gần hai trăm trường Đaị học nhưng không có một Đaị học Biển nào !).
Sau đó phải có một nền kinh tế biển mạnh để giữ và bảo vệ biển bằng chính sức mạnh từ biển (Ôi ! Chả lẽ chỉ mang sắn khoai lúa gạo heo nhãn vải măng cụt cà phê,…đi giữ và chung sống với biển; có hàng chục trường Đại học và khoa Kinh tế học nhưng chưa có ngành Kinh tế biển nào !).
Biến đổi khí hậu kéo theo biển tiến, nhưng biển tiến lại tạo cơ hội cho kính tế biển phát triển (Ôi ! Mấy ai biết trong họa luôn có phúc !).
Mới lí sự vài điều mà đã phải dùng mấy chữ “Ôi !” rồi. Cái lí của biển thật khó nghe lắm thay. Ôi ! Biển xin lại được “tịch khẩu” (câm nín) vậy!
Chú thich. Kính mời quý bạn đọc xem tiếp Những lí lẽ của Tự nhiên 8 : lí lẽ của con cua