Môi trường và Công giáo Việt Nam. Bài 1. Vài nét về cộng đồng Công giáo ở Việt Nam
Công tác truyền thông môi trường trong cộng đồng Công giáo (một Đạo phái của Kitô giáo) cần phải phù hợp và gắn kết tốt với cách thức hành đạo và niềm tin tôn giáo. Việt Nam có gần 7 triệu tín đồ Kitô giáo chủ yếu là Công giáo, sau đó là Tin lành và Chính thống giáo.
Nguyễn Đình Hòe - VACNE
Đức Mẹ Sầu Bi (Maria) – tranh của Sassoferrato thế kỷ 17.
1.Công giáo
1.1.Danh xưng Thiên chúa giáo.
Năm 107 Giám mục Ignatius thành Antiokia lần đầu sử dụng từ "Giáo hội Công giáo" (Catholic Church) để chỉ mọi tín hữu Kitô, trong bức thư gửi các tín hữu ở Smyrna. Từ Công giáo được sử dụng kể từ đó để chỉ Giáo hội duy nhất, nguyên thuỷ của Chúa Kitô (Jesus), sáng lập bởi Chúa Kitô và các Tông đồ, và xuất hiện trong các Kinh Tin Kính Kitô giáo. Vì vậy, nhiều người theo Kitô giáo tuyên bố mang danh hiệu "Công giáo" là có lý do lịch sử này (9).
Công giáo tại Việt Nam thực ra là một bộ phận thuộc Giáo hội Công giáo Rôma. Trong tiếng Việt, danh xưng Thiên Chúa giáo dùng để chỉ Giáo hội Công giáo Rôma, thường gọi tắt là Công giáo. Tuy nhiên, bản chất cụm từ "Thiên Chúa giáo" là để chỉ cả ba tôn giáo thờ Thiên Chúa, vốn được coi là thần linh tối cao và duy nhất ngự trên trời. Tuy nhiên từng tôn giáo có cách gọi tên riêng về Thiên Chúa:
1. Kitô giáo: gồm ba nhánh chính là Công giáo Rôma (Catholic), Chính Thống giáo Đông phương (Orthodox Catholic Church) và Kháng Cách (Protestant). (còn gọi là Tin Lành - Evangelical ) đều thờ Thiên Chúa Ba Ngôi (Trinity). Thiên Chúa là duy nhất, nhưng hiện hữu trong ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con (Chúa Jesus) và Chúa Thánh Thần (Chúa Thánh Linh). Chúa Jesus (Chúa Con) là người sáng lập Kitô giáo.Từ "Kitô" là một danh hiệu của Jesus, có nghĩa là "người được xức dầu", để ám chỉ một vị lãnh đạo, chính trị cũng như tôn giáo, được chọn bởi Thiên Chúa (10). Theo Tân Ước, Chúa Thánh Linh (còn gọi là Chúa Thánh Thần) là đấng dẫn dắt con người đến với đức tin để tiếp nhận Chúa Jesus, ban cho họ năng lực để theo đuổi các giá trị của nếp sống Kitô (11).
2. Do Thái giáo: thờ Thiên Chúa mang danh hiệu là "Yahweh" ("Giavê")
3. Hồi giáo: thờ Thiên Chúa mang danh hiệu là "Allah"
Ba tôn giáo trên được gọi chung là các tôn giáo khởi nguồn từ Thánh tổ Abraham – Vị Đại tông đồ của Thiên Chúa - và đều là độc thần giáo. Tên ban đầu của Đại Tông đồ là Abram nghĩa là “cha cao quí” hoặc “người cha được tôn kính”. Về sau ông được Chúa đổi tên thành Abraham, nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”.
Tại Việt Nam, việc quen dùng danh xưng "Thiên Chúa giáo" để gọi Công giáo là do Công giáo Rôma được truyền bá vào Việt Nam sớm nhất (1). Tuy nhiên cách gọi này tạo ra sự lầm lẫn. Đúng nhất nên gọi là Công giáo
Thánh địa của cả 3 tôn giáo nói trên đều là Jerusalem. Jerusalem nằm phía đông Tel Aviv (Thủ đô của Israel) là thánh địa chung của ba tôn giáo cùng một Thánh tổ Abraham: đạo Do Thái, đạo Kitô và đạo Hồi. Theo truyền thuyết Do thái, Jerusalem được xây dựng bởi David, tổ tiên của Thánh tổ Abraham. Theo tài liệu khảo cổ học, Jerusalem bắt đầu xuất hiện từ 3 nghìn năm trước Công Nguyên. Với số dân chưa đầy 800 ngàn người (2005) nhưng Jerusalem lại là thành phố rất đa dạng về dân tộc, tôn giáo và những nhóm kinh tế xã hội. Khu vực được gọi là "Thành phố cổ" được bao vây bởi những bức tường và bao gồm bốn khu: Armenia, Kitô, Do Thái và Hồi giáo.
Jerusalem – Bethlehem Thánh địa của Kitô giáo, Do thái giáo và Hồi giáo
Thành phố Bethlehem hiện nay nằm cách Jerusalem khoảng 10 km, trên độ cao 765m so với mặt biển, bên rìa của hoang mạc Bethlehem. Nơi đây có đền thờ Rachel, tổ tiên của vua David, David lại là tổ tiên của Thánh tổ Abraham chung của cả Đạo Ki tô, Đạo Do Thái và Đạo Hồi. Bethleham cũng là nơi sinh của chúa Jesus.
1.2. Danh xưng Kitô giáo (thuật ngữ Hy Lạp phiên âm) hoặc Gia tô giáo, Cơ Đốc giáo (thuật ngữ Hán-Việt)
Từ "Kitô" xuất phát từ chữ Khristos trong tiếng Hi Lạp, tiếng Anh là Christ. Từ "Kitô hữu" (Christian) có nghĩa là "người có Chúa Kitô hiện hữu (ở trong)", hay "người thuộc về Chúa Kitô".
Kitô giáo bao gồm rất nhiều giáo phái với các dị biệt văn hóa cũng như xác tín. Tính chung, đây là tôn giáo lớn nhất thế giới với khoảng 30% dân số thế giới. Trải qua hai thiên niên kỷ, Kitô giáo tự phân hóa thành ba nhánh chính: Công giáo Roma, Chính Thống giáo Đông phương và Kháng Cách (còn có tên là Tin lành - Protestantism). Ngoài ra còn Anh giáo (Giáo phái Nhà thờ Anh - Anglicanism) có nhiều đặc điểm trung gian giữa Công giáo và Tin Lành
Để chỉ Thiên Chúa, người Công giáo dùng chữ "Kitô" hay “Gia tô”, người Tin Lành thường dùng chữ "Christ" hay “Cơ Đốc”. Ngoài ra, Thiên Chúa giáo cũng thường được sử dụng bởi những người ngoài Kitô giáo để chỉ Công giáo nói riêng và Kitô giáo nói chung.
Ước tính hiện nay ở Việt Nam có khoảng gần 6 triệu tín hữu thuộc giáo hội Công giáo (xếp thứ 32 trong số các quốc gia có số tín hữu Công giáo đông nhất thế giới) và khoảng hơn 800.000 tín hữu Kháng Cách (thường gọi chung là Tin Lành, vì đa số theo Phong trào Tin Lành) thuộc các giáo phái khác nhau (thứ 59 trên danh sách các nước có đông tín hữu Kháng Cách nhất)(2).
Như vậy tại Việt Nam, do lịch sử và do thói quen, Danh xưng Thiên chúa giáo là đồng danh với Công giáo, với Kito giáo (Gia tô giáo hay Cơ đốc giáo), thực ra chỉ là bộ phận của Giáo hội Công giáo Roma – Vatican, một trong 3 Đạo phái của Kitô giáo, cùng thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế gọi Công giáo là đúng nhất. Hai Đạo phái chính còn lại của Kitô giáo là Tin Lành và Chính thống giáo (Chính thống giáo chỉ có ở Bà Rịa Vũng Tàu được đưa sang cùng với các chuyên gia Dầu Khí người Nga gần đây)
2. Đạo Tin lành
Đạo Tin Lành hay Kháng Cách gồm một nhóm giáo phái khởi phát từ cuộc cải cách tôn giáo bắt đầu vào thế kỷ 16 bởi Martin Luther, được gọi dưới một tên chung là Kháng Cách, hay Tân giáo (để phân biệt với Cựu giáo là Công giáo). Kháng Cách được xem là một trong ba nhánh chính của Cơ Đốc giáo, cùng với Công giáo và Chính thống giáo Đông phương.
Có lẽ vì vậy danh xưng Tin Lành (Evangelical) thường được dùng thay thế cho Kháng Cách (Protestant). Tin Lành có nghĩa là tin tức tốt lành theo cách gọi của các nhà truyền giáo đầu tiên của Kháng Cách tại Việt Nam (5).
3.Chính thống giáo
Chính Thống giáo Đông phương gọi tắt là Chính thống giáo (Orthodox Catholic Church) cùng thuộc Kitô giáo với Công giáo và Tin lành. Chính Thống giáo xem Chúa Jesus là vị đứng đầu của Hội thánh và Hội thánh là thân thể của ngài. Năm 1054, Chính Thống giáo Đông phương tách khỏi Công giáo Rôma. Tín hữu Chính Thống giáo vẫn xem Giáo hội của mình là truyền thống Cơ Đốc trung thành nhất với các giá trị thần học bắt nguồn từ thời Hội thánh tiên khởi (6). Theo ý nghĩa này, Chính Thống giáo có thể coi là Kitô giáo nguyên thủy. Gọi là Chính thống giáo Đông phương vì Giáo phái này chủ yếu ở các nước Đông Âu.
Tại Việt Nam, Chính thống giáo đại diện bởi giáo xứ Đức Mẹ Kazan (thuộc Giáo hội Chính thống giáo Nga) ở thành phố Vũng Tàu, nơi sinh sống và làm việc của các chuyên gia Nga thuộc Công ty Liên doanh Vietsovpetro (7).
4.Cấu trúc cộng đồng Công giáo Việt Nam
Tính đến hết năm 2009, Việt Nam có 3 Tổng giáo phận (còn gọi là Tỉnh giáo phận) là Hà Nội, Huế, Sài Gòn đứng đầu là các Tổng Giám mục. Tổng giáo phận chia ra một số Giáo phận đứng đầu là các Giám mục. Mỗi giáo phận có nhiều Giáo xứ đứng đầu là mội vị linh mục. Nhà thờ của Tổng giáo phận được gọi là nhà thờ chính tòa. Việt Nam có 3 nhà thờ chính tòa tại Hà Nội (Nhà thờ Lớn), Huế (Nhà thờ Phú Cam) và TP HCM (nhà thờ Đức Bà Sài Gòn). Việt Nam cũng có một vị Hồng Y Giáo chủ. Hồng y là Giám mục cao cấp (3).
Trong Công giáo có Dòng chúa Cứu thế với sứ mạng chuyên lo cứu trợ và rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ cô đơn, có một lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ Maria. Tại Việt Nam, nhà thờ Ðức Mẹ Maria có tại Hà Nội, Huế và Sài-Gòn là những trung tâm của Dòng chúa Cứu thế. Đức Mẹ Maria cũng rất được tôn kính ở Việt Nam với Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và Nhà thờ Đức Mẹ La Vang ở Quảng Trị. Đặc biệt tượng Đức Mẹ La Vang được tạc trong bộ áo có dáng áo tứ thân và đội khăn vảnh dây (có điểm 12 ngôi sao, tượng trưng cho Mặt Trời). Đức Mẹ La Vang bế Đức Chúa Hài đồng trên tay trái chứ không phải tay phải như nhiều pho tượng Đức Mẹ khác (4).Sự sùng kính Đức Mẹ ở Việt Nam có thể căn nguyên sâu xa từ Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Nhà thờ Công gáo được gọi là Thánh đường (Catholic Church). Tại Việt Nam có 4 điểm là Nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn), Nhà thờ La Vang (Quảng Trị), Đền thánh Phú Nhai (Nam Định) và Nhà thờ Sở Kiện (Hà Nội) được phong danh hiệu Tiểu Vương cung Thánh đường(Minor Basilica)
Vương cung thánh đường (Basilica) là một danh hiệu tôn vinh đặc biệt mà Giáo hoàng dành cho một số nhà thờ hoặc thánh địa xét theo tính cách cổ kính, tầm quan trọng trong lịch sử và ý nghĩa tâm linh đối với Giáo hội Công giáo Rôma. Phần lớn vương cung thánh đường là nhà thờ chính tòa, nhưng không phải nhà thờ chính tòa nào cũng là vương cung thánh đường.Có hai loại Vương cung thánh đường: Đại Vương cung thánh đường (Major Basilica) và Tiểu Vương cung Thánh đường (Minor Basilica).
Tiểu vương cung thánh đường là danh hiệu dành cho bất kỳ ngôi thánh đường hay thánh địa quan trọng nào khác tại Rôma hay khắp nơi trên thế giới, do chính Giáo hoàng ban tặng. Khi một nhà thờ đã được nâng lên hàng Tiểu vương cung Thánh đường thì được Toà Thánh trao cho 2 biểu trưng của Giáo hoàng: 1/ cái chuông (tintinnabulum) dùng để báo tin khi giáo hoàng hay người thay mặt giáo hoàng đến, 2/cái dù bằng lụa có hai màu vàng, đỏ (conopaeum) dùng để che cho giáo hoàng (8).
Chú thích