Đây là ý kiến của TS. Nguyễn Khắc Kinh,Phó Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường, thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên – Môi trường Việt Nam (VACNE)
Theo ông Kinh: Nghị định số 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành (ngày 18/4/2011) quy định về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cam kết bảo vệ môi trường (CKBVMT) có quá nhiều điều bất cập, gây khó khăn, bế tắc cho việc thực hiện, khi thay thế cho các Nghị định số 80/2006/NĐ-CP và Nghị định số 21/2008/NĐ-CP.
Cụ thể là: Trong Nghị định này (gọi tắt là Nghị định 29) lại quy định: “phải đánh giá tác động của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đến các vấn đề môi trường chính” là không chính xác về khoa học và trái với Luật Bảo vệ môi trường đã ban hành năm 2005.
Theo quy định tại các điểm đ khoản 1, điểm c khoản 2 và điểm b khoản 3 của Điều 5, đối với cả 3 loại báo cáo ĐMC (Báo cáo ĐMC chi tiết được lập riêng, Báo cáo ĐMC chi tiết lồng ghép, và Báo cáo ĐMC rút gọn), đều bắt buộc phải có nội dung về “Đánh giá tác động đến các vấn đề môi trường chính trong trường hợp thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch” – tức là phải đánh giá tác động của chiến lược (C), quy hoạch (Q), kế hoạch (K) đến các vấn đề môi trường chính. Việc này là không thể được, bởi vì:
- Trong khoa học môi trường nói chung, các chuyên ngành của khoa học môi trường nói riêng, khái niệm “các vấn đề môi trường” (Environmental Issues) hoàn toàn khác với khái niệm “các thành phần môi trường” (Environmental Components). Trong chuyên ngành khoa học về “đánh giá tác động” (Impact Assessment – thực chất đây là Dự báo tác động), đòi hỏi phải có và phải biết rõ 2 đối tượng: 1) Đối tượng gây ra tác động, và 2) Đối tượng bị tác động. Đối tượng gây ra tác động trong ĐTM là “dự án đầu tư”, đối tượng gây ra tác động trong ĐMC là C, Q, K (thường được gọi chung “quyết định chiến lược”) . Đối tượng bị tác động trong ĐTM và trong ĐMC đều là môi trường – tức là “các thành phần môi trường” tại vùng thực hiện dự án
đầu tư hay vùng thực hiện quyết định chiến lược và vùng kế cận (thường được gọi là Môi trường xung quanh). Dựa trên các thông tin, dữ liệu đã biết về 2 đối tượng này, người ta phải đi tìm các tác động (tích cực và tiêu cực) có thể xảy ra của dự án hay của quyết định chiến lược đến “các thành phần môi trường”. Nói cách khác, tác động là ẩn số cần tìm trên cơ sở đã biết các dữ liệu về 2 đối tượng như đã nêu. Chính vì thế, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (Luật BVMT 2005) mới đòi hỏi trong báo cáo ĐMC phải có nội dung về “dự báo tác động xấu đối với môi trường có thể xảy ra khi thực hiện dự án” - tức là dự báo các tác động xấu của C, Q, K đến “các thành phần môi trường” (xin “mở ngoặc” rằng, trên thế giới người ta còn dự báo cả các tác động tốt – tác động tích cực nữa !).
- Đối với ĐMC, “các vấn đề môi trường” được đặt ra là do tính đặc thù và sự đòi hỏi riêng về cách thức phân tích, đánh giá tác động ở tầm chiến lược. Các vấn đề môi trường này được tạo ra bởi sự tác động của quyết định chiến lược đến môi trường. Để xác định được “các vấn đề môi trường”, người ta cũng phải sử dụng cách tiếp cận và các phương pháp về “đánh giá tác động”. Việc làm này là dựa theo kinh nghiệm của các nước thuộc Cộng đồng Châu Âu và nhiều nước khác. Như vậy, “các vấn đề môi trường” cũng là những ẩn số phải tìm. Ở tầm chiến lược, người ta thường chỉ chú trọng đến những vấn đề môi trường mang tính then chốt, cốt lõi (Key Environmental Issues), tiếp đó, phải xoay quanh và bám sát những vấn đề này để tiến hành các phân tích, đánh giá về diễn biến của các tác động xảy ra theo những khoảng thời gian và không gian nhất định. Vì thế, nên gọi đó là “các vấn đề môi trường cốt lõi” thay vì “các vấn đề môi trường chính”.
- Khái niệm và quy định về “các vấn đề môi trường chính” cũng đã được đưa ra tại Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (thay thế cho Thông tư số 08/2006/TT-BTNMT ngày 08/9/2006), nhưng rất đáng tiếc, cách viết trong Thông tư số 05 thiếu rõ ràng và thiếu tính logic, nên đại đa số đã không hiểu hoặc hiểu nhầm về chúng. Và có lẽ đây là một nguyên nhân cơ bản khiến cho chất lượng của hầu hết các báo cáo ĐMC trình thẩm định trong thời gian vừa qua là không đạt yêu cầu đặt ra.
Việc bắt buộc cơ quan xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phải đưa ra các đề xuất về điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ngay trong báo cáo ĐMC do chính mình lập ra là sai phạm về tính logic và cũng không phù hợp với quy định của Luật BVMT 2005.
Đó là quy định tại các điểm g khoản 1, điểm đ khoản 2 và điểm c khoản 3 của Điều 5. Điều này không có tính logic và là sự vô lý, bởi vì: Theo tinh thần quy định tại Điều 15 của Luật BVMT 2005 và Điều 4 của Nghị định 29, cơ quan được giao nhiệm vụ lập C, Q, K có trách nhiệm lập báo cáo ĐMC; báo cáo ĐMC là một nội dung của C, Q, K và phải được lập đồng thời với quá trình xây dựng C, Q, K; kết quả ĐMC phải được tích hợp vào văn bản C, Q, K. Điều đó có nghĩa là, C, Q, K và báo cáo ĐMC đều do cùng một cơ quan lập ra. Mục đích và ý nghĩa quan trọng bậc nhất của ĐMC là tạo cơ sở cho cơ quan lập C, Q, K lồng ghép (tích hợp) được các yếu tố môi trường vào trong C, Q, K để nó được bền vững về mặt môi trường trong quá trình thực hiện.
Thông qua ĐMC và dựa vào kết quả của ĐMC, nếu cơ quan lập C, Q, K thấy cần thiết phải điều chỉnh nội dung nào đó của C, Q, K cho phù hợp về mặt môi trường thì tự mình có trách nhiệm và có quyền điều chỉnh chứ tại sao còn phải đề xuất điều chỉnh ? mà đề xuất với ai ở đây cơ chứ !?
Xin “mở ngoặc” rằng, việc đề xuất điều chỉnh C, Q, K trên cơ sở kết quả của ĐMC chỉ phù hợp trong trường hợp ĐMC được tiến hành sau khi đã lập xong C, Q, K, tức là sau khi đã có dự thảo hoàn chỉnh của C, Q, K hoặc đã phê duyệt C, Q, K. Việc này đã từng xảy ra và chỉ có thể chấp nhận giải quyết như là một giải pháp tình thế trong mấy tháng đầu kể từ ngày Luật BVMT 2005 có hiệu lực (ngày 01/7/2005) mà thôi. Đến bây giờ đã là giữa năm 2011 rồi thì nhất định Điều 15 của Luật BVMT 2005 phải được nghiêm chỉnh thực hiện, và như vậy sẽ không còn tình trạng một cơ quan vừa có trách nhiệm lập C, Q, K, vừa có trách nhiệm lập báo cáo ĐMC lại phải có những đề xuất về việc điều chỉnh C, Q, K ngay trong báo cáo ĐMC đó !!!
Quy định về thời điểm trình thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM như Nghị định 29 là sai phạm về nguyên tắc của ĐTM, trái với Luật BVMT 2005 và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13, các dự án đầu tư có hạng mục xây dựng công trinh thuộc đối tượng phải xin giấy phép xây dựng chỉ phải trình thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM trước khi đề nghị cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng. Điều này là rất không nên, bởi vì:
- Về nguyên tắc, báo cáo ĐTM phải được lập, thẩm định và phê duyệt trước khi quyết định dự án đầu tư. Nguyên tắc này cũng đã được thể hiện tại khoản 4 Điều 22 của Luật BVMT 2005. Điều đó là vì, phải có tới trên 80% giá trị của ĐTM là để phục vụ cho việc lựa chọn địa điểm thực hiện dự án. Chỉ có thông qua ĐTM mới có thể có đủ căn cứ để quyết định địa điểm dự án ở đâu là phù hợp và không phù hợp. Đại đa số các dự án đầu tư là có các hạng mục xây dựng công trình, chủ dự án thường chỉ tiến hành các công việc về thiết kế công trình và xin cấp phép xây dựng sau khi dự án đã được cấp phép đầu tư hoặc đăng ký đầu tư – tức là khi địa điểm của dự án đã được khẳng định; lúc đó mới tiến hành ĐTM thì còn ý nghĩa gì nữa !? Tất nhiên, nó vẫn còn khoảng gần 20% giá trị cho việc đề ra các biện pháp giảm thiểu tác động của dự án. Nhưng một câu hỏi đặt ra là, nếu như thông qua ĐTM vào lúc này mà thấy rằng, địa điểm dự án không phù hợp (ví dụ, sức chịu tải của môi trường ở đó đã hết, thậm chí đã quá tải, không thể tiếp nhận thêm dự án; hoặc, dự án ở một địa điểm có khả năng gây ra những mối nguy hại nghiêm trọng cho các đối tượng khác ở xung quanh v.v…), trong khi chủ dự án đã tiêu tốn rất nhiều tiền của, công sức cho những công việc liên quan kể từ khi được cấp phép đầu tư hoặc được đăng ký đầu tư, liệu khi đó các cơ quan có trách nhiệm và chủ dự án sẽ giải quyết ra sao ??? Ví dụ, trường hợp đã xảy ra với Công ty POSCO Hàn Quốc năm 2008; khi mới chỉ nhận được sự đồng ý về mặt chủ trương cho đầu tư nhà máy luyện thép ở vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, chứ chưa phải là đã được cấp phép hay đăng ký đầu tư, POSCO đã tiêu tốn tới 05 triệu đô-la Mỹ (chưa kể công sức) cho các khâu chuẩn bị, nhưng cuối cùng họ bị từ chối và phải bỏ về tay không; rất may là vì mối quan hệ lâu dài với Việt Nam mà phía Hàn Quốc chưa có kiện cáo nên chưa có vấn đề gì rắc rối xảy ra sau đó.
- Quy định tương tự như nêu trên cũng đã được Chính phủ đưa ra tại Nghị định 21/2008/NĐ-CP ngày 28/2/2008, nhưng đã bị dư luận phê phán vì vi phạm nguyên tắc của ĐTM và trái Luật BVMT 2005. Tại kỳ một kỳ họp Quốc hội sau đó, để khỏi bị phê phán là trái Luật, Chính phủ đã đưa điều quy định này vào dự thảo “Luật sửa đổi một số luật” và trình Quốc hội, nhưng đã không được Quốc hội đồng ý thông qua tại kỳ họp đó.
TS. Nguyễn Khắc Kinh còn chỉ ra một số bất cập như:
Sự mâu thuẫn giữa Điều 3 và Phụ lục 1 liên quan đến đối tượng phải thực hiện ĐMC. Trong số các đối tượng phải thực hiện ĐMC quy định tại Điều 3 có cả các kế hoạch 05 năm trở lên và chỉ dẫn phải đối chiếu cụ thể với Phụ lục 1, nhưng trong Phụ lục 1 lại không hề có loại kế hoạch 05 năm trở lên này. Vậy, trên thực tế sẽ phải thực hiện như thế nào ? Theo Điều 3 thì vi phạm Phụ lục 1, theo Phụ lục 1 thì vi phạm Điều 3 !?
Quy định về CKBVMT cũng chưa chuẩn xác. Vì ở nước ta: khái niệm CKBVMT được dùng trong Luật BVMT 2005 là để thay thế cho khái niệm Đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường (ĐKĐTCMT) đã dùng trước đây trong quá trình thực hiện Luật BVMT năm 1993. Cả ĐKĐTCMT và CKBVMT đều là một dạng đơn giản của ĐTM và cũng chỉ áp dụng đối với dự án, nhưng là dự án có quy mô nhỏ hơn so với dự án là đối tượng của ĐTM, chứ không áp dụng cho cơ sở đang hoạt động.
Thế nhưng, theo khoản 2 Điều 29 Nghị định 29, đối tượng phải CKBVMT là “các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư nhưng có phát sinh chất thải sản xuất” – nghĩa là, tất cả các cơ sở đang hoạt động mà trước đó không có dự án đầu tư nhưng có chất thải, đều phải thực hiện CKBVMT. Quy định như vậy, một mặt không đúng với tinh thần của ĐTM, mặt khác, sẽ có vô số các cơ sở đang hoạt động phải làm CKBVMT, kể cả các cơ sở. các hộ gia đình đang có chăn nuôi mấy con lợn, mấy con trâu, mấy con bò … vì trước đó đều không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư và đều có phát sinh chất thải. Liệu việc này có đúng, có cần thiết, có khả thi !?
- Trong nội dung bản CKBVMT chỉ đề cập đến các loại chất thải – tức là chỉ đề cập đến các tác động do chất thải gây ra mà không đề cập gì đến các tác động khác không phải do chất thải gây ra; như vậy thì rất không đúng, không thỏa đáng, bởi vì, trên thực tế có nhiều loại dự án có tiềm năng gây ra những tác động không liên quan gì đến chất thải (xói mòn, sụt lún, chấn động …) nhưng nguy hại hơn nhiều so với chất thải !
Trong văn bản này còn quy định: trường hợp phải lập lại báo cáo ĐTM và bản CKBVMT. Như vậy là không rõ ràng dễ dẫn đến tình trạng bế tắc hoặc tùy tiện áp dụng trong thực tế gây ra những khó khăn, phiền hà không cần thiết.
- Về ĐTM, điểm c khoản 3 Điều 12 quy định trường hợp phải lập lại báo cáo ĐTM là trường hợp có “thay đổi quy mô, công suất hoặc công nghệ làm gia tăng mức độ tác động xấu đến môi trường hoặc phạm vi chịu tác động do những thay đổi này gây ra”. Vậy, đây là trường hợp của dự án hay trường hợp của cơ sở đang hoạt động ? Nếu là cơ sở đang hoạt động thì báo cáo ĐTM được lập lại trên cơ sở nào ? mặt khác, ĐTM không áp dụng cho những cơ sở đang hoạt động !
- Về CKBVMT, khoản 4 Điều 35 quy định trường hợp phải lập lại bản CKBVMT là các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (tức là các cơ sở đang hoạt động) có “thay đổi quy mô, công suất, công nghệ làm gia tăng mức độ tác động xấu đến môi trường hoặc phạm vi chịu tác động do những thay đổi này gây ra”; câu hỏi lại đặt ra ở đây là: Căn cứ vào đâu để lập lại bản CKBVMT và liệu có cần phải như vậy không ? (nên chăng, chỉ cần yêu cầu chủ cơ sở báo cáo về những thay đổi đó thôi !?). Khoản 5 Điều 35 quy định “…hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thay đổi tính chất hoặc quy mô đến mức tương đương với đối tượng phải lập báo cáo ĐTM…” phải lập báo cáo ĐTM; vậy, câu hỏi cũng đặt ra là: Lập báo cáo ĐTM trên cơ sở nào một khi khi không có dự án ? Mặt khác, như đã nêu ở trên, CKBVMT là dạng đơn giản của ĐTM và không áp dụng cho cơ sở đang hoạt động !
Trong Nghị định còn quy định: “thời hạn 05 ngày cho UBND cấp huyện để chấp nhận hồ sơ đăng ký bản CKBVMT” cũng không khả thi, thậm chí còn đưa UBND cấp huyện (hoặc cấp xã được ủy quyền) vào thế “tiến, thoái lưỡng nan”
Điểm b khoản 1 Điều 33 quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền …(UBND cấp huyện hoặc cấp xã được ủy quyền) … có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án, chủ cơ sở biết về việc chấp nhận hồ sơ hoặc không cấp nhận hồ sơ bản CKBVMT. Trường hợp không chấp nhận, phải nêu rõ lý do bằng văn bản”. Điều này hầu như là không khả thi. Hiện tại cũng như trong thời gian khá dài nữa, cấp huyện và cấp xã không thể có nguồn nhân lực có đủ trình độ chuyên môn cần thiết để trong vòng 05 ngày có thể biết chắc chắn được rằng hồ sơ CKBVMT có thể chấp nhận được hay không; có thể mời chuyên gia nhưng trong thời hạn 05 ngày cũng không thể kịp làm những việc cần thiết, vả lại, ở
huyện và xã việc mời chuyên gia đâu có dễ dàng ! Nếu cứ chấp nhận theo kiểu “cho xong việc”, nhưng khi triển khai trên thực tế, cơ sở hoạt động gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường thì liệu UBND cấp huyện, cấp xã có vô can ? Nếu không chấp nhận, để tìm ra được lý do không chấp nhận sao cho “tâm phục, khẩu phục” đâu có dễ dàng trong thời hạn 05 ngày !
Ngoài ra, trong Nghị định này cũng không có sự quy định rõ ràng về “chương trình quản lý và giám sát môi trường” và “kế hoạch quản lý môi trường”
Tại điểm e khoản 1 Điều 17 quy định trong nội dung báo cáo ĐTM phải có “Danh mục công trình, chương trình quản lý và giám sát các vấn đề môi trường trong quá trình triển khai thực hiện dự án”; tại Điều 22 quy lại định “sau khi báo cáo ĐTM được phê duyệt, chủ dự án phải lập, phê duyệt và niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường”.
Bất cập ở đây là: Nếu báo cáo ĐTM chỉ có danh mục các chương trình quản lý và giám sát môi trường - nghĩa là, chỉ có một danh mục liệt kê tiêu đề (tên) các chương trình chứ không có nội dung chương trình; như vậy thì liệu có ý nghĩa gì !?
Trong khi đó, trong Tuyên bố Hà Nội (Hanoi Core Statement) đã ký kết với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế năm 2006, Việt Nam đã cam kết là sẽ hài hòa hóa công tác ĐTM với cộng đồng quốc tế. Như vậy thì trong báo cáo ĐTM phải có Kế hoạch quản lý môi trường (Environmental Management Plan) bao gồm cả các nội dung về giám sát môi trường – tức là, kế hoạch quản lý môi trường phải được cơ quan thẩm định ĐTM phê duyệt cùng với việc phê duyệt báo cáo ĐTM.
Một mặt chỉ yêu cầu có danh mục chương trình, mặt khác, để cho chủ dự án tự lập và phê duyệt kế hoạch quản lý môi trường – quy định như vậy của Nghị định 29 liệu có thỏa đáng !?
Việc dùng khái niệm “Đề án BVMT” và chỉ quy định thời hạn lập “Đề án BVMT” cho những cơ sở đang hoạt động nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM hoặc không đăng ký bản CKBVMT chỉ đến khi Nghị định 29 có hiệu lực là không phù hợp.
Theo tinh thần quy định tại khoản 3 Điều 39, chỉ các cơ sở đã đi vào hoạt động trước ngày Nghị định 29 có hiệu lực (ngày 05/6/2011) và đã bỏ qua các thủ tục về ĐTM hoặc CKBVMT, mới phải lập Đề án BVMT. Bất cập ở đây là:
- Về khái niệm, chỉ ở Việt Nam mới có 2 từ là “đề án” và “dự án” khác nhau, nhưng khi dịch chúng sang tiếng nước ngoài thì đều phải dịch chung một từ, ví dụ, dịch sang tiếng Anh là Prô-dếch (Project), tiếng Pháp là Prô-giê (Project), tiếng Nga là Prô-ekt v.v… Mặt khác, ở Việt Nam cũng không có sự phân biệt rõ ràng giữa “đề án” và “dự án”, thậm chí không phân biệt rõ ràng giữa chúng với “kế hoạch”. Tuy nhiên, bằng một cách nôm na, đại khái có thể hiểu rằng, khi có dự kiến (việc sẽ làm) nào đó chưa thật rõ, chưa thật cụ thể thì thường dùng, nhưng lẫn lộn, giữa “đề án”và “dự án” (project); còn một dự kiến nào đó tương đối cụ thể và rõ ràng thì hay dùng là “kế hoạch”. Một cơ sở đang hoạt động là một đối tượng đã có, đã cụ thể thì việc dự kiến các hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường nên gọi là “kế hoạch quản lý môi trường” hoặc “kế hoạch quản lý và BVMT”, chứ không nên là “đề án BVMT” Trên thế giới người ta gọi là “kế hoạch quản lý môi trường” trong đó bao gồm cả các nội dung về BVMT.
Mặt khác, một cơ sở đang hoạt động dù đã có hay không có báo cáo ĐTM, bản CKBVMT chỉ khác nhau về phương diện thực thi luật pháp; còn về mặt quản lý môi trường, chúng hoàn toàn không có gì khác nhau. Trên thế giới, một cơ sở đang hoạt động, dù có hay không có báo cáo ĐTM trước đó, đều phải lập “kế hoạch quản lý môi trường” để phục vụ cho khâu “kiểm toán môi trường”. Ở Việt Nam chưa có quy định pháp luật về kiểm toán môi trường, nhưng, vẫn nên quy định cho các cơ sở đang hoạt động phải lập kế hoạch quản lý môi trường – vừa phục vụ trước mắt, vừa làm tiền đề cho quy định về kiểm toán môi trường sau này để có sự hài hòa hóa trong hội nhập quốc tế. Việc dùng khái niệm “đề án bảo vệ môi trường” mà khi dịch sang tiếng nước ngoài vẫn phải dịch là Prô-dếch/ Prô-giê/Prô-ekt như đã nêu thì quả là sẽ làm cho thế giới khó hiểu về cách quản lý môi trường của Việt Nam !?
- Về mặt thời hạn, chắc chắn là sau ngày 05/6/2011 vẫn sẽ còn tình trạng cơ sở đi vào hoạt động nhưng trước đó không có báo cáo ĐTM hay bản CKBVMT. Nếu không phải làm đề án (hay kế hoạch) BVMT thì sẽ làm cái gì thay thế ? Nếu không thì tình trạng bế tắc lại sẽ tiếp tục xảy ra tương tự như hiện nay do hậu quả quy định của Nghị định 21/2008/NĐ-CP và sau đó có hướng dẫn cụ thể thêm tại Thông tư số 04/2008/TT-BTNMT – nay đã hết hiệu lực (Nghị định 21 quy định thời hạn lập đề án BVMT cho cơ sở đi vào hoạt động nhưng không có báo cáo ĐTM hoặc bản CKBVMT trước ngày 01/7/2006 - ngày Luật BVMT 2005 có hiệu lực; hậu quả là hiện tại cả nước có hàng chục ngàn cơ sở đã đi vào hoạt động sau ngày 01/7/2006 đang phải nằm chờ “cấp trên”
cho hướng dẫn xử lý). Như vậy thì quá là bất cập!
TS. Nguyễn Khắc Kinh bày tỏ mong muốn: các cấp có trách nhiệm sớm nghiên cứu, xử lý kịp thời những bất cập kể trên, để Nghị định 29 sớm đi vào phục vụ đời sống- xã hội ./.
Văn phòng VACNE