Tấn Khôi (GNO)
Tình yêu, người ta thường ví von giống như sắt đá. Hoặc có người vẫn hay thề thốt rằng “dẫu sông cạn, đá mòn thì tình anh/em vẫn không đổi”. Đá trở thành một thực thể minh chứng, và được ước lệ về tính lâu bền của tình yêu.
Ở một khía cạnh khác, tác giả của ca khúc Phiến đá sầu đã hơn 2 lần hỏi: “…phiến đá có tình yêu không/…phiến đá có linh hồn không?” để chỉ cho một sự khắc khoải về tình yêu và sự chia xa. Ngôn ngữ của đá lúc này đã hoà quyện thành ngôn ngữ của một người vừa trải qua mất mát, thứ mất mát mang tên tình yêu. Đớn đau và nghi ngờ, đó là cảm giác của con người khi phải đối mặt với sự chia tay, hay sự phũ phàng của tình yêu: chia xa. Người đã hoá đá, bởi hồn người đã giá băng thì có khác chi tượng đá?
Và rồi, nếu được trải nghiệm thêm, ta lại được đối diện với một tâm hồn khác, nhân văn hơn: Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau! (Trịnh Công Sơn). Sỏi đá, hay lòng người? Một người dẫu có thể một lúc nào đó hoá đá bởi những dập dồn của số phận và tình yêu thì cũng có lúc sẽ được tưới tẩm hạt giống yêu đương từ những tấm chân tình. Và thứ sỏi đá trong lòng người về sự đánh mất niềm tin cũng vậy, cũng sẽ có lúc ta thấy lòng mình cần một điểm tựa. Cần nhau ở một khía cạnh tình người chứ không phải chỉ là nhục cảm, là những rung động nam-nữ…
Còn cái đẹp của đá, cả về vẻ đẹp tự nhiên lẫn tinh anh của chất liệu và sự gắn kết nên đá chính là sự bền vững. Sự vững chãi mà đá hiến tặng cho con người sẽ làm tôn thêm vẻ dịu dàng, mềm mại của hoa. Vì vậy, đá và hoa, vẫn là cách ví von thật đẹp trong mối tương quan giữa âm và dương, giữa cứng và mềm. Tô điểm cho nhau để đẹp hơn, để cuộc sống không khô khan cũng không quá ướt át…