"Xã hội này phân công mỗi người một việc, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai phải không...", anh P.T (công nhân Tổ sông, Xí nghiệp thoát nước số 1) chia sẻ.
Sông Tô "thoi thóp" chờ được hồi sinh!
“Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh
Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu”
Những câu thơ trên hoài nhớ về một thời huy hoàng và thơ mộng của con sông đẹp bậc nhất kinh thành Thăng Long - sông Tô Lịch. Ấy vậy mà bây giờ người ta coi Tô Lịch là "cống lộ thiên" giữa thủ đô, người ta cũng chỉ nhắc tới nó khi nói về cụm từ "ô nhiễm".
Tôi không phải người Hà thành, nhưng con sông Tô ngày càng đi vào lòng tôi như một lẽ tự nhiên. Nó khiến tôi phải hoài niệm và không thôi suy nghĩ về số phận của một dòng sông thịnh vượng một thời của Kinh thành, nay nằm "thoi thóp" chờ phép màu hồi sinh.
Từ khi một phần sông Tô bị lấp, lòng sông cạn dần, dân cư ngày một đông đúc khiến các nguồn nước thải đổ trực tiếp ra sông ngày càng nhiều và từ đó sông Tô bắt đầu bản nhạc buồn của mình.
Con người đã cố gắng cứu vớt lấy dòng sông bằng nhiều biện pháp như: trồng cây hai bên bờ sông để cải thiện không gian ven bờ, hàng ngày thu gom rác thải trên mặt sông hay trồng bè thủy sinh giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước,...thế nhưng dường như mọi biện pháp đều không cải thiện được nhiều.
|
Sông Tô không còn thơ mộng mà đen ngòm như chiếc cống lộ thiên giữa Thủ đô. |
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này thì biện pháp trồng bè thủy sinh hỗ trợ quá trình tự làm sạch nước sông là biện pháp duy trì lâu nhất. Cơ chế của việc làm sạch sẽ dựa vào phần thân và rễ của cây thủy trúc giống như bộ lọc nước cung cấp bổ sung ôxy trong nước, các chất ô nhiễm được chuyển thành sinh khối của cây - một cỗ máy xanh không thể hoàn hảo hơn.
Thế nhưng, để duy trì sự phát triển của hàng trăm bè cây đó thì những người công nhân của Xí nghiệp thoát nước thường xuyên phải theo dõi và khắc phục các trường hợp hư hỏng.
Phải tận mắt chứng kiến mới có thể thấu hiểu nỗi vất vả, nặng nhọc của những người đàn ông lăn xả vì nghề!
Những người làm đẹp cho đời
Những ngày buổi chiều tháng 5, khi Hà Nội có lúc đạt ngưỡng 39 - 40 độ, chúng tôi gặp gỡ các anh - những công nhân thuộc Xí nghiệp thoát nước số 1 khi đang hoàn thành nhiệm vụ dưới lòng sông Tô Lịch.
Sau trận mưa lớn, lòng sông như rộng ra, mênh mang hơn, nhưng cùng với đó là vô số rác thải, chất thải trôi dạt. Khi công nhân vệ sinh lòng sông chưa kịp thu gom số rác đó thì chúng mắc kẹt lại tại các bè cây thủy trúc.
|
Sau mỗi trận mưa, lòng sông được gột rửa, từng mảng bọt bẩn vẫn chưa chảy đi mà nổi lềnh phềnh. |
Hôm nay, một bè tại khu vực gần Cầu Giấy bị hỏng phần mũi tam giác (phần mũi nhọn hướng theo dòng chảy để không gây cản trở dòng chảy) nên bốn công nhân của Tổ sông, Xí nghiệp thoát nước số 1 phải đem thuyền và dụng cụ ra sông sửa chữa.
Cái nắng oi ả của mùa hè như nấu nước sông Tô làm nguồn nước vốn đã hôi thối nay càng thêm nồng nặc. Cảm giác đứng gần mặt sông quả thật khác hẳn, hơi nóng mang theo mùi tanh xộc thẳng vào cánh mũi khiến chúng tôi nôn nao, ấy vậy mà các anh công nhân thoát nước vẫn chẳng hề hấn gì!
Vừa làm, vừa trò chuyện với chúng tôi, anh P.T (công nhân Tổ sông, Xí nghiệp thoát nước số 1) vui vẻ: "Xã hội này phân công mỗi người một việc, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai phải không! Ban đầu chúng tôi cũng ốm lên ốm xuống khi tiếp xúc trực tiếp với dòng nước ô nhiễm nghiêm trọng này đấy, nhưng rồi cũng quen. Vả lại, cái nghiệp của mình, mình không hoàn thành sao được".
Dứt lời, anh dùng hết sức bình sinh kéo mạnh sợi chão nối với đầu tam giác của bè cây thủy trúc để kéo phần đó vào sửa chữa. Nhưng không được, bè nặng quá! Các anh phải chia nhau, hai người trên thuyền gỡ các bè nhỏ, hai người đứng ở kè kéo, nửa tiếng đồng hồ vẫn chưa ra. Mồ hôi thi nhau chảy trên bốn khuôn mặt đen sạm, khắc khổ, ánh nắng chiếu lên làn da rám nắng đặc thù của những người công nhân thoát nước khiến các anh càng thêm mệt mỏi.
|
Công việc nặng nhọc, vất vả không kém gì nghề nào trong xã hội. |
"Những lúc thế này, chúng tôi phải lấy tay vục xuống nước bới rác kẹt dưới chân bè, rồi lấy dao rựa chặt hết xung quanh mới kéo nổi bè vào bờ, trông vậy mà nặng lắm. Công việc này có anh em làm được, chứ chị em phụ nữ phái yếu chắc chịu thua nhỉ!" - anh cười nồng hậu.
Nụ cười của anh là nụ cười của tinh thần lao động, đại diện cho những con người lao động chân chính, yêu nghề và vì nghề!
Mong ước một ngày nhìn thấy sông Tô thơ mộng!
Không giống như những công nhân vệ sinh môi trường hay công nhân vớt rác trên sông, các anh có một môi trường làm việc khắc nghiệt thật sự. Bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp hay các vật nhọn nguy hiểm luôn rình rập khi công nhân tiếp xúc trực tiếp với nước sông. Chính màu nước đen ngòm kia đã "làm khó" họ, người công nhân không xác định được trong dòng nước có gì nguy hiểm, vì thế, tai nạn nghề nghiệp là không thể tránh khỏi.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc L (Tổ sông, Xí nghiệp thoát nước số 1) tươi cười: "Việc đứt tay đứt chân đối với anh em ở đây là điều xảy ra thường xuyên. Chúng tôi vẫn làm việc bình thường, không hề hấn gì cả, có lẽ cơ thể mình quen môi trường này quá rồi!"
Một anh trong tổ tiếp lời: "Phải đấy, ban đầu thì anh em còn bị bệnh ngoài da hoặc viêm mũi nhưng giờ thì có thể làm việc cả ngày dưới cái nắng Hà Nội. Công việc này không phải ai cũng làm được đâu nhé, chúng tôi thường nói vui: Nghề này không dành cho những ai sợ khổ".
|
Nghề này không dành cho những ai sợ khổ! |
Nhìn những ánh mắt đầy trách nhiệm đang hăng say lao động trong môi trường ô nhiễm mà ai ai cũng phải cảm phục bởi không phải người nào cũng chịu hi sinh lăn xả vào công việc khó khăn này.
Lý do khiến từng ấy người làm việc tận tâm, tận lực là vì họ đều mong chờ một ngày được nhìn thấy dòng sông Tô nổi tiếng một thời được "thay da đổi thịt".
Đi dọc bờ sông, tôi vẫn tin và mong rằng một ngày nào đó nước sông Tô sẽ xanh trở lại để khơi nguồn nét đẹp văn hoá của Thủ đô ngàn năm văn hiến.