Cả bản làng bừng sáng khi ánh trăng hắt từ trên cao xuống, từ dưới nước lên. Và suối, suối như tiếng đàn, tiếng phách, lắm lúc lại như tiếng khúc khích của trẻ bản vang vang.
Chúng tôi ghé nhà anh bạn người dân tộc Tày ở một bản nhỏ thuộc xã Phương Độ của thành phố Hà Giang.
Giữa nhà, bếp lửa bập bùng. Mẹ bạn mặc áo chàm, chít khăn chàm, ngồi sưởi lửa. Những nếp nhà ở đây không nằm chon von trên sườn non cao như ta vẫn gặp khi ngược miền Tây Bắc. Nhà sàn ở Phương Độ dựng ở vị trí thấp hơn, gần nguồn nước. Con suối chảy từ trong lòng núi mềm mại uốn quanh. Đến nhà nào cũng nghe tiếng róc rách. Thỉnh thoảng, gặp cây cầu nho nhỏ bắc vào một ngôi nhà. Cây cầu ấy, có cũng được, mà không cũng được, chỉ một bước chân người lớn là qua thôi. Ấy đơn giản là nét duyên điểm xuyết. Dòng suối hào phóng chia cắt thành nhiều dòng chảy nhỏ, đổ vào từng chiếc ao con con. Thành ra, nhà nào cũng có ao, soi bóng từng góc độ. Đẹp nhất là những đêm trăng sánh đầy mặt nước, nhà cửa chập chờn, huyền hoặc. Cả bản làng bừng sáng khi ánh trăng hắt từ trên cao xuống, từ dưới nước lên. Và suối, suối như tiếng đàn, tiếng phách, lắm lúc lại như tiếng khúc khích của trẻ bản vang vang.
Người Tày làm bếp lửa cùng khi dựng nhà. Bếp đặt ở gian nhà nằm chếch một vì cột với gian thờ tổ tiên, một trong những gian quan trọng nhất. Đất đỏ lấy từ núi nện xuống nền bếp thật chặt, thật đanh. Mọi công đoạn làm bếp vừa khẩn trương vừa tỉ mỉ. Chung quanh bếp lửa chất chứa không gian, đời sống gia đình, cộng đồng nồng đượm. Rượu cứ rót mãi, cơm vừa chín thơm, những xôi, những bánh nhuộm lá rừng lên mầu ngũ sắc. Mẹ của bạn tôi ngồi trên chiếc ghế ngang bằng gỗ, mắt nheo nheo, miệng cười móm mém. Nhà có khách, bà không rời chỗ, cứ đợi khách từ đấy, ở bếp là ấm nhất, vui nhất rồi. Khói thảnh thơi hắt lên từng vệt nhẹ nhõm, vương vấn quanh những treo thịt gác bếp, cột kèo, mái cọ, bậc sàn. Con mèo xám khoanh tròn như cuộn len cũng đùa với khói. Ba chiếc ghế ngang ở ba hướng khác của bếp ngày thường người nhà vẫn ngồi, giờ khách cứ tự nhiên ngồi đó, nhẩn nha nướng khoai sắn. Anh bạn tôi cũng lại nhẩn nha, dặn khách ngồi đó với mẹ, mình đi “ship” nốt mẻ chè Shan tuyết rồi về. Dân bản thật ra chẳng thiếu chè thuốc, nhà nào cũng có thể tự hái, tự sao, nhưng bản có người bán thì vẫn cứ mua. Kể ra cũng thật ấm lòng. Tốt nghiệp đại học, bạn tôi về làm báo tỉnh, thỉnh thoảng làm thơ, viết truyện, nhưng trồng và chế biến chè là cảm hứng bất tận. Ngót ba nhăm tuổi, đôi tay gõ bàn phím cáu bện nhựa chè. Tuổi ấy, trai bản coi như đã ế vợ rồi. Đằng này lại cứ thong dong. Anh bảo, có muốn hấp tấp cũng chẳng được. Nghề chữ nghĩa hay bất cứ nghề gì, đều cần vững tâm, từ tốn và thầm lặng.
Khi bạn ngồi trước trang viết hay trước những búp chè xanh ngắt tươi non, mọi vướng bận tiễn theo mây gió, về đỉnh núi xa kia.