Có đỉnh núi già. Có đỉnh núi trẻ. Đỉnh loại nào cũng là sự suy ngẫm, cũng là chứng nhân những thăng trầm. Đỉnh loại nào cũng luôn biến động vô thường. Cần ngộ được những suy nghĩ của chúng.
Dr. Cà Xáy VACNE
1.Lão phu là một đỉnh núi, hơn nữa là một đỉnh núi già và trọc. Già thì đỉnh tròn và khá bằng phẳng. Bọn đỉnh núi trẻ ranh thì dù cao hay thấp cũng nhọn hoắt và lởm chởm. Trọc vì đỉnh cao trên 1000m nên ít khi có mây phủ, còn rừng thì chủ yếu là loại cây lùn lắm rêu (còn có tên là rừng rêu hay rừng thần tiên). Mây thường chỉ xuất hiện ở độ cao xấp xỉ 1000m thôi, nên đỉnh núi loại lão phu đây thường quang đãng, mát mẻ. Do vậy dù già nhưng lão phu khá minh mẫn và tỉnh táo.
Thật khó mà tưởng tượng sau gần cả ngày leo trèo vất vả, khi đến đỉnh du khách lại gặp một cảnh quan khá bằng phẳng, có chỗ như một sân đá bóng tự nhiên, với những đồi thoải, những dòng suối quanh co uốn lượn. Các nhà địa lí gọi cảnh quan đó là một dạng “ đồng bằng trên núi cao”. Thực ra cái gọi là “đồng bằng” đó là một loại bề mặt san bằng kiếp trước của lão phu chưa bị xâm thực bóc mòn hết. Đó là do lão phu bị dâng cao quá nhanh nên các quá trình xâm thực chưa kịp phá hủy hết bề mặt đó. Vài nét phác họa để quý vị thấy rằng lão phu thuộc hàng chín chắn trong tư duy và trong cả diện mạo đời thường.
2. Phong cảnh ngắm từ đỉnh núi rất lạ. Không thấy được người và xe cộ, thậm chí không thấy nhà cửa và phố xá. Con người và những thứ mà họ tự hào vì đã sáng tạo ra dường như biến mất trong cái nhìn của lão phu. Một danh họa đời Tống bên Tàu đã từng nói : “Núi nhìn từ xa không có đá, cây nhìn từ xa không có lá, người nhìn từ xa không có mắt”. Câu nói này đã trở thành nguyên tắc vẽ tranh thủy mạc, còn có tên là tranh thiền. Bỏ qua những cái vặt vãnh và biến đổi nhanh, cảnh quan dưới cái nhìn của lão phu là ít biến đổi hơn cả, trong một thế giới vô thường.
3.Du khách thích lên đỉnh núi không chỉ vì không khí mát mẻ và trong lành, mà còn vì họ được ngắm phong cảnh từ xa và trên độ cao lớn. Phong cảnh từ đỉnh núi luôn tĩnh lặng, luôn có đường chân trời và luôn có khoảng không gian mờ mờ ảo ảo. Không gian đó là cái Không. Chả thấy trong đó cái gì, nhưng có đủ mọi thứ. Không chính là Có, Có chính là Không, Không ở trong Có, Có ở trong Không,…chính là vì thế. Nếu không tin, du khách cứ ngắm cảnh qua một cái ống nhòm thì sẽ thấy ngay Không biến thành Có như thế nào !
Cây cối cảnh vật trở thành thứ yếu trong bức tranh thủy mạc nhìn từ đỉnh núi. Gần đó, vài ngôi chùa hay khách sạn hay nhà ở nom thật nhỏ bé. Con người nếu xuất hiện cũng nhỏ bé, không có diện mạo gì rõ rệt. Mọi vật nhỏ bé đi, mờ ảo đi chỉ để làm cho người ngắm cảnh đối diện trực tiếp hơn với những nguyên lí của Thực tại. Rằng kiếp người thật ngắn ngủi và phù du, thật chẳng mấy ý nghĩa trước Thực tại. Nếu như họ cho rằng họ rất ý nghĩa, họ rất quan trọng thì chỉ là do họ tự huyễn hoặc mình và đồng loại thôi. Với lão phu, một đỉnh núi già, vĩ nhân hay một con voọc chà vá chân đen cũng như nhau mà thôi (tất nhiên con người không phải đỉnh núi nên họ tư duy khác lão phu). Thời gian trôi đi, mọi cái mọi điều trở nên mờ ảo và chúng là cái gì tùy thuộc người đời sau nhớ và …tưởng tượng ra. Ngay cả lịch sử nước nhà là gì lũ trẻ bây giờ cũng chẳng buồn biết. Chúng rất thông minh và biết đủ thứ, nhất là những gì giúp chúng kiếm ra tiền, nhưng lịch sử nước nhà trong giai đoạn mấy chục năm gần đây thì chúng không cần quan tâm, mà thực ra dù có đứa muốn quan tâm cũng không biết làm cách nào để hiểu cho đúng. Trong khi đó những hiểu biết của lão phu là lịch sử hàng vạn năm, hàng triệu năm thử hỏi có tác dụng gì ?
4. Con người bây giờ hay đến với các đỉnh núi, nhưng không phải tất cả lên núi đều là để suy tư, mà còn để kiếm tiền. Nhiều doanh nghiệp du lịch biến nhiều đỉnh núi uy nghi và hoang sơ thành “tiểu đô thị” với những nhà hàng, những khách sạn, những resorrt. Nhiều nơi không còn đất dành cho đường đi dạo thiên nhiên mà phải đi nối từ hành lang khách sạn này qua hành lang khách sạn khác. Rồi các doanh nghiệp du lịch đã đầu tư lên đỉnh núi cấm đường, bắt du khách phải đi cáp treo của họ, “phi cáp treo bất thăng đỉnh núi” như Bà Nà chẳng hạn. Tổ hợp du lịch biến nhiều đỉnh núi thành một loại chợ. Cũng bởi con người là loài luôn nghĩ đến tiền. Quý vị cứ thử ra đường mà quên ví tiền ở nhà xem quý vị có giống “cái lốp xe xì hơi, đấu sĩ không gươm, kị sỹ không ngựa” không?
5. Vì thế cứ nhìn đỉnh núi là ngộ được ra rất nhiều thứ. Thực tại thực ra chỉ gồm hai loài : loài không biết tiền và loài - gắn - với - và - không - thể - sống - nếu - không - tiền (loài này có tên là loài người – Homo sapiens sapiens). Làm sao loài thứ hai lại có thể hiểu được loài thứ nhất để tiến hành bảo tồn loài thứ nhất ? Ý tưởng này là philosophy (triết lí) của cái Tổ chức có tên là VACNE (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam). VACNE đang cố gắng chứng minh tư duy của lão phu là sai lầm ! Nhưng hình như họ đang đúng. Lão phu già rồi.
Chú thích. Kính mời quý bạn đọc đón xem “Những lí lẽ của Thiên nhiên 7: cái lí của biển”