quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Môi trường và những tiếng nói

Chủ Nhật, 05/04/2015 | 02:49:00 PM

Trong chúng ta, ai cũng có lần phải có thái độ và hành vi cụ thể với một vấn đề môi trường cộng đồng nào đó. Có thể là nguồn nước sinh hoạt gia đình, bầu không khí hít thở hằng ngày hay những hàng cây che nắng dọc phố phường.

Tranh: Nguyễn Ngọc Thuần

Các chính trị gia được nghĩ đến nhiều nhất khi nói đến các quyết định môi trường. Tuy nhiên, đằng sau những quyết định đó là cả một quá trình hình thành quyết định phức tạp và giằng co với các khuynh hướng nhìn nhận bản chất môi trường thiên nhiên của các nhóm cá nhân khác nhau, bao gồm cả các chính trị gia.

Khoa học chính trị môi trường từ lâu đã quan tâm đến quá trình hình thành các quyết định tập thể liên quan đến môi trường. Giáo sư Aaron Wildavsky (ĐH California, Berkeley) khi nghiên cứu về sự bất đồng dai dẳng giữa các quốc gia đối với nghị định thư Kyoto đã đặt một câu hỏi: Làm thế nào người ta có thể đưa ra những lựa chọn và quyết định cực kỳ khác nhau về vấn đề môi trường tưởng chừng dễ dẫn đến đồng thuận như biến đổi khí hậu?

Giáo sư Wildavsky và nhà nhân chủng học Mary Douglas (ĐH Princeton) nhận định các quyết định tập thể được hình thành dựa trên sự tổng hợp các nhóm tư duy tổ chức và các khuynh hướng nhìn nhận vấn đề môi trường xã hội.

Một mô hình phân loại các khuynh hướng này mang tính bao trùm nhưng đơn giản nhất được Wildavsky và Mary khởi xướng thông qua hai câu hỏi mà các cá nhân trong cộng đồng phải đối diện: Tôi là ai và tôi sẽ làm gì?

Kết quả của sự phân loại ấy là bốn nhóm khuynh hướng lựa chọn cách thức giải quyết vấn đề môi trường khác nhau. Nhóm thứ nhất có khuynh hướng trọng thứ bậc xã hội (hierachist) thường được các chính trị gia đại diện. Nhóm này muốn mọi thứ trong xã hội được quản trị bởi các luật lệ và họ nhìn nhận môi trường là khai thác và quản lý được thông qua các quyết sách chính trị.

Nhóm thứ hai có khuynh hướng quân bình (egalitarian), đại diện bởi các tổ chức công dân. Họ nhận định các vấn đề môi trường cần được giải quyết bởi sự hợp tác bình đẳng, tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn. Do đó, cần bảo tồn gìn giữ môi trường và cảnh giác với tham vọng của thị trường.

Tiếp theo là nhóm có khuynh hướng tự do cá nhân và thị trường (individualist), được các tập đoàn kinh doanh đại diện. Họ mong muốn càng ít luật lệ càng tốt và nhìn nhận môi trường là co giãn và chịu đựng được các hoạt động khai thác của con người.

Cuối cùng là những người bàng quan với các vấn đề môi trường (fatalist). Họ cho rằng tốt hơn nếu không biết đến vấn đề, nhưng các cá nhân trong nhóm này có thể dịch chuyển vào một trong những nhóm trên.

Nhóm khuynh hướng tự do cá nhân tạo động lực phát triển khoa học kỹ thuật được xem như đầu máy thúc đẩy cỗ xe xã hội đi tới. Khuynh hướng thứ bậc xã hội có chức năng điều khiển cỗ xe trong khi khuynh hướng quân bình là cái thắng của cỗ xe đó.

Mô hình tối giản hóa như trên cho thấy sự cần thiết của việc xem xét các quyết sách môi trường dựa trên thảo luận và đồng thuận giữa các nhóm.

Tranh cãi về cách nhìn nhận và quyết định vấn đề môi trường không phải là chuyện riêng của bất kỳ quốc gia nào, nhất là trong thời đại khoa học công nghệ và đô thị hóa. Người dân sống ở đồng bằng sông Ganga, bang Bihar, Ấn Độ đã trải nghiệm hậu quả môi trường trên cuộc sống của họ.

Chính quyền bang và trung ương xem đây là chuyện nội bộ của chính quyền trong việc phân chia quyền sử dụng nước sạch cho người dân. Các nhà hoạt động môi trường và xã hội lại cho rằng gốc rễ của vấn đề nằm ở việc sử dụng công nghệ sai lầm để khai thác nước sạch do tác động chính sách của doanh nghiệp.

Chính sách môi trường luôn là một lĩnh vực đầy tranh cãi nhưng cũng luôn có tiềm năng cho sự liên kết chiến lược giữa ba thể chế bao gồm thị trường, nhà nước và khối dân sự. Các nghiên cứu cho thấy những quyết sách môi trường ổn định hình thành nhờ vào sự đóng góp tiếng nói cân bằng giữa ba thể chế trên.

Nếu nhà nước và tư nhân thúc đẩy một giải pháp mang tính thị trường, bỏ qua tiếng nói của những nhà hoạt động môi trường thì có khả năng công bằng xã hội sẽ bị bỏ lơ dẫn đến một chính sách thiếu tầm nhìn, tiềm tàng các tiêu cực về trung và dài hạn.

Dĩ nhiên, do tính chất cạnh tranh bảo vệ khuynh hướng lựa chọn của nhóm, có thể có những nỗ lực để đặt nhóm khác vào tình thế đã rồi bằng cách bỏ qua sự minh bạch và tham vấn xã hội. Điều đó thường dẫn đến những cái giá phải trả khá đắt mà cộng đồng và môi trường là nạn nhân chính.

Môi trường và những tiếng nói (TTCT)

Lượt xem: 1688

Các tin khác

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại Việt Nam

(10/03/2024 07:49:AM)

Giảm dấu chân carbon - hướng tới net zero

(06/03/2024 04:46:AM)

Doanh nghiệp và xu thế chuyển đổi xanh

(21/02/2024 09:11:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE