quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Nhà nước quên đòi Vedan bồi thường!

Thứ Hai, 02/08/2010 | 09:36:00 AM

"Ai đó" nhân danh nhà nước kiện, đòi Vedan bồi thường thiệt hại về môi trường có thể cho là quyết định dũng cảm. Nhưng nếu chính quyền, nhất là UBND tỉnh Đồng Nai không thực hiện là không làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm

Tác giả: Kiều Phong

Sự cương quyết của người dân qua sự hỗ trợ của chính quyền và tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho thấy quyết tâm buộc Vedan phải thực hiện (một phần) trách nhiệm đối với những thiệt hại của người dân trong nhiều năm.

Có một vị luật sư đã nói, sự kiện này sẽ là một "cột mốc pháp lý" trong lịch sử tố tụng của Việt Nam. Cá nhân tôi rất ủng hộ việc khởi kiện và đồng tình với nhận xét của vị luật sư trên. Nhưng, điều này vẫn chưa đủ vì, nhà nước còn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại về môi trường.

Tôi xin nêu ra những căn cứ pháp lý cụ thể để nói rằng, việc chính quyền "quên kiện" Vedan sẽ là một thiếu sót nghiêm trọng.

Nhà nước và người dân đều bị thiệt hại

Theo Điều 74 Hiến pháp (năm 1992), mọi hành vi xâm hại lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được xử lý nghiêm. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường.

 


Cụ thể hơn, Điều 130 Luật Bảo vệ Môi trường (2005), nêu thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gồm thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường (còn gọi là thiệt hại đối với môi trường tự nhiên). Chủ thể gắn liền với thiệt hại này là nhà nước hoặc các cộng đồng dân cư. Một loại thiệt hại khác là về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Chủ thể gắn với thiệt hại này là các tổ chức, cá nhân cụ thể. Trong đó, thiệt hại thứ hai là thiệt hại gián tiếp, phái sinh từ thiệt hại thứ nhất.

Có khi hai loại thiệt hại này trùng lắp như sự suy giảm nguồn lợi thủy sinh tại vùng sông cũng đồng thời là sự giảm sút về thu nhập của người dân ở khu vực đó. Nhưng trong việc Vedan gây ô nhiễm đã xảy ra cùng lúc cả hai loại thiệt hại. Bởi Điều 131 Luật Bảo vệ Môi trường đã liệt kê: thiệt hại về môi trường gồm thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích; chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường và chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại.

Nhà nước đang quên kiện

Vedan cố tình gây ô nhiễm suốt 14 năm và chỉ dừng lại (về lý thuyết, còn thực tế có thể khác) sau khi bị phát hiện quả tang.

Sau đó, Vedan đã bị truy thu hơn 127 tỉ đồng phí bảo vệ môi trường. Hiện người dân ùn ùn nộp đơn kiện Vedan ra tòa, yêu cầu bồi thường. Chính quyền các địa phương hỗ trợ tích cực người dân đòi lại một phần công bằng.

Tuy nhiên, theo nguyên tắc kẻ gây ô nhiễm phải chi trả (Polluter pays principle), ngay cả khi Vedan tự nguyện (hoặc bị tòa án tuyên) chấp nhận các yêu cầu bồi thường của người dân thì vẫn chưa đủ. Vedan phải bồi thường cho một loại thiệt hại khác, là thiệt hại về môi trường. Nguyên tắc này không xa lạ vì nó đã được cụ thể hóa trong các quy định đang có hiệu lực của nước ta.

Cả hai loại thiệt hại đã nêu đều có chung thời hiệu khởi kiện là hai năm kể từ hành vi gây thiệt hại được xác định hợp pháp (theo Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2004). Vedan bị lập biên bản vi phạm vào ngày 13-9-2008, nên ngày cuối cùng mà người dân (chủ thể của thiệt hại thứ hai) và nhà nước (chủ thể của thiệt hại về môi trường) có thể khởi kiện là 12-9-2010. Nhưng hiện nay, chỉ có người dân khởi kiện, đòi bồi thường cho thiệt hại thứ hai mà thôi.

Trong khi đó, ngày cuối cùng nộp đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại về môi trường đã cận kề nhưng chưa thấy cơ quan nhà nước có trách nhiệm nào lên tiếng, tuyên bố đứng nguyên đơn kiện Vedan.

 


Điều này có thể khẳng định rằng Nhà nước đang "quên" đòi Vedan bồi thường thiệt hại về môi trường tự nhiên.

Nhà nước là "ai"?

Tương tự người dân, nhà nước muốn đòi Vedan bồi thường thì phải có đủ các điều kiện: có thiệt hại xảy ra, có hành vi gây thiệt hại và mối quan hệ giữa hành vi với thiệt hại. Chúng ta không phải phân vân về căn cứ kiện Vedan nữa, mà cần xác định cụ thể chủ thể "nhà nước" có quyền kiện Vedan đòi bồi thường thiệt hại về môi trường là đơn vị nào?

Theo Khoản 2, Điều 56 Bộ Luật Tố tụng Dân sự và Phần I, Mục 2 Nghị quyết 02 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ngày 12-5-2006, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án dân sự (tức nguyên đơn), yêu cầu bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước phải có chức năng quản lý nhà nước và lợi ích yêu cầu bảo vệ phải thuộc lĩnh vực do mình phụ trách.

Về phương diện quản lý nhà nước, các Điều 121, 122 Luật Bảo vệ Môi trường quy định quyền hạn quản lý nhà nước về môi trường gồm Chính phủ, các bộ và UBND các cấp chứ không phải là Sở Tài nguyên - Môi trường (là cơ quan giúp việc). Tại Điều 62 luật này cũng ghi rõ, khi có thiệt hại về môi trường, UBND tỉnh nơi xảy ra thiệt hại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hữu quan để điều tra, đánh giá thiệt hại và yêu cầu người gây thiệt hại phải bồi thường. Theo Bộ Luật Dân sự, Tố tụng Dân sự thì ba địa phương là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM đều có quyền kiện, yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại về môi trường.

Chưa có tiền lệ hay không muốn làm?

Lâu nay các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt vụ gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng thường chỉ phạt tiền, truy thu phí bảo vệ môi trường kèm biện pháp bổ sung buộc chấm dứt vi phạm.

Ngoài những biện pháp trên, quy định cũng cho phép áp dụng nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Nhưng trên thực tế, biện pháp này đã không được các địa phương áp dụng thì việc các tỉnh, thành đứng đơn nguyên đưa kẻ gây ô nhiễm ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường, bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước có vẻ hoang tưởng.

Nhưng nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý, trao cho các công cụ pháp lý và quyền lực cụ thể để không chỉ quản lý, bảo vệ môi trường mà khi có thiệt hại thì phải đứng ra đòi bồi thường. Việc làm này không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của nhà nước.

Vedan là thủ phạm số 1 gây ô nhiễm sông Thị Vải khiến nhiều chủ tàu từ chối cập cảng Đồng Nai, khiến doanh thu hoạt động ngành du lịch của Bà Rịa Vũng Tàu bị suy giảm và nhà nước phải tốn kém chi phí tái tạo môi trường tự nhiên... Từng địa phương có thể tính toán được những thiệt hại về môi trường này. Cơ sở pháp lý đã có, căn cứ, trách nhiệm khởi kiện cũng rõ nhưng đến thời điểm này, dường như các địa phương vẫn chưa nhìn thấy nghĩa vụ của mình. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến UBND tỉnh Đồng Nai, nơi có trụ sở Vedan và có đoạn sông Thị Vải bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất.

"Ai đó" nhân danh nhà nước kiện Vedan đòi bồi thường thiệt hại về môi trường sẽ được cho là dũng cảm. Nhưng hết ngày 12-9-2010 mà các chính quyền, nhất là UBND tỉnh Đồng Nai không đòi Vedan bồi thường thiệt hại về môi trường là không làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm.

Lúc này, thời hạn cuối cùng đã cận kề thì Bộ Tài nguyên - Môi trường và Chính phủ (Điều 121 Luật bảo vệ Môi trường nêu Chính phủ thống nhất quản lý về bảo vệ môi trường cả nước) cần lên tiếng yêu cầu các địa phương thực hiện theo đúng chức trách, nghĩa vụ pháp định.

 

- Theo điều 93, Luật Bảo vệ Môi trường, tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu phục vụ việc điều tra, xác định phạm vi, giới hạn, mức độ, nguyên nhân, biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường; bồi thường thiệt hại theo quy định của luật này và các quy định khác có liên quan...

- Theo Điều 624 Bộ Luật Dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm không được loại trừ ngay khi người gây ô nhiễm không có lỗi.

Điều này bắt nguồn từ quan điểm tôn trọng, bảo vệ triệt để lợi ích của người bị thiệt hại trước sự xâm hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường.


(Tuần VN, 2/8/2010)

Lượt xem: 1885

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE