quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Miệt mài giữ rừng dù... tay trắng

Thứ Sáu, 15/07/2011 | 09:35:00 AM

Không tiền công, không trang bị bảo hộ... nhưng hơn 2 năm qua, đội quản lâm ở bon N'Jiêng và Srê Ú (xã Đắc Nia, TX Gia Nghĩa, Đắk Nông) vẫn miệt mài tuần tra canh giữ "rừng thiêng" của cha ông để lại. "Rừng thiêng" đã hồi sinh và họ có được hưởng cuộc sống no đủ từ nguồn lợi của rừng ?

 
Miệt mài giữ rừng dù... tay trắng

 

Trả nợ rừng
 
Dừng lại trên con đường đi vào tiểu khu 1765 thuộc xã Đắc Nia, ông K'Tiêng (Đội trưởng đội quản lâm bon N'Jiêng và Srê Ú) nói: "Bên tay trái là khu rừng bị người Mông xâm canh, còn bên tay phải là khu rừng thiêng của đồng bào người Mạ chúng tôi đó. Cả xã không còn bao nhiêu rừng nữa, còn giữ được rừng thiêng là may rồi".
 
Trước đây, hơn 140 hộ dân của 2 bon Srê Ú và N'Jiêng đều sống dựa vào phá rừng. Hàng ngày, từ trẻ con cho tới người lớn tập trung thành từng đoàn trang bị cưa, rìu, dao rựa, súng săn... đi hàng chục cây số từ xã Đắc Nia về "bon cũ" để "giết rừng". Song cuộc sống của họ chẳng bớt nghèo, con cái không được học hành, mùa màng xác xơ do thiếu bàn tay chăm sóc. Đã vậy, đất rừng khai hoang đến đâu, mưa lũ xói mòn đến đó. Cây lúa, cây ngô không mọc nổi... khiến cuộc sống người dân nơi đây luôn trong cảnh bần cùng, khốn đốn. Cái tên "làng lâm tặc" cũng ra đời từ đó và theo gót chân trần của họ đi khắp núi rừng Tây Nguyên...
 
Khi chỉ còn lại một khu rừng thiêng ít ỏi, họ mới sực tỉnh. Đến lúc này, người Mạ cư trú ở đây mới cảm thấy lo sợ bị thần linh trừng phạt vì đang để mất rừng. Trưởng buôn, già làng bèn tập hợp mọi người lại và bàn cách giữ "rừng thiêng" cha ông. Ngày 14-9-2007, cả 2 bon Srê Ú và N'Jiêng đã làm đơn xin nhận khoán bảo vệ rừng cộng đồng. Đến đầu năm 2009, thị xã Gia Nghĩa đã giao khoán 14,3ha ở tiểu khu 1765 thuộc xã Đắc Nia và huyện Đắc G'long đã giao 365ha ở tiểu khu 1750 (xã Đắc Ha), 1751, 1766 (xã Quảng Khê) cho cộng đồng 2 bon bảo vệ. Từ đó, cả "làng lâm tặc" tự nguyện ký vào bản cam kết đoạn tuyệt việc phá rừng.
 
Nỗi niềm người giữ rừng
 
Khi được giao rừng, làng đã thành lập đội quản lâm gồm 6 người tuần tra bảo vệ rừng. Hơn 140 hộ dân được chia thành lập 4 tổ cộng đồng (mỗi tổ hơn 30 hộ gia đình) nhận khoán bảo vệ rừng. Mỗi tuần họ đi tuần tra một lần và mỗi lần đi sẽ có 4 tổ trưởng và 1-2 thành viên đội quản lâm. Từ đó đến nay, đội quản lâm đã không ít lần phải đối đầu với lâm tặc. Từ năm 2009 đến nay, họ đã tịch thu hơn 40m3 gỗ và hàng chục phương tiện phá rừng như máy cưa, xe công nông, xe máy, dao rựa… nộp cho ngành chức năng. Ông K'Bang, một thành viên của đội quản lâm, chia sẻ: "Lâm tặc hung hãn lắm, đối mặt là chúng ném đá, cầm búa, cầm rìu đánh đuổi lại anh em chúng tôi. Nhất là những người dân lấn chiếm đất để làm nương rẫy, họ phá rừng rất tinh vi và khó bắt được họ. Chúng tôi kiên trì nhắc nhở, bắt họ làm cam kết trả lại đất rừng cho Nhà nước. Chứ bắt họ hôm nay, ngày mai thả ra họ cũng tiếp tục đi phá rừng thôi".
 
"Nhưng mấy tháng trở lại đây, công việc tuần tra của chúng tôi gặp khó khăn. Trong khi đó, hơn 33ha rừng keo lá tràm người dân 2 bon trồng năm ngoái đã bị hàng chục người Mông chặt bỏ, trồng mì". Nói rồi, anh K'Siêng (một thành viên khác của đội quản lâm, hiện đang sống ở chốt canh giữ để bảo vệ rừng) dẫn chúng tôi ra chỗ bị người Mông xâm canh. "Cứ trồng lên họ lại chặt bỏ trồng mì, còn chúng tôi không thể ngày nào cũng có mặt để canh giữ. Nếu cơ quan chức năng không giải tỏa họ ra khỏi đây, có ngày rừng thiêng cũng bị họ phá hết", anh K'Siêng trăn trở.
 
Chưa được trả công
 
Sau hành trình tuần tra vất vả ở 4 tiểu khu rừng cộng đồng của 2 bon, chúng tôi trở lại chốt bảo vệ rừng. Căn nhà gỗ 2 gian chỉ có mình anh K'Siêng sinh sống với phương thức "tự cung, tự cấp". Trong khu vườn nhỏ của ngôi nhà, anh K'Siêng tự trồng rau, nuôi gà... để bám trụ với rừng. Mỗi khi có ai đó từ làng vào, họ lại mang cho anh ký gạo hay bó rau. Vợ đã mất, các con đã lớn nên anh ở lại đây luôn cho tiện việc bảo vệ rừng. "Lúc trời nắng còn đỡ, chứ lúc mưa chúng tôi phải đi bộ hơn 2 tiếng mới vào đến đây. Ban đầu mọi người cũng hào hứng đi tuần tra lắm, có lúc chúng tôi rủ được cả chục thanh niên trong làng đi cùng. Nhưng bây giờ, tiền công không có và không được hỗ trợ gì cả nên mọi người cũng nản", ông K'Tiêng tâm sự.
 
Theo Quyết định 304/2005/QĐ-Ttg ngày 23-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, mỗi năm họ sẽ được hưởng tiền khoán bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha. Thế nhưng, kể từ khi nhận khoán đến nay, cộng đồng bon Srê Ú và N'Jiêng chưa được hưởng đồng nào tiền giao khoán bảo vệ rừng. Anh Hoàng Tiến Mạnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắc Glong, cho biết: "Huyện chúng tôi là một trong hai địa phương trong tỉnh sẽ thực hiện việc chi trả phí dịch vụ môi trường rừng vào năm 2012, cho nên huyện chưa chi trả tiền nhận khoán bảo vệ rừng cho người theo Quyết định 304 của Chính phủ. Chờ khi thực hiện việc trả phí dịch vụ môi trường rừng, chúng tôi sẽ chi trả tiền nhận khoán bảo vệ rừng cho người dân vì lúc đó họ sẽ được hưởng lợi cao hơn".
 
Nhưng có lẽ, trước khi thực hiện việc chi trả phí dịch vụ môi trường rừng, tỉnh Đắk Nông cần phải hỗ trợ tiền nhận khoán bảo vệ rừng trong 2 năm qua cho người dân bon Srê Ú và bon N'Jiêng. Có như thế, họ mới yên tâm bảo vệ để những khu "rừng thiêng" tiếp tục hồi sinh...

Bài & ảnh: Văn Trần

(Báo TN&MT)

Lượt xem: 1103

Các tin khác

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE