|
Reduce (tiết giảm), Reuse (Tái sử dụng), Recycle (Tái chế) và bây giờ là Respect (Tôn trọng) - công thức 4R mà Wangari quảng bá.
|
Wangari Maathai, người Kenya, bắt đầu hoạt động xã hội từ năm 1970 khi bà sáng lập tổ chức Green Belt Movement, hô hào trồng rừng, bảo vệ môi trường và các quyền phụ nữ. Năm 2004 bà đoạt giải Nobel Hòa Bình nhờ “đóng góp vào phát triển bền vững, dân chủ và hòa bình”. Bà là tấm gương cho thấy một cá nhân có thể thay đổi cả xã hội như thế nào, và là nguồn cảm hứng cho một trào lưu mới trong lối sống xanh.
Nếu như người Nhật chỉ gói gọn Mottainai trong ba ý nghĩa Reduce (tiết giảm chất thải), Reuse (tái sử dụng nguồn nguyên liệu hữu hạn và Recycle (Tái chế bất cứ thứ gì có thể) thì tiến sĩ Wangari Maathai, lại nhìn vấn đề thêm từ góc độ của sự tôn trọng và lòng tri ân(Respect).
Bà nói, “Điều mà tôi thấy thế giới ngày càng thiếu là sự tôn trọng đối với hành tinh, đối với các loài khác, đối với đồng loại con người. Khi thiếu sự tôn trọng, chúng ta rơi vào sự khinh thường, sự bóc lột, sự tận diệt. Một cái thiếu nữa là lòng biết ơn. Nền văn minh của chúng ta bị chi phối bởi chủ nghĩa vật chất, bởi thương mại hóa và toàn cầu hóa có khuynh hướng nghĩ tới các loài khác như là những mục tiêu khai thác và tận dụng. Và nếu không tận dụng hay lợi dụng được họ thì ta xem họ như là thứ vô dụng. Nhưng lối sống Mottainai với 3 chữ R, reduce, reuse và recycle thì làm nổi bật lên sự tôn trọng và lòng biết ơn. Khi đó bạn sẽ cảm thấy muốn cứu hành tinh, khi đó bạn biết mình không thể sống một mình trên trái đất này, bạn phải cộng sinh với các dạng thức khác của sự sống. Chúng ta có thể có nhiều dị biệt trong cách sống và suy nghĩ nhưng cùng chung sống trên một địa cầu và sẽ tốt hơn nếu học cách cùng tồn tại với nhau”.
Bà cho rằng đừng chờ đợi mà mỗi người hãy tự bảo vệ môi trường sống của mình. Gần đây nhất, đã có một cuốn sách thiếu nhi viết về bà mang tựa đề Seeds of Change (Hạt giống đổi thay).
Phong trào Mottainai mà bà khởi xướng ở quê nhà Kenya và trên toàn châu Phi đã gặp những khó khăn nhất định. Mục tiêu cụ thể là tái sử dụng bao nilông. Vì lợi nhuận nên các nhà sản xuất làm ra những bao nilông quá mỏng khó có thể sử dụng nhiều lần. Bao nilông vứt tràn lan trên mặt đất, cây cỏ, sông hồ; bao nilông chui vô bao tử của cả những con vật hiếu kỳ. Lúc đầu tổ chức của bà thành công: chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất bao ni lông dày hơn. Nhưng rồi chính phủ lại bị gây sức ép, khi các doanh nghiệp đe dọa sa thải nhân công, đóng cửa nhà máy, mà chính phủ thì không thực sự mặn mà với việc bảo vệ môi trường.
Harabee! Đó là lời hô hào của Wangari Maathai: chúng ta hãy cùng làm! Và làm gì? Mottainai: tiết giảm, tái sử dụng, tái chế, trong tinh thần tôn trọng.
|
Tuy nhiên bà cũng đã có những thành công rất khích lệ, như ở Rwanda tổng thống nước này đã ra lệnh đốt hết tất cả những thứ nilông. Bao nilông thực sự bị cấm trên toàn lãnh thổ và nếu bạn mang một bao nilông vào quốc gia này ngay lập tức nó sẽ bị tịch thu.
Bao nilông mất nhiều ngàn năm để phân hủy nhưng mối nguy hại lớn hơn mà Wangari Maathai nhìn thấy là nó bóp chết ngành nghề đan giỏ truyền thống của người phụ nữ châu Phi, những chiếc giỏ đầy màu sắc và nghệ thuật làm từ thiên nhiên và không gây hại môi trường.
Người dân thấy dùng bao nilông tiện lợi và có vẻ sạch sẽ mà không ý thức về mối hiểm họa lâu dài. Bà cũng không nghĩ là có thể từ bỏ bao nilông để quay lại với chiếc giỏ truyền thống.Thực tế trong phong trào trồng cây của tổ chức bà vẫn dùng bao nilông để ươm cây con trước khi đem trồng, nhưng bà khuyến khích mọi người cố gắng sử dụng lại các bao nếu có thể.
Trong cuốn sách Seeds of Change, tác giả Jen Cullerton Johnson kể lại hành trình một cô bé Kenya đã trở thành phụ nữ và người mẹ lớn lao như thế nào. Tất cả bất đầu từ một điều đơn giản: ngay từ nhỏ Wangari Maathai đã được dạy dỗ về sự kính trọng dành cho thiên nhiên.
Cô bé lớn lên yêu quý đất đai, cây cỏ, những con vật xung quanh mình: từ những cây mugumo khổng lồ mà bộ lạc của cô, người Kiluyu thờ cúng cho đến những con nòng nọc bé xíu dưới sông. Rồi cô may mắn được đến trường, trong khi hầu hết con gái ở Kenya đều thất học. Cô rất giỏi các môn khoa học và được sang Mỹ du học.
Khi về lại quê hương, Wangari đi khắp đất nước Kenya, sử dụng kiến thức và tấm lòng của mình để bảo vệ nữ quyền và cứu lấy đất đai, bằng cách trồng từng cây một. Thông điệp của Wangari rất rõ ràng, “Chính người dân phải đứng ra bảo vệ môi trường. Chính người dân phải khiến cho các nhà lãnh đạo thay đổi. Chúng ta không được yếu hèn. Chúng ta phải đứng lên và sống cho điều mình tin”.
TIẾP TRƯƠNG(Theo NHK, Youtube)
(Tuổi Trẻ, 5/8/2010)