quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Môi trường và Công giáo Việt Nam. Bài 3- Phương pháp truyền thông môi trường trong cộng đồng Công giáo

Chủ Nhật, 22/04/2012 | 07:12:00 AM

Đồng hành cùng dân tộc, cộng đồng Công giáo Việt Nam đang xúc tiến mạnh mẽ việc bảo vệ môi trường

 
Nguyễn Đình Hòe VACNE
và Hoàng Diệu Linh
(Khoa Môi trường, Trường Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội)
 

Dàn Thánh ca ở Giáo xứ Bắc Hải, Hố Nai, Đồng Nai. Ảnh internet
Truyền thông môi trường (TTMT) trong cộng đồng Công giáo luôn là lĩnh vực khó khăn đối với các truyền thông viên không phải là giáo dân. Rất may là các vị chức sắc cao cấp của Công giáo đã có những phát biểu đúng đắn về môi trường. Hơn cả như vậy, nhiều vấn đề về môi trường cũng đã được chính Giáo hội phát hiện lại trên cơ sở những hiểu biết sâu sắc hơn về giáo lý. Ngoài ra những phương tiện kỹ thuật số hiện đại cũng đang được huy động cho truyền thông môi trường trong cộng đồng Công giáo.
“Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã dùng một hình ảnh rất ý nghĩa :đó là Giáo Hội phải hiện diện trong ”các xa lộ lớn” của thế giới kỹ thuật số, nơi con người ngày nay hiện diện... Thật là điều tốt đẹp, khi người trẻ có thể gặp được Lời Chúa trong các xa lộ liên mạng này, mà tôi thích nghĩ là Lời Chúa cũng cắm lều ở giữa thế giới kỹ thuật số nữa” (Linh Tiến Khải,2011. Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hôi Đồng Tòa Thánh Truyền Thông, về việc giáo dục sử dụng các phương tiện truyền thông mới [1]).
1. Tryền thông môi trường  trong cộng đồng Công giáo có đặc điểm gì?
Đức Giám Mục Giampaolo Crepaldi, thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đã đưa ra 10 điểu răn về Bảo vệ Môi trường rút ra từ bản Tóm Lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo (xem mục 4 dưới đây). Đã là Quy định của Giáo hội thì những điều răn về môi trường hoàn toàn có cơ sở để đưa vào nội dung các hoạt động tôn giáo của cộng đồng Công giáo. Tuy nhiên công tác TTMT trong cộng đồng Công giáo cũng cần chú ý những đặc điểm sau đây:
1.1. Cần phù hợp với đặc điểm của các làng Công giáo Việt Nam
Ngay từ buổi đầu du nhập vào VN, KiTô giáo đã bị chính sách “cấm đạo”, “sát đạo” của triều Nguyễn gây cản trở. Điều đó đã tạo nên một khoảng cách khá lớn giữa những người dân theo đạo với cộng đồng dân cư còn lại. Điều đó lý giải vì sao ngay từ khi mới hình thành, làng Công giáo đã có một lối sống biệt lập “khép kín” hơn so với làng nói chung của cư dân người Việt. Có hai hình thức làng Công giáo: làng vừa lương vừa giáo và làng Công giáo toàn tòng.
Làng vừa lương vừa giáo thường được hình thành qua những đợt khai hoang lập ấp. Trong làng ngoài những địa điểm thờ và tập trung từng giáp theo tín ngưỡng vẫn có những nơi sinh hoạt chung của cả làng vào dịp lễ tết truyền thống trong năm, đó là đình làng. Đây là điểm khác biệt so với làng toàn tòng (ở những làng này không có đình làng mà chỉ có nhà thờ xứ đạo).
Làng công giáo toàn tòng, tên làng chỉ là tên gọi hành chính, còn tổ chức trong làng thì tuân theo cơ cấu tổ chức của Thiên chúa giáo. Đầu tiên là xứ đạo (giáo xứ gồm một hay một số làng), tiếp đó là họ đạo tương đương cấp xóm, theo nguyên tắc địa bàn cư trú gần nhau, dân trong họ đạo có thể bao gồm nhiều họ tộc. Mỗi họ đạo có một “ông Tổ” được gọi là Thánh quan thầy. Ngày kỷ niệm vị Thánh quan thầy đó được xem như là ngày giỗ họ. Đây cũng chính là nét gần gũi với truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt. Dưới họ đạo là dâu. Dâu là tập hợp những người theo công giáo trong một ngõ (khoảng 10 gia đình). Đứng đầu dâu là trùm dâu. Dâu là đơn vị hạt nhân của làng công giáo.
Tuy tổ chức theo hoạt động tôn giáo nhưng xứ – họ – dâu đều gắn chặt sinh hoạt đạo với đời. Các hoạt động của làng nói chung như tang ma, hiếu hỉ, hay giúp nhau đào ao làm nhà… người có đạo đều tham dự rất tích cực. Trong làng công giáo những tổ chức của đạo dựa trên qui định của Giáo hội, giáo dân thì phải tự giác tuân theo giáo luật. Chính vì vậy, làng công giáo có tính tự quản và tự trị rất cao [2].
1.2.Lồng ghép hài hòa nộ dung môi trường thích hợp vào những nghi lễ Công giáo
·                       Lễ rửa tội: theo quan niệm của Công giáo, con người lúc vừa được sinh ra đã mang tội tổ tông, nên cần phải rửa tội.
·                    Xưng tội, chịu lễ lần đầu: điều kiện để được đến chịu lễ lần đầu của một em nhỏ là phải thuộc “Bổn đồng ấu” - một loại kinh dành cho trẻ nhỏ khi xưng tội và chịu lễ lần đầu.
·                    Phép thêm sức: Dành cho trẻ từ 9 đến 12 tuổi cho trẻ được thêm ơn Chúa. Chỉ có giám mục mới được phép làm lễ này, nếu linh mục được phép riêng của Giáo hoàng ban thì cũng được làm phép thêm sức.
·                    Phép hôn phối: Công giáo đề cao hôn nhân một vợ một chồng, thủ tục cưới hỏi gần như của người bên lương trừ lễ cưới được tổ chức ở nhà thờ
·                    Lễ vượt qua (lễ đối với người chết): Quan niệm Công giáo cho rằng chết là sự an bài của Chúa, ngưòi chết nếu rửa sạch tội sẽ được lên thiên đường. Vì vậy khi hấp hối người nhà sẽ mời một linh mục tới để người đó xưng tội.
Mỗi chủ nhật, giáo dân phải đi lễ nhà thờ vào buổi sáng (Thánh lễ Misa). Đây là một lễ trọng mà giáo dân phải tham gia.Trong năm có những ngày lễ quan trọng như: Giáng sinh, Phục sinh, Thăng thiên… thể hiện sức mạnh cộng đồng và nhằm củng cố đức tin của giáo dân [2].
Những luật lệ của Công giáo rất chặt chẽ, Hàng ngày Giáo dân phải đọc kinh cầu nguyện, mỗi năm ít nhất một lần xưng tội. Mỗi con chiên từ tuổi thanh niên đến 60 tuổi phải tuân thủ 4 điều sau [2]:
·                    Giữ 10 điều răn của chúa Trời và 6 điều răn của Hội thánh buộc.
·                    Tin những điều mầu nhiệm của Đạo.
·                    Xin ơn lành phần hồn phần xác cho mình và gia đình trong các buổi cầu kinh sáng, chiều, tối.       
·                    Chịu các bí tích giải tội.
 
Việc lồng ghép nôi dung môi trường vào các lễ như thế nào cho thích hợp cần được các chức sắc Công giáo hướng dẫn. Ví dụ trong xưng tội, thì tội vi phạm môi trường cần được xưng như thế nào và được linh mục giải tội như thế nào? Giáo dân có phải ghi nhớ 10 nguyên tắc Bảo vệ môi trường mà Giáo hội quy định không? Và thực hiện điều răn như thế nào?
1.3.Đặc trưng thiên nhiên môi trường các làng Công giáo
Những nhà thờ/chủng viện Công giáo đều được dân chúng coi là linh thiêng, ít khi tài sản của các cơ sở thờ tự đó bị xâm phạm. Tất cả cây cối, quần thể kiến trúc, cảnh quan ở những cơ sở thờ tự Công giáo không chỉ có ý nghĩa về môi trường mà còn có ý nghĩa tâm linh. Các yếu tố tâm linh và môi trường không tách rời nhau. Bên cạnh giáo đường, vai trò của các vị chức sắc Công giáo vô cùng quan trọng. Giáo xứ nào mà vị chức sắc quan tâm, sốt sắng đến môi trường thì môi trường ở đó sẽ được cải thiện đáng kể [3].
2.Các phương pháp TTMT trong cộng đồng Công giáo
2.1.Phát triển Truyền thông môi trường trên mạng Internet
Các Giáo phận, Giáo xứ ở Việt Nam đều có trang web và rất nhiều trang web đã quan tâm đến nội dung Bảo vệ môi trường.Tuy nhiên đa phần đều mới chỉ ở dạng giáo dục cho Giáo dân về Bảo vệ môi trường trên tinh thần Công giáo. Cần mở rộng diến đàn trao đổi về nội dung này trên các trang web hiện có để tăng cường trao đổi kinh nghiệm Bảo vệ môi trường giữa các Giáo xứ, Giáo phận và Giáo dân. Những người ngoài Công giáo cũng có thể truy cập và trao đổi về môi trường với cộng đồng Công giáo.
2.2.Lồng ghép nội dung môi trường vào sáng tác và biểu diễn ca nhạc nhà thờ
Thánh ca Kito khởi nguồn cảm hứng từ Thi thiên (Thánh vịnh) của Vua David, được dùng để chúc tụng và tôn thờ Thiên Chúa. Cũng có nhiều bài thánh ca được sáng tác để tôn vinh Chúa Jesus (còn gọ là Chúa Hai hay Chúa Con). Thánh ca Kito thường được viết theo những chủ đề đặc biệt như Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh hoặc Lễ Các thánh. Những bài thánh ca khác được sáng tác để chuyển tải các thông điệp của Kinh Thánh hoặc theo ý nghĩa của các thánh lễ như Tiệc Thánh (Bí tích Thánh thể) hoặc Báp têm (Rửa tội). Trong Công giáo có nhiều bản thánh ca dành cho các thánh, nhất là Đức Mẹ Maria [7].
Sáng tác và trình diễn thánh ca là một thế mạnh của cộng đồng Công giáo. Những bản thánh ca có sức mạnh lớn trong việc truyền bá đức tin Kito giáo và rất dễ đi vào lòng người. Các nội dung môi trường có trong kinh thánh và quy định của Giáo hội, vì thế cũng có thể được lồng ghép vào nội dung các ca khúc nhà thờ. Mọi thánh ca đều nhằm truyền thụ những lời dạy của Thiên Chúa, trong đó cần có cả lời răn về môi trường.
2.3.Tổ chức các hoạt động môi trường tập thể tại các giáo xứ
Hoạt động cộng đồng bảo vệ môi trường gần đây cũng được một số giáo xứ tiến hành thành công và có sức lan tỏa rất lớn. Trường hợp giáo xứ Tiên Chu Hưng Yên là một trong nhiều ví dụ.
Sau ngày lập xuân (13-1 âm lịch), thời tiết ấm hơn, giáo dân xứ Tiên Chu đã cùng nhau làm cỏ, dọn rác và vệ sinh môi trường xung quanh nhà thờ tọa lạc ở ngoại ô thành phố Hưng Yên để gây ý thức bảo vệ môi trường trong sạch. Linh mục Phêrô Nguyễn Thái Vạn, chánh xứ Tiên Chu, người khởi xướng chiến dịch tổng vệ sinh toàn bộ khu vực nhà thờ, sân vườn, ao hồ và đường đi lối lại, nói với giáo dân của mình rằng: “Chúng ta cùng nhau đến đây làm việc chung để gây ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với tất cả mọi người ở mọi nơi mọi lúc”…“Nhà thờ và các cơ sở tôn giáo không chỉ là nơi đến để tham dự các nghi thức phụng vụ mà còn là nơi mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, làm cho sạch đẹp cảnh quan môi trường để thu hút tha nhân đến với Chúa”[6]..
2.4.Lồng ghép nội dung môi trường vào nội dung các ngày lễ
Có không ít ngày lễ Công giáo [4], những lời răn của Chúa trong kinh Thánh và những quy định về môi trường của Giáo hội được lồng ghép và nội dung các ngày lễ này như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào hướng dẫn và sáng kiến của các vị cha xứ, linh mục:
·                    Thánh lễ : Từ chữ ‘Missa’, phát xuất từ chữ ‘Missio’, có nghĩa là sau thánh lễ các tín hữu được sai đi thực hiện những gì họ đã được lãnh nhận trong phụng vụ Thánh Thể. Thánh lễ là lễ tưởng niệm cuộc Vượt qua của Chúa Kitô, nghĩa là công trình cứu độ được thực hiện qua đời sống, cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Người. Thánh lễ được thực hiện vào sáng chủ nhật hàng tuần
·                 Lễ Trọng : là những ngày đặc biệt trong năm phụng vụ mừng kính mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, các đặc ân của Đức Maria thuộc về chân lý Đức tin hay của những vị thánh quan trọng đời sống Giáo Hội. Lễ Phục Sinh là lễ trọng nhất trong các lễ trọng. Trong lễ trọng, đầu lễ có hát kinh Vinh Danh và sau bài giảng có đọc kinh Tin Kính. Giáng sinh và Phục sinh là hai dịp nghỉ lễ lớn và quan trọng nhất trong năm
·                 Lễ Kính : lễ này thường gắn liền với các biến cố trong cuộc đời của Chúa Jesus như Chúa chịu phép rửa, Chúa biến hình..., hay cuộc đời của Đức Maria, như lễ Đức Mẹ đi Thăm viếng, các vị thánh tông đồ và các tác giả sách Tin Mừng ( trừ lễ hai thánh Phêrô và thánh Phaolô là lễ trọng ), hoặc các vị thánh có vị trí đặc biệt trong toàn thể đời sống Giáo hội. Trong lễ kính chỉ có hát kinh Vinh Danh, nhưng không đọc kinh Tin Kính.
·                 Lễ Nhớ : có hai loại lễ nhớ : lễ nhớ buộc và lễ nhớ tự do. Lễ nhớ buộc là bắt buộc phải cử hành vào đúng ngày ( trừ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ cần được ưu tiên hơn). Còn lễ nhớ tự do thì có thể cử hành hay không tùy theo nhu cầu mục vụ. Các lễ nhớ thường liên quan đến Đức Maria và các thánh, không có các lễ nhớ về Chúa. Trong lễ nhớ không có hát kinh Vinh Danh và cũng không có đọc kinh Tinh Kính.
·                 Lễ Thường: là lễ các ngày thường trong tuần, không có lễ riêng kính đấng thánh nào hay lễ trọng nào, lễ này được cử hành theo lịch của năm phụng vụ.
2.5.Trao đổi giữa linh mục với giáo dân về môi trường
Các vị cha xứ (linh mục) thường hay đến thăm hỏi giáo dân trong giáo xứ mình phụ trách. Các đức cha thường hay trao đổi tâm tình với giáo dân và được giáo dân rất kính trọng và vâng phục. Nếu trong các cuộc trao đổi trò chuyện này, các vị linh mục đề cập đến vấn đề môi trường của địa phương thì là một dịp rất tốt để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của giáo dân về bảo vệ môi trường.
2.6.Đưa nội dung môi trường vào chương trình đào tạo tại các Đại chủng viện
Cần cụ thể hóa 10 Điều răn về môi trường của Giáo hội thành những bài giảng, môn học cụ thể trong chương trình đào tạo linh mục tại các Đại chủng viện. Ví dụ môn học “Công giáo và Môi trường”, “Truyền thông môi trường trong cộng đồng giáo dân”,…Mặc dù đây là lĩnh vực đào tạo và giáo dục, nhưng chính thời gian trao đổi giữa giảng viên và học viên trong Đại chủng viện và giữa học viên với nhau sẽ truyền thông hóa môn học, vì bản chất của truyền thông là trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm.
2.7.Vận động ăn chay và kiêng thịt:
Giáo hội dạy các giáo dân ăn chay và kiêng thịt một năm 2 lần: Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh (Giáo lý 1251). Cũng khoản 1251 này, Giáo hội dạy: "Vào các ngày thứ sáu, nếu không trùng với ngày lễ trọng, thì phải kiêng thịt hay kiêng một thức ăn khác theo Hội đồng Giám mục đã qui định" [5].Giáo dân đều tôn trọng quy định về ăn chay và kiêng thịt rất nghiêm túc.Tuy nhiên vì mục tiêu môi trường, có thể vận động giáo dân có thêm một ngày ăn chay hay kiêng thịt vào tuần lễ có ngày Môi trường Thế giới (5/6) hàng năm.
Theo quy định của Giáo hội:
·        Lứa tuổi phái ăn chay: 18 tuổi tròn tới hết 59 là tuổi ăn chay (Giáo lý 1252).14 tuổi tròn (không nói kết thúc) là tuổi kiêng thịt (Giáo lý khoản trên).
·        Ngày ăn chay: Nếu bữa trưa là bữa chính, thì được ăn no. Bữa sáng và bữa chiều, ăn ít hơn bữa trưa. Nếu bữa tối là chính thì 2 bữa kia cũng ăn ít hơn. Phẩm và lượng đồ ăn tùy phong tục địa phương (Đức Phaolô VI, Tự Sắc về Đền tội Paenitemini ngày 17.2.1966). Trong ngày chay cũng không được ăn vặt như kẹo, bánh v.v.. Cần để ý đến tinh thần hy sinh, hãm mình, khắc khổ, tự chế.
·        Ngày kiêng thịt: Kiêng các thứ thịt loài vật máu nóng: như trâu, bò, heo, gà, vịt… (loài có vú và chim) kể cả bộ lòng... nhưng được ăn trứng và các thứ biến chế từ sữa, được ăn những đồ gia vị, những thứ biến chế từ mỡ loài vật (theo Tông hiến Paenitemini 3,1 của Đức Gáp Hoàng  Phaolô VI, về việc ăn chay và kiêng thịt).
·        Khi không thể ăn chay, kiêng thịt thì sao?
Giáo hội không buộc người không thể ăn chay, kiêng thịt. Giáo hội cho phép những người sau đây không phải ăn chay:
Được tha giữ chay:
a) Những người vì sức khỏe, (mẹ nuôi con thơ cần bú…)
b) Những người phải làm việc nặng nhọc
c) Những người nghèo khó vẫn khổ sở vì đói
d) Những người được cha xứ, Bề trên Dòng, Giám mục cho phép.
 
Được tha kiêng thịt
a) Mọi người trong Ngày Thứ Sáu gặp lễ buộc, ví dụ: Lễ Truyền tin trong mùa Chay.
b) Người vì sức khỏe, hay công việc nặng nhọc cần phải ăn thịt,
c) Người mà chủ nhân không cho đồ ăn khác, ví dụ: tôi tớ, trẻ con, người vợ.
Ngoài ra, ai cần tha thì xin phép linh mục xứ, cộng đoàn nơi mình đang ở.
Tại Huế, sinh viên bất kể theo hay không theo tôn giáo nào, có phong trào ăn chay mỗi tuần 1 lần. Thói quen này rất có ý nghĩa với Bảo vệ môi trường. Ăn chay giúp cho nhiều loài động vật có thêm cơ hội tồn tại, chưa kể con người phải tiêu tốn nhiếu năng lượng, nước và các loại hóa chất hay thuốc kháng sinh dành cho việc nuôi dưỡng chúng và sản xuất chế biến thành thực phẩm. Trong bối cảnh xã hội hiện đại việc ăn chay cũng giúp giảm được nhiều bệnh tật vì không ít loại thức ăn động vật không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
3.Đánh giá kết quả truyền thông môi trường
3.1. Nguyên tắc đánh giá
Việc đánh giá kết quả truyền thông không được đặt ra đối với các cơ sở Công giáo mà dành cho truyền thông viên nếu cơ quan quản lý nhà nước về môi trường hay nhà tài trợ yêu cầu. Tuy nhiên các Giáo xứ có thể tự đánh giá nếu có nhu cầu.
Cho đến nay, vẫn chưa có công cụ, phương pháp và tiêu chí rõ ràng để đánh giá hiệu quả của một chiến dịch hoặc dự án truyền thông. Bởi vì mục tiêu cuối cùng của truyền thông là tạo lập thói quen và thay đổi hành vi của cộng đồng theo hướng thân thiện với môi trường. Vì vậy, công cụ đánh giá hiệu quả truyền thông môi trường phải là một phép đo khách quan, định lượng, tiết kiệm chi phí, dễ xác lập nhằm phản ánh trực tiếp mục tiêu của truyền thông đạt được như thế nào.
Ví dụ: Không thể coi 90% hộ gia đình giáo dân nhận được thông tin về nước sạch là kết quả của truyền thông, vì nó chưa phản ánh việc Kito hữu sau khi có thông tin (về nước sạch) có thay đổi hành vi thực sự theo hướng thân thiện với môi trường (thực hiện phương pháp lọc nước hoặc sử dụng tiết kiệm nước sạch) hay không. Phép đo kết quả của truyền thông phải là: sau khi truyền thông, số hộ gia đình giáo dân hay Giáo xứ/ chủng viện sử dụng nước sạch đã tăng thêm 20%. Tỷ lệ nước được tiết kiệm trên tổng lượng nước sạch đã sử dụng trong tháng hay trong năm là bao nhiêu %.
Sau đây là một số gợi ý của người viết về đánh giá kết quả của hoạt động truyền thông môi trường trong cộng đồng Công giáo dựa theo phương pháp Kiểm kê môi trường.
3.2.Các tiêu chí kiểm kê môi trường (gợi ý)
(1).Sự thay đổi hành vi môi trường của cá nhân Kito hữu: tỷ lệ số Kito hữu có ít nhất 1 hành vi mới theo hướng thân thiện với môi trường sau khi được truyền thông (ví dụ không vứt rác bừa bãi, tiết kiệm điện trong sinh hoạt, không đốt vàng mã trong chùa, tăng ngày ăn chay …) trên tổng số Kito hữu của một giáo xứ được truyền thông trong năm.(câu trả lời sẵn trong phiếu để chọn là hay không)
(2).Sự sinh thái hóa cảnh quan môi trường của nhà thờ/ chủng viện: tỷ lệ nhà thờ /chủng viện xây dựng thêm hay củng cố cảnh quan xanh sạch đẹp trên tổng số nhà thờ/chủng viện được truyền thông trong năm (câu hỏi là hay không)
(3).Việc lồng ghép nội dung môi trường trong chương trình đào tào của các chủng viện: tỷ lệ các môn học, các bài giảng pháp có lồng ghép nội dung môi trường trên tổng số môn học hay bài giảng pháp trong năm (kể cả chính khóa và ngoại khóa) tính trên mỗi chủng viện được truyền thông trong năm (câu hỏi bao nhiêu? Để tính tỷ lệ)
(4).Sự tăng các sản phẩm có nội dung môi trường trong các sản phẩm văn hóa Công giáo: tỷ lệ các bài Thánh ca có nội dung môi trường đã công khai cho cộng đồng Kito hữu (tức là không giữ kín cho cá nhân người sáng tác) trên tổng số sản phẩm cùng loại trong năm tính cho mỗi giáo xú/chủng viện được truyền thông (câu hỏi bao nhiêu? Để tính tỷ lệ).
(5).Việc quản lý chất thải:: tỷ lệ các hộ gia đình trong cộng đồng Công giáo quản lý tốt phân rác trên tổng số hộ được truyền thông trong năm (câu hỏi hay không)
(6).Ứng phó thiên tai sự cố:tỷ lệ số giáo xứ/chủng viện/hộ gia đình Công giáo có ít nhất 1 hành động mới chủ động trong phòng chống thiên tai sự cố môi trường trên tổng số giáo xứ/chủng viện /hộ gia đình được truyền thông trong năm (câu hỏi hay không? Hành động đó là gì?).
(7).Trồng cây: Số cây được trồng mới và sống trong năm tại các cơ sở Công giáo (ví dụ giáo xứ/chủng viện) hay hộ gia đình Công giáo được truyền thông trong năm (câu hỏi bao nhiêu cây ?).
(8).Tỷ lệ số giáo xứ/chủng viện đã tham gia, thực hiện truyền thông môi trường trên tổng số giáo xứ/ chủng viện tại địa phương trong năm
Dựa trên các số liệu kiểm kê này, mỗi giáo xứ/ chủng viện có thể làm rõ kết quả truyền thông môi trường diễn biến thế nào theo thời gian. Cũng có thể dựa trên phương pháp này để tự xây dựng các chỉ tiêu kiểm kê khác thích hợp với mỗi cộng đồng Công giáo.
3.3.Cách thu thập số liệu cho mục đích kiểm kê đánh giá
(1).Số liệu nào thuộc các giáo xứ /chủng viện (câu hỏi 2,3,4,7 và 8) thì giáo xứ/chủng viện giúp đỡ việc tố chức thu thập.
(2).Số liệu thuộc cá nhân/ hộ gia đình giáo dân trong cộng đồng truyền thông viên có thể điều tra qua phiếu trưng cầu ý kiến (cá nhân hay hộ gia đình chỉ có 3 câu là số 1,5 và 6). Tỷ lệ được tính trên tổng số người trả lời phiếu vốn đã được truyền thông. Nếu điều tra hộ gia đình có nhiều người thì chỉ mời 1 người đại diện trả lời phiếu.
 4. Tham khảo thêm.Mười điều răn của Giáo hội về Môi trường
Đức Giám Mục Giampaolo Crepaldi, thư ký Hội dồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đã đưa ra 10 điều răn rút ra từ bản Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo. Dưới đây là bản toát yếu các điều răn đó [8]. Bạn đọc không phải là tín đồ Công giáo có thể có nhận xét riêng về một số trong 10 điều răn dưới đây, rằng những điều đó chưa/ hay không/ hợp với hiểu biết hay đức tin tôn giáo của riêng bạn. Bạn đọc có quyền nghĩ như vậy. Nhưng cũng cần biết về niềm tin Công giáo về môi trường như thế nào. Điều đó đặc biệt quan trọng nếu bạn là truyền thông viên.
(1). Con người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, được đặt trên tất cả các thụ tạo khác trên thế giới. Tuy nhiên, các thụ tạo đó phải được sử dụng và chăm sóc một cách có trách nhiệm.
(2). Thiên nhiên không được giảm thiểu đi trở thành một đối tượng bị khai thác quá mức, cũng không được tuyệt đối hóa hoặc đặt trên phẩm giá con người.
(3). Trách nhiệm sinh thái có liên quan đến toàn bộ hành tinh trong một nhiệm vụ chung phải tôn trọng một tập thể hài hòa, cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
(4). Trong việc xử lý các vấn đề môi trường, đạo đức và phẩm giá con người phải được đặt trước công nghệ.
(5). Thiên nhiên không phải là một thực tại linh thiêng hoặc thần linh, được đặt ra khỏi sự can thiệp của con người. Vì vậy, sự can thiệp của con người làm thay đổi một số đặc điểm của các sinh vật không phải là sai lầm, với điều kiện là con người biết tôn trọng vị trí của chúng trong hệ sinh thái.
(6). Chính sách phát triển phải được phối hợp hài hòa với chính sách sinh thái, và mọi chi phí bảo vệ môi trường trong các dự án phát triển phải được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng.
(7). Vấn đề xóa đói giảm nghèo toàn cầu có liên quan đến vấn đề môi trường, xin nhớ rằng của cải trên trái đất phải được chia sẻ bình đẳng.
(8). Quyền được có một môi trường an toàn và sạch cần phải được bảo vệ thông qua hợp tác và các điều ước quốc tế.
(9). Việc bảo vệ môi trường đòi hỏi phải có sự thay đổi trong phong cách sống, phản ánh sự tự chế và tự chủ, trên phạm vi cá nhân và xã hội. Điều đó có nghĩa là bỏ đi cái lôgích của chủ nghĩa tiêu thụ.
(10). Các vấn đề môi trường cũng đòi hỏi phải có một sự đáp trả tâm linh và một nhận thức lớn hơn rằng thế giới được tạo dựng là một món quà của Thiên Chúa.
Chú thích
1.    Linh Tiến Khải. 2011. Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hôi Đồng Tòa Thánh Truyền Thông, về việc giáo dục sử dụng các phương tiện truyền thông mới http://www.ghxhcg.com/article.aspx?id=442.
3.    Nguyễn Quang Hưng, 2011. Vai trò của tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam. http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2074/Vai_tro_cua_ton_giao_
trong_viec_bao_ve_moi_truong_o_Viet_Nam
6.    Đam Nguyên. 2012. Giáo xứ Tiên Chu gây ý thức bảo vệ môi trường trong sạch. http://dongthanhtam.net/vi/news/Tien-Chu/Giao-xu-Tien-Chu-gay-
y-thuc-bao-ve-moi-truong-trong-sach-1176/
8.    Lương Tâm Công giáo (16.09.2011), Bản dịch của Đan Quang Tâm http://luongtamconggiao.wordpress.com/2011/09/16/m%C6%B0%
E1%BB%9Di-di%E1%BB%81u-ran-v%E1%BB%81-moi-tr%C6%
B0%E1%BB%9Dng
 
 
 

Lượt xem: 2314

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE