(TBKTSG) - Giới sản xuất năng lượng tái tạo Âu - Mỹ đang lo sốt vó khi chính quyền Trung Quốc có những chính sách trợ giá và ưu đãi cho các doanh nghiệp năng lượng sạch nước này sản xuất thiết bị để xuất khẩu khiến cho các công ty phương Tây không cạnh tranh nổi. Một số công ty đã phải đóng cửa, số khác cắt giảm nhân công, số thì chuyển đến Trung Quốc liên doanh sản xuất với các đối tác địa phương.
|
Điện gió đã manh nha ở Việt Nam nhưng thiếu một môi trường chính sách để phát triển. Trong ảnh là những turbine điện gió ở Tuy Phong, Bình Thuận. Ảnh: H.H |
Phi Tuấn
Tham vọng của Trung Quốc
Ngành công nghiệp sản xuất năng lượng sạch của Trung Quốc bùng nổ trong thời gian vừa qua, và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường thế giới. Mặc dù về danh nghĩa, chương trình phát triển năng lượng sạch của Trung Quốc đã giải quyết được công ăn việc làm cho hơn một triệu người, và đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng mà không góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng đằng sau sự phát triển này là tham vọng thống trị thị trường thế giới của Trung Quốc.
Để thực hiện kế hoạch này, Chính phủ Trung Quốc đã rất hào phóng trong việc trợ cấp và ưu đãi cho các công ty địa phương bất chấp các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tờ New York Times của Mỹ dẫn trường hợp Công ty Sunzone Optoelectronics sản xuất các tấm pin mặt trời ở tỉnh Hồ Nam như một ví dụ. Thành lập mới chỉ hai năm, Sunzone đã xuất khẩu khoảng 95% sản phẩm sang châu Âu và hiện đang ráo riết mở các văn phòng kinh doanh ở New York, Chicago, Los Angeles để chuẩn bị đưa hàng vào Mỹ đầu năm tới. Sunzone đã được mua một lô đất vàng ở khu trung tâm thành phố Trường Sa của Trung Quốc với giá chỉ bằng một phần ba giá đất công nghiệp, được hưởng lãi suất ưu đãi từ ngân hàng, được tạo mọi điều kiện thuận lợi trong thủ tục lẫn tài chính. Việc xây dựng Sunzone cũng rất hối hả, thủ tục xây dựng lẫn tài chính chỉ mất ba tháng. Việc xây dựng nhà máy mất thêm tám tháng, làm ngày làm ba ca, tuần đủ bảy ngày.
Chính nhờ ưu đãi của chính phủ mà các doanh nghiệp sản xuất pin mặt trời và turbine điện gió của Trung Quốc có thể cho ra thị trường những sản phẩm có giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm tương tự của phương Tây. Năm nay Trung Quốc dự định sản xuất gần một nửa số turbine gió và một nửa số tấm pin mặt trời của toàn thế giới và đang chuẩn bị cho một kế hoạch xuất khẩu quy mô lớn tới Mỹ và châu Âu.
Các chiến thuật năng nổ của Trung Quốc đang biến ngành năng lượng sạch trở nên rẻ hơn. Trong hai năm qua, giá pin mặt trời đã giảm xuống gần phân nửa còn giá turbine gió cũng giảm gần một phần tư - một phần do khủng hoảng toàn cầu nhưng chủ yếu là do sự bành trướng chóng vánh của sản phẩm Trung Quốc. Hiện giá của turbine gió của Trung Quốc vào khoảng 685.000 đô la Mỹ mỗi megawatt, trong khi ở sản phẩm phương Tây là 850.000 đô la Mỹ.
Cái hay của Trung Quốc là chỗ các chính sách trợ cấp cho các công ty năng lượng sạch này đạt được hai mục đích: vừa kích thích sản xuất trong nước vừa tạo lợi thế giá rẻ cho hàng hóa xuất khẩu tới các nước Âu - Mỹ, nơi mà chính phủ luôn có các chính sách hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng năng lượng sạch. Nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng, các chương trình hỗ trợ người tiêu dùng chuyển sang sử dụng năng lượng sạch ở phương Tây đã đem lại nguồn lợi lớn cho các công ty Trung Quốc.
Trong khi đó bản thân Trung Quốc hầu như không phải nhập turbine gió hay pin mặt trời, mà chỉ sử dụng sản phẩm nội địa. Ngoài ra, nước này còn quy định tỷ lệ nội địa hóa trong các thiết bị năng lượng sạch phải đạt từ 70-85%, buộc các công ty nước ngoài muốn tham gia thị trường này phải liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc, chuyển giao công nghệ và tổ chức sản xuất ở Trung Quốc. Đây cũng là chiến thuật mà Trung Quốc đã vận dụng thành công để phát triển các ngành công nghệ chế tạo như điện tử, máy tính, xe hơi hoặc máy bay.
Phản ứng của phương Tây
Nhưng theo tờ New York Times của Mỹ thì chính sách của Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc của WTO trong việc cấm trợ cấp cho các công ty xuất khẩu. Và nếu như nước này không gỡ bỏ chính sách trợ cấp thì các quốc gia khác có thể trả đũa bằng cách áp đặt các hàng rào thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hồi đầu tuần này, Liên đoàn lao động sắt thép Mỹ đã trình lên Chính phủ Mỹ một hồ sơ dài 5.800 trang, cáo buộc chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc trợ cấp cho các nhà sản xuất turbine gió, pin mặt trời và các thiết bị năng lượng sạch khác làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm và ngành sản xuất năng lượng sạch của Mỹ. Trong hồ sơ này, liên đoàn đưa ra số liệu cho thấy Trung Quốc đã trợ cấp hơn 216 tỉ đô la Mỹ cho các nhà sản xuất công nghệ xanh địa phương, gấp đôi khoản tiền mà Mỹ đầu tư vào lĩnh vực này và bằng một nửa khoản đầu tư vào công nghệ xanh trên toàn thế giới. Còn theo số liệu của một văn phòng nghị sĩ Mỹ, xuất khẩu sản phẩm năng lượng sạch năm 2008 của Trung Quốc đạt 27 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 500% so với năm 2004. Nếu đúng như cáo buộc, Mỹ sẽ kiện Trung Quốc lên WTO.
Nhưng mặc dù bị thiệt hại, các công ty đa quốc gia trong ngành năng lượng sạch, cũng như nhiều ngành khác, đều tỏ ra thận trọng trong việc kiện tụng vì e ngại Trung Quốc có thể trả đũa, và có thể ngăn cản các công ty này hoạt động tại thị trường Trung Quốc.
Quy định của WTO không cấm trợ cấp hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên thị trường nội địa nếu các khoản trợ cấp đó không tổn hại đến hàng nhập khẩu, nhưng cấm trợ cấp cho xuất khẩu để tránh việc các chính phủ tìm cách giúp các công ty của mình thủ lợi trên thị trường quốc tế. WTO cũng yêu cầu cứ hai năm một lần các quốc gia thành viên phải báo cáo tất cả các khoản trợ cấp, từ chính phủ trung ương cho đến địa phương, để nếu như xuất khẩu của một quốc gia tăng lên đáng ngờ, thì các quốc gia khác có thể dễ dàng kiểm tra xem liệu sản phẩm đó có được trợ cấp hay không.
Nhưng Trung Quốc gần như phớt lờ yêu cầu này khi gia nhập WTO, viện cớ rằng mình vẫn còn là quốc gia đang phát triển đang tìm hiểu các cam kết. Hiện nay, Trung Quốc lại phản đối chuyện các chính phủ Mỹ và châu Âu áp đặt tỷ lệ nội địa hóa để giúp cho các nhà sản xuất trong nước cạnh tranh trong ngành năng lượng tái tạo, tức là làm đúng điều mà Trung Quốc đã làm mấy năm nay và đang tích cực thực hiện.
Loay hoay năng lượng sạch ở Việt Nam
Trong khi đó ở Việt Nam, các nhà đầu tư vẫn đang mải mê đầu tư thủy điện và nhiệt điện, còn năng lượng gió và mặt trời vẫn chỉ dừng ở … tiềm năng. Những dự án điện gió, dù đăng ký nhiều, nhưng hoạt động thực tế chẳng bao nhiêu trừ nhà máy điện gió Tuy Phong. Nhà máy này đã phát lên lưới điện quốc gia từ tháng 9-2009 nhưng đến nay vẫn bán điện theo hình thức ghi nợ vì chưa thỏa thuận được giá.
Gần đây, có một số dự án điện gió bắt đầu khởi động nhưng giới đầu tư vẫn chỉ vừa làm vừa ngóng chính sách. Theo họ, để có thể khuyến khích điện gió phát triển, ngoài cơ chế hỗ trợ, thì giá bán là điều họ lo nhất. Chính sách của Nhà nước hiện vẫn chỉ mới dừng lại ở việc hạ mức thuế nhập thiết bị xuống bằng không, nhưng các chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ vốn và ưu đãi khác vẫn chưa có.
Sản xuất điện mặt trời thì còn khó khăn hơn, và cả nước hiện nay chỉ có mỗi một nhà máy ở Long An, mà doanh thu chủ yếu là từ các sản phẩm về tiết kiệm năng lượng hơn là việc bán các tấm pin mặt trời. Ngay cả loại hình kinh doanh này trong giấy phép kinh doanh vẫn còn chưa được quy định, đủ thấy chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực này vẫn còn tụt hậu khá xa so với thực tế, nói gì tới việc cạnh tranh với các nước khác, nhất là Trung Quốc.
(Tổng hợp)
(TB KTSG, 18/9/2010)