Những sinh vật nguy hiểm
Rùa tai đỏ được xếp vào danh mục 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới cũng như có khả năng mang vi khuẩn gây bệnh thương hàn. Còn tôm hùm đỏ dữ tợn với hai cái càng to có khả năng đào hang đẻ trứng, trú đông, tranh giành thức ăn và đấu tranh sinh tồn với các loài tôm bản địa. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều loài ngoại lai xâm hại không biểu hiện tác hại của chúng ngay sau khi xâm nhập vào một môi trường sống mới mà thường trải qua một giai đoạn 'ủ bệnh'. Giai đoạn này dài hay ngắn tùy thuộc vào từng loài cũng như vào đặc điểm môi trường mà chúng xâm nhập vào. Tuy nhiên, người ta cũng thấy rằng, các hệ sinh thái đã biến đổi thường dễ bị tác động hơn các hệ sinh thái còn nguyên vẹn. Ðây là một khó khăn lớn cho công tác kiểm soát và phòng ngừa tác hại của loại sinh vật này. Ốc bươu vàng là một thí dụ điển hình. Ðược nhập khẩu vào nước ta khoảng 10 năm trước đây, loài ốc này đã nhanh chóng lan tràn từ đồng bằng sông Cửu Long ra các tỉnh miền trung và miền bắc, phá hại nghiêm trọng lúa và hoa màu của các địa phương này. Hằng năm, Nhà nước phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho công tác tiêu diệt ốc bươu vàng nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả mong muốn. Hay trường hợp cây ngũ sắc, cây mai dương được coi là một trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm lấn cực kỳ nguy hiểm. Ðây là loại cây dễ phát tán và thích nghi với môi trường nên có thể lan tràn rất nhanh và trên diện rộng, gây nên những hậu quả xấu đối với môi trường như lấn át, loại trừ và làm suy giảm các loài sinh vật và nguồn gen, phá vỡ cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái, phá hại mùa màng, làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi... So với các loài rùa khác, rùa tai đỏ được nuôi làm cảnh vì có hình thức rất đẹp. Hai bên tai sau mắt có dải mầu đỏ hoặc cam, mai có sọc xanh và vàng, yếm mầu vàng tươi có chấm tròn mầu đen. Tuy nhiên, khi lớn lên, yếm của chúng biến thành mầu đen trông rất xấu xí. Khi đó, người nuôi sẽ ném rùa ra ngoài sông hồ. Từ đó rùa tai đỏ mới phát triển và sinh con đẻ cái trên khắp thế giới.
Các loài sinh vật ngoại lai gây ra nhiều tác động đến môi trường, đa dạng sinh học bản địa và sức khỏe con người. Sinh vật ngoại lai khi đến môi trường mới, do thiếu vắng các đối thủ cạnh tranh như ở quê nhà cùng với điều kiện sống thuận lợi, các loài này có điều kiện sinh sôi nảy nở rất nhanh và đến một lúc nào đó phá vỡ cân bằng sinh thái bản địa và vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Lúc này, chúng sẽ cạnh tranh với các loài bản địa, nơi sống, thức ăn; có thể lai ghép và sinh sản với các loài sinh vật bản địa, từ đó gây ra hiện tượng suy giảm nguồn gen; sử dụng các loài sinh vật bản địa làm thức ăn; thậm chí phá hủy hoặc làm thoái hóa môi trường sống mới. Thực tế đã cho thấy, sau một thời gian thâm nhập, nhiều loài ngoại lai đã lấn át hoàn toàn loài bản địa. Cá trôi Ấn Ðộ đã trở thành loài cá được sử dụng phổ biến hiện nay, cá trôi ta dường như đã bị trôi Ấn Ðộ lấn át hết dù thịt cá trôi ta rất thơm và ngon. Cá trê phi cũng vậy, khắp nơi chỉ thấy người ta bán cá trê phi chứ hầu như không thấy bán cá trê ta nữa. Rùa tai đỏ phát triển rất nhanh và hiện hồ Hoàn Kiếm đang có nhiều loài rùa này. Chúng lấn át hết các loài thủy sinh vật khác trong môi trường đó. Một loài cũng giống như rùa tai đỏ là cá Pidan Nam Mỹ, ban đầu chúng được nuôi làm cảnh, nhưng càng lớn chúng càng xấu và người ta thả ra các ao hồ, vì thế chúng lấn át và chiếm lĩnh môi trường sống của các loài khác.
Quản lý chặt để ngăn chặn nguy hại
Sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập vào một môi trường sống mới bằng nhiều cách. Chúng có thể đi theo con đường tự nhiên như gió, dòng biển và bám theo các loài di cư, nhưng quan trọng hơn cả là do hoạt động của con người. Có những loài được mang vào một cách chủ ý, cho mục đích hẹp như nghiên cứu khoa học, sau đó vô tình phát tán ra môi trường. Thậm chí, nhiều loài được du nhập cho các mục đích kinh tế, giải trí, khoa học nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát tốt đã bùng phát và gây ra nhiều tác hại nặng nề. Cá trê phi, ốc bươu vàng, chuột hải ly khi về Việt Nam với mong ước là tạo ra một nguồn lợi mới. Những lợi ích kinh tế ban đầu như cá to, nặng ký, rùa có mầu sắc bắt mắt làm cảnh, sinh sản nhanh... khiến người ta chưa tính đến những tác hại của loài với nguồn gen bản địa. Cùng với sự phát triển của giao thông vận tải và hoạt động thông thương, con người đã mang theo, một cách vô tình hay hữu ý, các loài sinh vật từ nơi này đến nơi khác thậm chí đến những vùng rất xa quê hương của chúng. Việc kiểm soát sự du nhập của chúng là rất khó, nhất là đối với các trường hợp du nhập một cách vô thức. Các loài này có thể trà trộn trong hàng hóa, sống trong nước dằn tàu, bám vào các phương tiện vận tải như tàu, thuyền và nhờ đó được mang đến môi trường sống mới.
Thực tế cho thấy, không phải bất cứ loài sinh vật ngoại lai nào cũng gây hại hoặc chỉ gây hại. Nhiều loài nếu được quản lý và kiểm soát tốt sẽ có giá trị về mặt kinh tế hoặc làm cảnh. Thí dụ, cỏ Lào vốn có nguồn gốc từ Trung Mỹ đã được du nhập vào Việt Nam từ lâu và trở thành cây phủ xanh trên nhiều vùng đất trống đồi trọc ở nước ta. Cây sinh trưởng nhanh, cho sinh khối lớn, có thể làm phân xanh. Nhiều nơi hiện nay cũng sử dụng bèo Nhật Bản được du nhập vào nước ta từ đầu thế kỷ XX để làm phân xanh hay đồ mỹ nghệ.
Trước tình trạng sinh vật ngoại lai đổ bộ vào Việt Nam ngày một tăng và nguy cơ tác hại lớn đến môi trường sinh thái, TS Ðỗ Hữu Thư, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng, Nhà nước cần phải quy trách nhiệm cụ thể trong việc quản lý sinh vật ngoại lai cho một cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để ngăn ngừa, quản lý và kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai. Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ngăn chặn sự du nhập của các loài sinh vật ngoại lai.
Hiện tại, đề án 'Ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2015' đang được dự thảo, trong đó, mục tiêu tổng thể là ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ sức khỏe, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh lương thực và an toàn xã hội. Nhằm kiểm soát việc nhập khẩu các loài sinh vật ngoại lai, trong đề án quy định: Các sinh vật ngoại lai khi nhập khẩu vào Việt Nam phải qua quy trình nhập khẩu, đánh giá mức độ nguy hại ban đầu; các cơ quan, cán bộ quản lý T.Ư và địa phương phải nhận biết được hình dạng, con đường du nhập và tác động của sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm và có các biện pháp cơ bản để kịp thời phát hiện, ngăn chặn sự xâm nhập và thiết lập quần thể của chúng.
|