Ở Lộc Yên thôn, trước ngõ nhà tôi có một ao nhỏ trồng bông súng lẫn với bèo Nhật Bản. Trong hình dung hồi ức của mình, tôi vẫn thường có cảm giác tựa hồ cây đã tự nhiên nẩy lộc hơn là được trồng. Cái tự nhiên xen lẫn ấy như một bức tranh rực rỡ tím của tuổi thơ mà mỗi sáng mùa hè thức dậy, sau những tiếng chổi dài biếng lười trên ngõ đá, đứa trẻ xứ La Chong vội háo hức ngắm nhìn.
Ao đó, tôi đã từng rơi tỏm xuống uống nước hồi năm, sáu tuổi sau một trận đánh nhau thường nhật với đứa em trai họ ngoại. Lúc ấy, ba tôi đang giẫy cỏ trong vườn, lâu không nghe tiếng tôi nên kêu hỏi, đứa em tỉnh bơ chỉ tay xuống nói “chị rớt dưới hồ”!
Ao đó, mỗi lần tát cá sau mùa vụ là mỗi lần tôi xót thương mấy cây bông súng đến nao lòng. Loài cây sinh tồn mãnh liệt ấy dù thể nào cũng mọc lại rồi nở biết bao hoa làm mồi cho lũ cào cào nhưng dáng bông dáng lá mảnh mai vắt vẻo trên bờ chờ đám trẻ con đã đời cái thú mò cua bắt ốc trông mới tội nghiệp làm sao. Niềm thương ấy, đối với một đứa trẻ lên năm lên mười thoáng qua như một làn khói mỏng nhưng la đà không nguôi tận những về sau.
Ao đó, mỗi độ mưa lụt, lại mênh mang một màu chìm dưới làn nước đục cùng đám Đìa, đám Thùng, đám Ngoẹo và cả con mương nhỏ trước nhà. Đối diện nhà tôi là một dãy vài ba căn nhà cổ của những người láng giềng thân thuộc. Lớn hơn một chút, tôi mới hiểu người xưa đã biết mấy dụng công khi chọn một thế đất đẹp để cất nhà. Những ngôi nhà đó, hiển nhiên, bao giờ cũng có một cái ao to hơn hẳn trong làng. Nhưng ao nào cũng thơm ngát hương sen chứ không chỉ trồng loài hoa lặng lẽ tím. Giờ đây, mỗi lần về quê, tôi lại ao ước hít hà cái mùi thơm sực nức ấy, mùi thơm thân tình của một xóm nghèo tàn lụi sau chiến tranh. Bây giờ, thay vào đó là mùi bê tông, mùi vôi vữa, mùi hóa chất, mùi của những nỗi bất an giữa thời đại thái bình.
Ao đó, đã kè kè theo tôi mấy chục năm nay như một chứng nhận gốc gác nhà quê bần cốt đến thâm căn cố đế không cách gì có thể rời xa. Bởi vậy, mỗi khi dạy “Hồi hương ngẫu thư” của Hạ Tri Chương, lòng tôi như sướng vui theo nỗi vui vô chừng của vị quan già trên bước đường trở về sau hơn năm mươi năm xa cách. Thời gian đằng đẵng đó, hương âm vô cải mấn mao tồi (Tóc mai đã bạc mà giọng quê không đổi). Thì có ngượng ngùng chi cái cốt cách miền trung du sơn cước đã thấm sâu trong máu thịt của mình!
Ngẫu nhiên hôm nay, vườn nhỏ của tôi nơi đất chật người đông đã không phụ lòng nở lại bông hoa tình tứ của tuổi thơ, giữa một trưa muộn của hè tàn. Còn khoảnh khắc nào có thể bình yên hơn khi ngồi trông bóng hoa thanh tú như cũng chợt mừng nghiêng mình muốn ấp iu bông súng nhỏ?