Nhiều cuộc họp của chính quyền địa phương được đưa ra
để tìm những biện pháp bảo vệ rừng
Rừng- Một cõi linh thiêng
Trong đời sống tâm linh của tộc người Pa Dí luôn tồn tại những truyền thuyết cổ xưa, những câu chuyện kể về sự gắn bó cả cuộc đời của bà con với việc bảo vệ rừng cấm, rừng thiêng của tộc người mình. Ông Lù Diu Sáng, Chủ tịch MTTQ xã Tung Chung Phố lý giải: Khu rừng thiêng là nơi dành cho linh hồn người đã mất, đó là một cõi linh thiêng để bà con trong xóm, bản cùng tôn thờ. Mỗi khu rừng cấm hay rừng thiêng đều có một quy luật chung và nằm ở địa thế đẹp, nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất. Khu rừng phải tách biệt với khu dân cư để mọi hoạt động của con người không làm kinh động đến thần rừng, người luôn cai quản khu rừng. Ý thức được điều này, đồng bào Pa Dí luôn coi khu rừng thiêng như một báu vật, một thứ bảo bối quý giá. Bà con giữ rừng như giữ chính ngôi nhà của mình, không bao giờ dám chặt một cái cây, bẻ một nhánh cành. Nhờ có những tập tục tốt đẹp đó mà khu rừng thiêng của đồng bào từ đời này sang đời khác vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Người Pa Dí hiện còn không nhiều, chỉ có hơn 3000 người. Đây là tộc người thiểu số, sinh sống tập trung ở một số xã của huyện Mường Khương. Tộc người nổi tiếng về sự thông minh, hiếu học và đặc biệt đang sở hữu nhiều tập quán tốt đẹp.
Được sự giới thiệu của ông Sáng, chúng tôi đến thôn Dì Thàng, xã Tung Chung Phố. Đây là thôn 100% là người dân tộc Pa Dí. Thôn chỉ có 22 hộ với 130 nhân khẩu nhưng lại đang sở hữu những cánh rừng nguyên sinh có diện tích khá lớn. Ông Pờ Chí Lủng, trưởng thôn Dì Thàng cho biết: Khu rừng cấm của thôn có từ trăm năm nay. Từ ngày ông còn bé tẹo, đã được ông nội kể cho nghe nhiều câu chuyện huyền bí, nhưng rất thiêng liêng về những cánh rừng bao quanh thôn. Xuất ngũ, ông tham gia công tác tại địa phương và lại tiếp tục giáo dục cho lớp hậu sinh những điều răn dạy của tiền nhân về khu rừng cấm, rừng thiêng để mọi người cùng nhau bảo vệ, giữ gìn.
Giữ gìn tập quán tốt đẹp
Với người Pa Dí, khu rừng cấm là một lãnh địa của một trong những vị thần bảo vệ cuộc sống bình yên của dân làng. Những đứa trẻ trong bản khi biết nhận thức đã được bố mẹ, ông bà truyền dạy, giáo dục những luật tục của dân tộc mình về trách nhiệm, bổn phận trước khu rừng thiêng của thôn. Khu rừng thiêng không chỉ là báu vật của dân làng mà còn là phong tục tập quán, nét văn hóa tâm linh của đồng bào Pa Dí. Trưởng bản Dì Thàng, Pờ Chí Lủng cho biết thêm: Hàng năm, cứ sau Tết Nguyên đán, dân trong thôn lại góp tiền, sắm sanh các lễ vật để cúng các vị thần tại khu rừng cấm. Lễ vật là một con lợn từ 30 đến 50kg, gà sống, xôi nếp và một số sản vật địa phương. Người chủ lễ là già làng, người có uy tín của một trong 3 dòng họ trong thôn, là họ Cháng, họ Pờ và họ Tung. Sau khi làm lễ cúng, lễ vật được chia đều cho các gia đình trong thôn để bà con cùng được hưởng một chút gì đó là lộc của thần rừng.
Khu rừng cấm của thôn Dì Thàng có diện tích khá rộng, chừng vài chục hécta, bao bọc 3 phía của thôn, trải dài sang một số thôn khác của xã Mường Khương. Rừng cấm có nhiều loại gỗ quí, nhưng phổ biến nhất là dổi xanh, lát và cây sa mộc, một loại cây "quốc hồn quốc tuý” của xứ lạnh ôn đới. Chỉ cần lội qua con suối Dì Thàng là bắt gặp khu rừng cấm của đồng bào. Trong rừng cấm có nhiều cây to, đường kính từ 0,4 đến 0,7m, có những cây vài sải tay người ôm không hết. Dưới sự nhẩn nha cắt nghĩa, lý giải của trưởng bản Pờ Chí Lủng thì khu rừng được phân cho từng thôn, xóm quản lý và lễ cúng thần rừng được tổ chức vào đầu tháng 3 âm lịch hàng năm. Trong ngày cúng rừng, trưởng bản đọc lại những hình thức kỷ luật và bổ sung thêm một số hình thức kỷ luật mới cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Trong những hình thức kỷ luật có quy định, người nào chặt cây sẽ phải đền cho làng 50kg thóc, phải giết trâu, bò mời cả 4 thôn đến phạt vạ. Mỗi một khu rừng đều được bảo vệ bằng những huyền thoại linh thiêng nên trưởng bản ngoài việc chăm lo thờ cúng, giữ gìn đức tin cho cả bản, còn có nhiệm vụ quan trọng là trông giữ rừng.
Rời Dì Thàng, trưởng bản Lủng cũng đưa ra nhiều băn khoăn, lo lắng vì khu rừng thiêng của bà con trong bản đang đứng trước nguy cơ lâm tặc tàn phá với những thủ đoạn ngày một tinh vi. Ngoài việc người dân đang cố gắng giữ gìn những nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh, bảo vệ rừng trong tâm thức thì rất cần sự vào cuộc của các cấp, ban, ngành, đoàn thể để giúp bà con bảo vệ rừng.
N. Phượng
|