quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Mênh mông vùng bãi sông Hồng

Thứ Bảy, 16/05/2020 | 05:55:00 AM

Bắt đầu từ ngã ba Hạc (thành phố Việt Trì), sông Hồng cuồn cuộn đổ về xuôi. Theo dòng chảy miên man ấy, biết bao bãi bồi màu mỡ đã hình thành dọc hai bờ nước đỏ nặng phù sa và cũng có biết bao dòng chảy đời người đã gắn bó với dòng sông, với những vùng đất bãi ấy.


Bãi Giữa sông Hồng nhiều năm qua tồn tại như một phần thực thể sống của Hà Nội.


1.
 Tôi sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ bên hữu ngạn sông Hồng. Làng ở trong đồng, cách dòng sông một con đê. Tuổi thơ tôi bao lần phấp phỏng mỗi mùa lũ về. Mẹ tôi kể: Năm ấy nước to lắm. Nước trong (sông Con - sông Tích), nước ngoài (sông Cái - sông Hồng) đều ăm ắp. Một ngày mấy tin vỡ đê thượng, đê hạ làm dân cả vùng nhao nhác.


Đời tôi đã một lần chứng kiến đê vỡ, nhưng là vỡ đê sông Đà. Năm 1971 nước sông Đà quá lớn đã phá vỡ một khúc đê Khê Thượng (nay thuộc xã Sơn Đà, huyện Ba Vì). Nước ngập lênh láng một vùng rộng lớn thuộc các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây trước khi đổ vào sông Đáy. Sau năm ấy, nơi xảy ra vỡ đê Khê Thượng được xây dựng thành điểm phân lũ.


Năm vỡ đê Khê Thượng, sông Hồng cũng “nước cường”. Người ta dự kiến nếu mức nước sông Hồng ở Hà Nội đạt đỉnh lũ 12,80m thì sẽ mở cống Ba Xuân. Cống Ba Xuân nằm trên địa bàn xã Xuân Phú (huyện Phúc Thọ), cống được làm từ thời Pháp thuộc với 26 cửa, mỗi cửa rộng 9m, những cửa cống này sẽ được từ từ nhấc lên. Nước sông Hồng qua các cửa cống tràn vào xã Xuân Phú, Vân Nam, Thượng Cốc, Hát Môn, Trung Châu… rồi theo đập tràn Phùng vào sông Đáy. Nước theo sông Đáy về các huyện Quốc Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức... đổ xuống các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình... ra biển. Phân lũ, chậm lũ để bảo vệ Thủ đô. Tuy là chủ động nhưng nếu phải thực hiện thì có nguy cơ gây ngập lụt cho 1/3 tỉnh Hà Tây (cũ).


Ngày ấy, khi đập Thủy điện Hòa Bình chưa xây dựng, mùa lũ nào tôi cũng ra sông. Nhiều năm “nước cả” đẩy hai bờ sông xa hút. Tôi đi dọc triền đê trong náo loạn tiếng người, tiếng gia súc, gia cầm của những gia đình chạy lụt. Mãi đến rằm tháng Bảy âm lịch, dân gian gọi là qua nước “tống mã” mới yên tâm hết lũ. Dòng sông hung dữ lại trở về với vẻ bình yên thơ mộng vốn có.


2.
 Có một nghịch lý là năm nào nước càng to thì bãi bồi càng màu mỡ. Như người ta thường nói: “Ông Trời chẳng cho không ai cái gì, lấy đi cái này thì lại trả cho cái khác”, bãi bờ những năm ấy tốt lắm, mướt mát màu xanh của ngô, đậu. Từ ngã ba sông xuôi dòng biết bao nhiêu bãi bồi được dòng sông nuôi dưỡng. Song ấn tượng nhất, nổi tiếng nhất vẫn là bãi Chàng, bãi Cốc, bãi Phúc Xá…


Trên địa bàn Hà Nội hiện nay, bãi bồi đầu tiên trên sông Hồng là bãi Chàng - nơi hội tụ của sông Đà và sông Lô. Chẳng biết có phải sức nước của hai dòng sông không lấn được nhau trước khi hòa vào làm một (sông Hồng) mà làm nên bãi. Bãi dài 11km, rộng 3km. Bãi Chàng nay là xã Minh Châu - xã đảo của huyện Ba Vì. Minh Châu có hai thôn Chu Chàng và Chu Châu. Bao nhiêu năm nay, một phần do kinh phí, một phần do hiệu quả kinh tế không cao nếu bắc một cây cầu, vì vậy bãi Chàng vẫn phải kết nối với bờ bằng một con phà. Công việc của người dân trên bãi là trồng tỉa rau màu và vài năm trở lại đây, bãi Chàng nổi tiếng với chăn nuôi đại gia súc. Bò sữa và bò thịt đã làm nên thương hiệu vùng đất này.


Còn ở trung tâm thành phố là bãi Phúc Xá. Các nhà nghiên cứu cho rằng, Phúc Xá gốc là làng An Xá (khu vực chùa Một Cột bây giờ). Đây là quê hương của Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Sau khi kinh thành Thăng Long mở rộng, dân làng An Xá mất đất nên ra định cư ở bãi sông Hồng. Vua Lý Thái Tổ vốn quý trọng Lý Thường Kiệt cho nên địa giới của Phúc Xá rất rộng. Đầu trên tiếp giáp với Phú Thượng, đầu dưới xuống đến Đống Mác. Bởi vậy mới có câu “thượng Xù Gạ, hạ Đống Mác” là thế…


Gần một thế kỷ sau, nhân một chuyến đi thuyền trên sông, Vua Lý Thần Tông thấy làng An Xá nhà nào cũng làm sàn để tránh lụt lội. Vua bèn đổi tên An Xá thành Cơ Xá (cơ là nền). Sau này dân số đông lên và có thể do những biến động xã hội mà Cơ Xá chia ra thành Cơ Xá Tây Biên (Phúc Xá ngày nay), Cơ Xá Nam Biên (phố Nguyễn Huy Tự, Lê Quý Đôn), Cơ Xá Bắc Biên (Ngọc Thụy, Long Biên bây giờ), Cơ Xá Trung Hà (giữa dòng sông). Đến năm 1911, do chữ “cơ” (theo âm Hán Việt) còn có nghĩa là đói nghèo nên dân làng xin Vua Duy Tân cho đổi thành “Phúc” - Phúc Xá thành tên từ đấy.


Trải bao dâu bể, bãi Phúc Xá nay đã thành phố, thành phường liền với nội thành Hà Nội. Chỉ còn lại bãi Giữa sông Hồng là nguyên vẹn bãi bồi. Đi trên cầu Long Biên nhìn xuống, vào mùa lũ bãi bồi nhỏ nhoi trong dòng nước đỏ ngầu. Khi mùa lũ qua, bãi Giữa lại mướt mát xanh, bỏ mặc những ồn ào đô thị…


Nằm giữa bãi Chàng và bãi Giữa là bãi Cốc. Bãi Cốc không phải vùng đất nổi giữa sông như hai bãi kia mà là hẳn một cánh bãi mênh mông trước đây chỉ thấy bạt ngàn ngô… Bãi Cốc có lẽ bắt đầu từ cái tên tục danh: Tổng Cốc. Nơi đây thuộc địa bàn xã Tân Phúc (cũ) của huyện Phúc Thọ. Năm 1969, do việc di chuyển dân ở ngoài bãi vào nên tên xã được đổi thành Thượng Cốc. Dẫu vậy mỗi khi qua đây trong tôi chỉ nhắc nhớ cái tên đầy ấn tượng: Bãi Cốc! Bãi Cốc một năm hai vụ, bốn mùa chỉ thấy bạt ngàn ngô xanh…


3.
 Bãi Cốc bây giờ không còn độc canh cây ngô nữa nhưng vẫn nguyên vẹn một cánh bãi như bao đời nay. Bởi, bắt đầu từ Xuân Phú đến Hát Môn, hơn chục xã nằm trong vùng “bụng nước”, là đường đi của lũ khi mở cống Ba Xuân. Sau khi đập Thủy điện Hòa Bình khánh thành, việc trị thủy sông Đà, sông Hồng đã có hiệu quả. Cả một vùng đất rộng lớn tả hữu sông Hồng không còn phải phấp phỏng lo thủy tai mỗi mùa lũ về… Song, cống xả lũ Ba Xuân vẫn còn đó, dẫu cả trăm năm chưa chắc phải một lần “vạn bất đắc dĩ” thì bãi Cốc vẫn là một cánh bãi mênh mông để dự phòng… Luật Đê điều (trước đây là Pháp lệnh Đê điều) đã quy định nên không thể đầu tư bất cứ công trình mang tính bền vững nào trên đất bãi và những xã trong vùng phân lũ.


Chỉ một đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội đã có những vùng bãi hết sức ấn tượng. Bãi Chàng dân cư quần tụ đông đúc bao đời nay đã làm nên “văn hóa vùng đất bãi”. Khác với bãi Chàng, bãi Giữa không phải là nơi quy hoạch cho dân cư sinh sống, song từ thời Pháp thuộc đến nay vẫn tồn tại như một phần thực thể sống của Hà Nội. Mặc cho phố xá phồn hoa đô hội, bãi Giữa hoang vu vẫn rập rờn xanh dưới chân cầu Long Biên!


Bao năm qua, đất bãi đã âm thầm đóng góp cho Hà Nội một nét rất riêng, làm phong phú thêm văn hóa của đất kinh kỳ văn hiến!

Hà Nguyên Huyến/HNM

Lượt xem: 1925

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE