Để tìm hiểu rõ hơn về những hoạt động này, phóng viên báo VEN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn - môi trường trong công nghiệp (ATMT), Bộ Công Thương.
- Xin ông cho biết những hoạt động của cục trong việc triển khai thực hiện các chiến lược, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” (Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 7/9/2010) và “Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015 tầm nhìn 2025” (Quyết định số 1030/QĐ-TTg, ngày 20/7/2009) do Bộ Công Thương xây dựng và trình.
Theo đó, Cục ATMT đã tư vấn lãnh đạo Bộ Công Thương để thành lập trung tâm môi trường và sản xuất sạch trực thuộc cục dựa trên cơ sở Trung tâm Quan trắc và ứng dụng phát triển công nghệ môi trường với nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH), xây dựng và quản trị hệ thống cơ sở dữ liệu về SXSH.
Đồng thời, đối với Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam, Bộ Công Thương đã giao cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ “Triển khai thực hiện Dự án hoàn thiện tổ chức, cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về ngành công nghiệp môi trường”, theo đó năm 2010 sẽ hoàn thành các hạng mục như: Báo cáo phân tích đánh giá hiện trạng ưu nhược điểm và tính phù hợp của khung tổ chức, cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến ngành công nghiệp môi trường Việt Nam; Dự thảo thuyết minh của dự án để làm cơ sở triển khai thực hiện trong các năm tiếp theo.
- Để triển khai thực hiện các chiến lược và đề án trên, Bộ Công Thương nói chung và Cục ATMT nói riêng đã có những hoạt động hợp tác quốc tế như thế nào, thưa ông?
Như chúng ta thấy, ô nhiễm môi trường không có biên giới địa lý nên bảo vệ môi trường là vấn đề toàn cầu, nhất thiết cần có sự hợp tác quốc tế. Hiện các chương trình hợp tác quốc tế của Bộ Công thương chủ yếu liên quan tới biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả năng lượng…
Cụ thể, nằm trong Chương trình hợp tác phát triển Việt Nam - Đan Mạch về môi trường và biến đổi khí hậu, Bộ Công Thương đang chủ trì thực hiện hợp phần SXSH trong công nghiệp và Hợp phần Hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Còn về phía Cục ATMT, hiện nay chúng tôi đang kết hợp cùng với Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO); Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) triển khai dự án BAT/BEP (2009-2011) - dự án áp dụng phương pháp kỹ thuật tốt nhất và kinh nghiệm môi trường tốt nhất để trình diễn việc giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ phát sinh không chủ định (U-POP).
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang triển khai dự án quản lý chất thải nguy hại trong biến thế điện (PCP) tại Việt Nam với vai trò là ban quản lý dự án. Dự án được tiến hành trong vòng 5 năm từ 2009-2014 do Quỹ môi trường toàn cầu tài trợ uỷ thác thông qua ngân hàng thế giới, đồng thời UNIDO và chúng tôi cũng đang phối hợp xây dựng kế hoạch hành động quốc gia 2010 về biến đổi khí hậu.
- Theo ông, để các chiến lược, đề án đó sớm về đích theo kế hoạch, chúng ta cần phải có những bước đi như thế nào?
Hiện nay, việc triển khai các dự án, nhiệm vụ…thuộc chiến lược, đề án đang gặp một số vấn đề khó khăn như: văn bản pháp luật có sự chồng chéo, cơ chế tài chính nhiều chỗ chưa rõ ràng, thiếu sự phối hợp giữa doanh nghiệp đơn vị nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước…
Do vậy, theo tôi để đẩy nhanh tiến độ chúng ta phải hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản pháp luật, tăng cường chỉ đạo giám sát các bước thực hiện cũng như nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các vấn đề môi trường để có sự tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước.
- Xin cảm ơn ông!