Hoạt động buôn bán bất hợp pháp ĐTVHD có ảnh hưởng rất lớn đến an ninh của loài người cả về mặt tinh thần lẫn kinh tế - xã hội. Một hệ sinh thái bị phá huỷ sẽ không thể đảm bảo an toàn lương thực cũng như không thể cung cấp nguồn nước sạch, môi trường trong lành và các giá trị tinh thần khác cho con người.
Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh, VACNE
1.Sơ lược tình hình buôn bán động thực vật hoang dã trên thế giới
Trên quy mô toàn cầu, việc buôn bán động thực vật và các sản phẩm từ chúng ước tính khoảng 150 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 3 sau buôn bán ma tuý và vũ khí. Trong đó, rất khó có thể ước tính được kim ngạch do buôn bán bất hợp pháp đem lại. Tuy nhiên, có thể khẳng định giá trị tài chính của việc buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã (ĐTVHD) đạt giá trị hàng tỷ đô la Mỹ, chưa kể đến các giá trị môi trường không thể tính toán được [1]..
Hoạt động buôn bán ĐTVHD được thúc đẩy bởi nhu cầu và sở thích vô lối của hàng triệu người trên thế giới. Ví dụ, mặc dù việc buôn bán ngà voi đã bị cấm từ năm 1989, voi Châu Phi vẫn tiếp tục bị săn bắt để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Quần thể voi Châu Phi ước tính khoảng 2 triệu cá thể vào những năm 1970 nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 500.000 cá thể. Chính nhu cầu về ĐTVHD ngày càng tăng (các mẫu vật sống, các sản phẩm làm từ ĐTVHD) đã nuôi sống ngành buôn bán ĐTVHD. Ví dụ, đối với một số nhà sưu tầm động vật chuyên nghiệp, việc sở hữu động vật hoang dã càng quý, càng hiếm thì càng có nhiều giá trị trên thị trường. Trong nhiều trường hợp, chi phí bắt một con thú hoang dã rẻ hơn nhiều so với việc nuôi nhốt con non một cách hợp pháp [1]..
Do việc buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã đem lại lợi nhuận khổng lồ và ít rủi ro nên không có gì ngạc nhiên khi các mạng lưới, các băng đảng và các nhóm tội phạm có tổ chức ngày càng phát triển trong lĩnh vực này. Theo số liệu cũ từ năm 1996, EU là điểm tập kết chính của các hàng hoá ĐTVHD đang bị đe doạ tuyệt chủng (chiếm tới 3/4 lượng tiêu thụ trên toàn thế giới), đặc biệt là các loài chim và thực vật sống [1,3].
Buôn bán động thực vật hoang dã cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm đa dạng sinh học, đặc biệt là đa dạng loài. Buôn bán ĐTVHD thúc đẩy việc khai thác chọn lọc các loài có giá trị thương mại trong tự nhiên dẫn đến mất cân bằng sinh thái trong chuỗi và lưới thức ăn. Sự hiện diện của các loài trong tự nhiên tuân theo quy luật cân bằng động giúp cho các loài duy trì một số lượng cá thể hợp lý trong quần thể và trong toàn bộ hệ sinh thái. Săn bắt ĐTVHD một cách chọn lọc phá huỷ lưới thức ăn - ở một vài điểm nhất định - một cách nghiêm trọng khiến cho lưới thức ăn mất cân bằng, dẫn tới mất cân bằng năng lượng trong các hệ sinh thái. Bên cạnh đó, các loài được giới buôn bán ĐTVHD ưa chuộng thường là các loài mang nguồn gen “tốt” - các nguồn gen có giá trị làm thực phẩm, dược phẩm, giải trí... Khi bị khai thác quá mức, khả năng tái tạo của các nguồn gen này bị mất đi, gây sự mất câng bằng nguồn gen tự nhiên dẫn tới các tính trạng lặn (thường là tính trạng xấu), suy giảm sức sản xuất của các loài...
Đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành hệ thống duy trì sự sống trên Trái Đất. Ngay từ khi con người mới xuất hiện, nguồn lương thực thực phẩm từ thiên nhiên đã nuôi sống và làm nền móng cho sự phát triển của xã hội loài người. Thiên nhiên với sự đa dạng khôn lường của mình đã đem lại cho loài người những sự lựa chọn dường như vô tận để dần dần hình thành các vụ mùa vụ và các đàn gia súc. Cho đến nay, mặc dù chỉ có rất ít các giống loài con người sử dụng được lấy trực tiếp từ thiên nhiên, nguồn cung cấp lương thực thực phẩm chính trên toàn thế giới vẫn từ các loài tự nhien vốn có quan hệ huyết thống với tổ tiên hoãng dã của chúng. Bên cạnh việc cung cấp năng lượng và dinh dưỡng, các hệ sinh thái còn là nguồn cung cấp dược phẩm phong phú mà nền khoa học tiên tiến hiện tại vẫn chưa thể khám phá hết được các tiềm năng của nó như sản xuất các chất chống ung thư, sản xuất vac-xin cho bệnh AIDS... Ngành công nghiệp dược phẩm phải phụ thuộc vào các sản phẩm lấy từ thiên nhiên nhiều hơn chúng ta nhìn nhận. Có tới khoảng 25% các loại thuốc sử dụng trên thị trường có nguồn gốc từ thực vật trong tự nhiên, hoặc các chế phẩm hoá học của các hợp chất chiết suất từ thực vật, trong đó có tới trên 50% là các hợp chất tự nhiên. Rất nhiều loại dược phẩm chiết suất từ thực vật bậc cao. Tuy nhiên, mới chỉ có chưa đầy 1% các loài thực vật rừng nhiệt đới được thử nghiệm để sử dụng làm dược phẩm.
Đa dạng sinh học không chỉ có các giá trị về nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế - xã hội mà còn có nhiều giá trị đạo đức và tâm lý. Đối với nhiều quốc gia, dân tộc, đặc biệt là các cộng đồng sống gắn bó với tự nhiên, các giá trị đa dạng sinh học thể hiện ở các sản phẩm văn hoá, tâm linh mà cộng đồng đó đã gắn bó qua nhiều thế hệ. Đa dạng sinh học trong những trường hợp đó còn chứa đựng cả các giá trị văn hoá không thể thay thế được. Đa dạng sinh học chỉ có thể đem lại cho con người những lợi ích này khi được khai thác và sử dụng một cách hợp lý. Buôn bán bất hợp pháp ĐTVHD mà một trong những phương thức phá huỷ cân bằng trong các hệ sinh thái và làm suy giảm đa dạng sinh học nghiêm trọng. Vì vậy, hoạt động buôn bán bất hợp pháp ĐTVHD có ảnh hưởng rất lớn đến an ninh của loài người cả về mặt tinh thần lẫn kinh tế xã hội. Một hệ sinh thái bị phá huỷ sẽ không thể đảm bảo an toàn lương thực cũng như không thể cung cấp nguồn nước sạch, môi trường trong lành và các giá trị tinh thần khác cho con người.
Chú thích
1. Cook, D. , M. Roberts and J. Lowther. The International Wildlife Trade and Organised Crime - A review of the evidence and the role of the UK. Regional research Institute, University of Wolverhampton. 2002
2. Lawson, T.. Traded towards extintion ? - The role of the UK in wildlife trade. WWF - UK, 2002.
3. Lowther, J., D. Cook and M. Roberts. Crime and Punishment in the wildlife trade. WWF - UK and Traffic, 2002.