Luật của rừng, trăm mùa trăng hay nghìn mùa rẫy, chẳng ai biết, không ai hay nhưng qua miệng người già Điểu Lanh - Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông thì chẳng thể nào sai.
Giữ rừng từ luật tục
Bao đời nay, đồng bào M’Nông có những quy ước để bảo vệ rừng rất chặt chẽ, theo luật tục truyền lại, cộng đồng các bon đã xây dựng nên các bản hương ước, quy ước có tính “pháp chế” của cộng đồng, do cộng đồng đặt ra và bám vào đó thi hành. Thí dụ, như trong Khoản 1, Điều 7 của Quy ước quản lý bảo vệ rừng của bon Bu Nơr có ghi rõ về nghĩa vụ người quản lý rừng là: “Mọi hộ gia đình, nhóm hộ có trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, nhóm hộ tổ chức cho hộ trong nhóm định kỳ tuần tra rừng như sau: Mỗi lần tuần tra cử hai người, với bốn lần tuần tra trong một tháng. Đặc biệt, vào đầu mùa phát rẫy thì nhóm hộ phải tổ chức tăng cường tuần tra để ngăn chặn phá rừng làm rẫy và chống cháy rừng”.
Bữa trưa của một chốt bảo vệ rừng bon Bu Nơr.
Cũng theo ông Điểu Lanh thì tất cả các thành viên tham gia quản lý, bảo vệ đều bám vào các điều khoản quy định ấy mà thực hiện. Nhờ vậy, công tác quản lý rừng cộng đồng của bon được thực hiện quy củ, mọi người tuân thủ một cách nghiêm túc. Vì thế, diện tích rừng được giao của bon không xảy ra tình trạng chặt phá, lấn chiếm trái phép.
Người M’Nông bon Bu Nơr đề ra luật tục, chặt ba cây to phải trồng năm cây nhỏ. Rừng hết thì người chết. Cái lý của người M’Nông giản đơn như thế nên họ ra sức bảo vệ cây rừng, dù thù lao chẳng được bao nhiêu, chỉ khoảng 400 nghìn đồng/ha/năm. Nhưng dù không có số tiền thù lao ít ỏi đó thì gần trăm hộ dân ở bon Bu Nơr vẫn tham gia nhận bảo vệ 1.016 ha rừng. Các hộ nhận khoán chia thành từng tổ bảo vệ rừng, phân ca trực trong các khu rừng, chịu đựng gió rét, hiểm nguy rình rập từ nhiều phía để bảo vệ từng con thú, cây gỗ khỏi bàn tay săn đuổi, tàn phá của những kẻ hám lợi.
Chiến thắng đe dọa để canh rừng
Trong gian bếp, Điểu Lanh ngồi đó, rít một điếu sâu kèn. Những ký ức đẹp đẽ của những ngày đầu khi đồng bào bon Bu Nơr nhận hơn 1.000 ha rừng để quản lý, bảo vệ theo mô hình thử nghiệm rừng cộng đồng trở lại. Ông hào hứng hẳn lên: “Mình nhớ mà. Hồi đó, ở vùng này rừng mất khủng khiếp lắm! Người dân bon Bu Nơr mình cả đời, cả bao thế hệ gắn bó với rừng. Ăn cũng ở rừng, ở cũng từ rừng mà ra, chết cũng về với thần núi, thần rừng. Bởi vậy, nên rừng thiêng liêng mà gần gũi lắm! Ai mà cam lòng cho được khi không gian sống của mình đang dần bị biến mất. Mình và cả nhiều bà con khác trong bon làng đã kiến nghị, phải giữ rừng, dân làng mình xin được giữ. Cũng may có cái mô hình thử nghiệm rừng cộng đồng. Thế là bà con bon Bu Nơr nhận luôn”.
Nói thì dễ, nhưng để giữ được rừng, không chỉ đàn ông mà cả những người đàn bà bon Bu Nơr phải căng đầu ra tính toán phương án. Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, việc đầu tiên mà những hộ nhận khoán bảo vệ rừng phải làm ngay là thành lập Ban quản lý (BQL) rừng và ra quy ước quản lý, bảo vệ, phát triển rừng cộng đồng. “Có đến tám điều quy định trong quy ước đó. Từ thực tế của một người cả đời gắn bó với rừng, mình đã cùng BQL xác định quy định đầu tiên phải là quy ước về khai thác lâm sản: người không có nhà ở thì được khai thác gỗ làm nhà nhưng phải làm đơn và được chính quyền địa phương nhất trí. Tuyệt đối không được lợi dụng xin làm nhà để bán gỗ. Cả bon làng phải có trách nhiệm ngăn chặn, không cho phép người vào săn bắt bất kỳ loài động vật nào trong khu rừng cộng đồng”, Điểu Lanh chia sẻ.
Già Điểu Lanh không chỉ vận động lũ làng bon Bu Nơr tích cực tham gia bảo vệ rừng an toàn, hiệu quả. Bản thân già bất chấp hiểm nguy dựng chòi tạm ngoài bìa rừng. Ai ra vào rừng ông đều biết, thuộc như lòng bàn tay và báo cho cơ quan chức năng để giám sát. Vậy là “máu rừng” ngừng chảy từ đó. Hàng trăm cây gỗ quý được ông cùng lực lượng quản lý, bảo vệ rừng cứu rỗi.
Không mua chuộc được già Điểu Lanh bằng tiền bạc, vật chất, lâm tặc trở mặt, dùng đến kế bẩn. Chúng đổ thuốc trừ sâu xuống cái ao nhỏ của ông khiến đàn cá chết sạch. Lâm tặc lại trực tiếp hoặc đánh tiếng đe dọa, uy hiếp tinh thần ông và những người thân trong gia đình, nhưng Điểu Lanh không hề nhột chí trước thái độ hung hãn. Chòi canh của già Điểu Lanh bị đốt phá, ông bảo con cháu làm lại cái mới. Bản lĩnh gan dạ của người từng xông pha trận mạc, nằm vùng đánh đuổi Fulro sẵn sàng đương đầu với kẻ xấu để bảo vệ bằng được rừng. Cửa rừng từ ngày có ông gác, bình yên thấy rõ. Diện tích rừng được ông nhận bảo vệ suốt mười mấy năm qua không còn “chảy máu”.
Ngoài già Điểu Lanh, còn có hộ gia đình Điểu Bơi cũng là một thành viên tích cực trong những hộ nhận khoán bảo vệ rừng . Ông nói rằng, người bon Bu Nơr ý thức rất rõ trách nhiệm của mình với Nhà nước nên dù ngày mưa hay nắng, ngày lễ, Tết, vẫn thường xuyên vào rừng kiểm tra. Nếu hộ nào lơ là để cho rừng bị chặt phá, không chỉ bị Nhà nước phạt mà lũ làng còn phạt nặng hơn.
Từ ngày bon Bu Nơr nhận khoán bảo vệ rừng cộng đồng. Người ra, kẻ vào khu vực rừng đều được già Điểu Lanh cùng các hộ nhận khoán bảo vệ rừng dõi theo, giám sát. Mọi động thái của kẻ xấu có dấu hiệu xâm phạm tới rừng đều được báo tới các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, ngăn chặn. Già Điểu Lanh cùng lũ làng bon Bu Nơr đã thật sự trở thành những “đôi mắt” của rừng.
Trên đường vào chốt bảo vệ rừng bon Bu Nơr.
Giữ rừng bằng tất cả tình yêu
Ấy vậy, nhưng việc giữ cả một diện tích rừng hơn 1.000 ha chẳng phải việc giản đơn. Dân di cư tự do ào ào kéo đến. Kẻ lén lút săn bắt động vật trái phép, người đốt rừng, xâm canh làm vườn rẫy. BQL phải đặt hai chốt bảo vệ rừng. Mỗi chốt cắt cử 30 người luân phiên trực canh giữ ngày đêm. “Bà con người ta di cư vào đây cũng vì mưu sinh. Thế nhưng phá rừng là không được. Mình giữ rừng không chỉ để cho bon làng mình mà cho tất cả mọi người. Mình đã gặp những người chặt cây, đốt rừng làm rẫy tuyên truyền, vận động. Có người hiểu, có người không thèm nghe. Mình phải báo chính quyền, cùng chính quyền ngăn chặn, xử lý thôi”, già Điểu Lanh cho biết.
Từ hai năm nay, Điểu Bơi và vợ đã xây lán và ở hẳn trong chốt Liêng Riu. Thị Hao - tên người vợ Điểu Bơi, nhiệt tình, sôi nổi góp chuyện giữ rừng về công việc và những chuyến đi cắm chốt cả tuần của chồng. “Tiền dịch vụ môi trường rừng chẳng đáng là bao. Chắc cũng chỉ đủ xăng xe. Nhưng em vẫn động viên chồng em tiếp tục gắn bó với chốt bảo vệ rừng. Khi trở thành một thành viên của bon làng, em mới thấm thía hơn về giá trị của rừng đối với đời sống của mỗi người”. Hai đứa con anh còn nhỏ, lại hay đau ốm. Nhiều khi anh cũng muốn thôi để có thời gian đầu tư cho vườn rẫy và đỡ đần vợ chăm sóc con cái, thế nhưng vợ động viên nên anh vẫn tiếp tục đảm đương công việc giữ rừng.
Lâm tặc ngày càng manh động, hung hãn, chúng sẵn sàng tấn công trả thù những người cản trở con đường làm ăn phi pháp. Công việc canh rừng vất vả, thù lao không được bao nhiêu. Nếu đơn thuần chỉ kiếm việc làm thêm tăng thu nhập, người bon Bu Nơr có thể làm nhiều việc khác nhẹ nhàng, đỡ nguy hiểm hơn nhiều lần. Nhưng họ vẫn chọn việc giữ rừng, đơn giản vì rừng là sự sống của làng. “Rừng ở bon Bu Nơr còn giữ được như bây giờ, công lớn nhờ đồng bào nhận khoán hết lòng bảo vệ. Không có họ, chúng tôi không thể bảo vệ rừng toàn vẹn được đâu”, ông Nguyễn Duy Tân, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho biết thêm: “Một trong những cách để bảo vệ rừng là vận động người dân cùng tham gia công tác bảo vệ rừng dựa trên các luật tục, hương ước của bon xây dựng thành. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác bảo vệ rừng hiện nay”.
Vậy cái cực khổ nhất của việc giữ rừng là gì? Điểu Lanh trầm ngâm: “Là ngủ trông coi rừng vào mùa mưa. Ban ngày thì được nhưng ban đêm buồn lắm! Có khi vợ con ốm đau ở nhà cũng chịu chứ không về nhà mà chăm được. Vượt cả vài chục cây số đường rừng vào mùa mưa đâu phải dễ. Có người không bám trụ được phải trả lại đấy. Nhưng đa số vẫn gắn bó cho đến nay”.