quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Nhớ về cọn nước

Thứ Tư, 01/06/2011 | 02:11:00 PM

Trong một chuyến công tác về huyện vùng cao Kim Bôi của tỉnh Hòa Bình, mải miết đi qua khắp các đồi nương xanh ngút ngàn của đồng bào các dân tộc, mãi tôi vẫn chưa được thấy bóng dáng thân thương của những chiếc cọn (pặt) nước thường được đặt bên những ruộng lúa nương ngô.

 
Phạm Sơn Hải

Đem thắc mắc này chia sẻ với một anh bạn đồng nghiệp người địa phương, tôi mới hay là bây giờ người ta dùng toàn kênh mương bằng bê tông cốt thép chứ mấy ai còn duy trì cách lấy nước thủ công bằng cọn. Anh chỉ dẫn thêm cho tôi, nếu muốn thấy cọn thì phải đi vào sâu nữa vì chỉ những chỗ quá cao, nước mương không chảy tới thì người ta mới dùng đến “cỗ máy bền bỉ” ấy.

Nghe anh nói, tôi chợt thấy chạnh lòng vì chắc chỉ mươi chục năm nữa là bóng dáng những chiếc cọn nước sẽ biến mất hẳn. Nhiều năm trước và cho cả đến bây giờ, hễ được đặt chân lên vùng cao Tây Bắc, ai cũng mong được một lần đứng bên những chiếc cọn nước của đồng bào để thích thú ngắm nhìn rồi tạo dáng chụp một vài kiểu ảnh làm kỷ niệm.

Cọn nước từng được ví  như trợ thủ đắc lực của đồng bào các dân tộc người Thái, người Mường, người Tày… trong việc dẫn nước từ nguồn về phục vụ lao động sản xuất và đời sống sinh hoạt của bà con, đặc biệt cọn còn được xem như một nét đẹp văn hóa của đồng bào miền núi phía Bắc. Nhờ cọn dẫn nước mà con người giảm được bao công sức nhọc nhằn, các cô gái chẳng phải sáng sáng dậy sớm đi xa hàng chục cây số gùi nước về dùng, việc đồng áng cũng được cọn đưa nước đến tận nơi…

Giờ ít thấy cọn, tôi thấy lòng chợt hụt hẫng tựa như thiếu vắng điều gì đó rất đỗi thân thương.

Những chiếc cọn nước được ví như những cỗ xe nước vĩnh cửu khi đều đều quay những vòng quay để đưa nước lên cao phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi.

Ngày trước, mỗi khi làm cọn nước phải chuẩn bị nguyên vật liệu rất kĩ, có khi mất cả tháng trời, đặc biệt phải chọn được chỗ để đặt cọn. Các vật liệu làm cọn như gỗ, tre nứa, vầu, lạt, giang mây… đều phải lấy từ rừng về và để khô trước khi làm. Người ta sẽ chọn một thanh gỗ chính để làm trục giữa của cọn, thanh gỗ này phải là loại gỗ vừa nhẹ, vừa bền và có khả năng chịu nước tốt. Tiếp đến là công đoạn làm nang cọn, nang cọn được làm bằng những câu vầu có thân thẳng, nhỏ và phải là loại vầu già đủ tuổi. Tùy theo độ cao thấp, mực nước của nơi cần dẫn nước đến và nguồn nước mà người làm cọn sẽ quyết định kích thước của cọn thông qua độ dài ngắn của nang cọn. Sau đó, những cây nứa già ở trên rừng đem về sẽ được chẻ mỏng rồi ghép lại thành từng tấm phên mỏng hình chữ nhật để làm cánh quạt nước cho cọn. Nước chảy tác động vào những tấm phên này sẽ tạo ra lực đẩy làm quay cọn. Những cây vầu già đủ tuổi sẽ được chọn, vót và uốn để cố định vòng ngoài và vòng trong giữa các thanh nang cọn nhằm giữ cho cọn không bị xô lệch và đúng kích thước. Thông thường, lớp cọn nước sẽ được buộc cố định bằng hai chạc làm giá đỡ hai bên trục của cọn, phía dòng nước chảy về phía cánh quạt của cọn sẽ có hai cây gỗ có chạc hình chữ V để nâng đỡ và giữ cố định cho cọn.

Công đoạn quan trọng nhất trong việc làm cọn là việc đặt và bố trí những ống đựng nước trên thân cọn. Thông thường mỗi ống đựng nước được buộc kèm và chéo theo mỗi cánh quạt nước. Tuy nhiên, cần bố trí độ dày mỏng và đặt những ống nước ra sao để khi cọn quay, nước sẽ được múc đầy ống và đổ đúng máng dẫn nước. Đó cũng là lí do vì sao chỉ những già làng có nhiều kinh nghiệm mới là người trực tiếp được buộc ống nước, khiến cọn không bị lỗi nhịp khi guồng nước quay.

Mỗi một chiếc cọn được hoàn thành là biết bao tâm huyết và công sức của người làm ra gửi vào đó và từ bao đời nay, cọn nước đã thực sự trở thành một nét văn hóa độc đáo bên mỗi ruộng nương, đồi bãi.

Vậy nhưng vùng cao bây giờ đã ít nhiều vắng bóng dáng cọn!

 
 
 

Lượt xem: 4949

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE