quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Mất rừng ngập mặn, siêu đô thị cũng lâm nguy

Thứ Sáu, 18/09/2020 | 08:44:00 AM

Những siêu đô thị mọc lên từ rừng ngập mặn như Mumbai (Ấn Độ) hay Thâm Quyến (Trung Quốc) từng được biết đến với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ hiện cũng đối mặt với những thách thức lớn. Nếu rừng ngập mặn không được cứu, siêu đô thị cũng như lâu đài bằng cát.

 Từ những khu rừng bị tàn phá
 
Dọc theo con đường cao tốc đang được xây dựng ở khu vực phía đông Mumbai, thủ phủ bang Maharashtra, Ấn Độ, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những loài cây ngập mặn, với rễ mọc ngược lên trên - đặc trưng của vùng đầm lầy nhiệt đới. Thế nhưng, thay vì vươn lên trên mặt nước, những rễ cây này phải khó nhọc chọc thủng những lớp bùn khô. Nguồn nước mặn huyết mạch của chúng đã hoàn toàn bị chặn đứng bởi các hoạt động xây dựng. 
 
Mất[-]rừng[-]ngập[-]mặn,[-]siêu[-]đô[-]thị[-]cũng[-]lâm[-]nguy
Những khu rừng ngập mặn đang dần kiệt quệ tại Mumbai - Ảnh: NPR
 
Chỉ một con kênh nhỏ nằm gần đường cao tốc, nhà môi trường học B.N. Kumar cho biết, nơi từng dẫn nước biển vào khu rừng ngập mặn, giờ đã cạn khô, chỉ còn toàn đá và gạch vụn từ các công trình xây dựng. Tất cả khu rừng ngập mặn, khoảng 5.000 cây đã khô cạn. Giờ cây ở đó chỉ có thể dùng làm củi. “Thật đáng buồn khi thấy những khu rừng ngập mặn mất đi như vậy”, B.N. Kumar nói.
 
 
Các nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn 1991-2001, gần 40% diện tích rừng ngập mặn tại Mumbai (khoảng 36,4km2) đã biến mất. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng làm trầm trọng thêm vấn đề này. Những xe rác từ thành phố dễ dàng đổ chất thải tại các khu rừng ngập mặn, khiến rễ cây “nghẹt thở” vì bùn và chất thải nhựa bao phủ. Hàng trăm mẫu rừng ngập mặn khác bị chặt phá để xây dựng sân bay quốc tế Navi Mumbai.
 
Đặc biệt, một trong những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của Ấn Độ, tuyến đường tàu cao tốc đầu tiên của nước này nối liền Mumbai với Ahmedabad, dự kiến sẽ khiến ít nhất 32.000 cây rừngngập mặn biến mất. 
 
Những khu rừng ngập mặn tại Mumbai không phải là nạn nhân duy nhất của quá trình đô thị hóa. Cách đó hơn 4.200km, tại Thâm Quyến, một trong những đô thị hàng đầu của Trung Quốc, 70% số rừng ngập mặn cũng đã biến mất trong quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ. Theo một thống kê của The New York Times hồi năm 2017, sự biến mất của rừng ngập mặn tại đây diễn ra với tốc độ rất nhanh: 2.100 mẫu Anh trong giai đoạn 1979-1985, và 6.700 mẫu Anh chỉ trong một thập niên tiếp sau đó.
 
Những nơi trước đây từng là rừng ngập mặn, giờ đã bị xé toạc, san phẳng, thay thế bởi những nền bê tông, nhựa đường, tòa nhà văn phòng, chung cư cao tầng, các khu công nghiệp, thậm chí là những quán cà phê.
 
“Mọi thứ bắt đầu với những công viên giải trí dọc bờ biển”, chị Cai Yanfeng, một người dân địa phương, nhớ lại: “Sau đó, thành phố đã xây dựng một con đường lớn khác gần biển, khu vực này dần được lấp đầy bởi các khu dân cư. Mọi thứ ngày càng được đẩy nhanh”.    
 
Đến siêu đô thị bị đe dọa
 
Với Mumbai, hàng ngàn mẫu rừng ngập mặn nằm chắn giữa thành phố và biển Ả rập giống như những bộ đệm tự nhiên, giúp chống xói mòn và lũ lụt ven biển, đồng thời lưu trữ lượng carbon gấp bốn lần các khu rừng khác. Trong bối cảnh nước biển dâng cao, các khu rừng ngập mặn càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. 
 
Một báo cáo mới của các chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu dự đoán, phần lớn Mumbai - trung tâm tài chính của Ấn Độ sẽ chìm dưới nước vào năm 2050, nếu lượng khí thải carbon toàn cầu không giảm. Do được xây dựng sau quá trình lấn biển tại những nơi trước đây là một cụm đảo, Mumbai càng dễ bị tổn thương trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. 
 
Hồi năm 2005, thành phố đã phải đối mặt với đợt mưa gió mùa với quy mô chưa từng có, dẫn đến thảm họa lũ lụt. Khu thương mại ở trung tâm Mumbai, nơi có nhiều trung tâm mua sắm và tòa nhà cao tầng là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều đáng chú ý là khu vực này được xây dựng tại vùng trũng thấp bên bờ sông Mithi, nơi từng có những khu rừng ngập mặn trải dài, hoạt động như một cống thoát nước mưa tự nhiên.
 
“Đúng vào thời điểm chúng ta đang cần rừng ngập mặn hơn bao giờ hết, thật không may chúng ta lại đang phá hủy ngày càng nhiều khu rừng ngập mặn”, nhà môi trường học Kumar bày tỏ lo ngại.
 
Sự tương phản giữa việc có hay không có các khu rừng ngập mặn là rất rõ ràng. Ông Nandakumar Pawar, một ngư dân tại khu vực ngoại ô phía đông bắc Mumbai, đã rất ngạc nhiên khi nhận thấy, trận lũ khủng khiếp tàn phá thành phố hồi năm 2005 đã không ảnh hưởng nhiều tới làng chài, nơi ông sinh sống. Một khu rừng ngập mặn rộng hơn 2.000 mẫu Anh gần đó, đã hoạt động tương tự như một miếng bọt biển, giữ nước và ngăn không để lũ tràn vào ngôi làng. “Sự kiện đó thực sự đã khiến chúng tôi hiểu ra vấn đề”, ông Pawar chia sẻ. 
 
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Thâm Quyến. Mất đi tấm lá chắn tự nhiên là rừng ngập mặn, thành phố đã trở nên dễ tổn thương hơn trước tình trạng nước biển dâng. Dọc theo tuyến đường cao tốc Huishen, nước biển dâng có thời điểm đã làm xói mòn một khu vực có chiều dài bằng ba sân bóng đá, để lại những đống nhựa đường và bê tông.
 
Khi một cơn bão lớn đổ bộ vào vùng đồng bằng Châu Giang hồi năm 2008, một phần ba bức tường biển tại Chu Hải đã vỡ vụn, khiến nước tràn vào thành phố. Song, ở chiều ngược lại, khu bảo tồn thiên nhiên Chu Hải, nơi rừng ngập mặn vẫn được gìn giữ đã có thể hấp thụ dòng nước và không bị tổn hại lớn vì thiên tai.  
 
Những đánh đổi… luẩn quẩn
 
Theo China Daily, trong những năm gần đây, giới chức Trung Quốc đã có những nỗ lực đáng kể nhằm bảo tồn và phát triển các khu rừng ngập mặn. Các dự án được khởi xướng từ năm 2001 đã giúp Trung Quốc nâng diện tích rừng ngập mặn từ 22.000 héc-ta hồi năm 2000 lên 29.000 héc-ta vào năm 2019. 38 khu bảo tồn phát triển theo hướng rừng ngập mặn đã được thiết lập, trong khi tỷ lệ rừng ngập mặn tự nhiên được bảo vệ cũng đã vượt 50%, bỏ xa tỷ lệ trung bình của thế giới là 25%. 
 
Thế nhưng, quá trình này vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề lựa chọn giữa phát triển hay bảo vệ môi trường?
 
Bà Liang Bo, làm việc tại Quỹ bảo tồn đất rừng ngập mặn Thâm Quyến, chia sẻ: “Biển, các khu đất ngập nước và rừng ngập mặn từng là một phần trong cuộc sống của người dân nơi đây. Thế nhưng, hầu hết người dân sống tại đây hiện không phải là những cư dân từng biết đến rừng ngập mặn. Họ coi các công viên, tòa nhà cao tầng và đường cao tốc là những biểu tượng của sự tiến bộ. Trong khi, đây lại là những thứ khiến chúng tôi trở nên dễ tổn thương hơn trước nước biển dâng và bão lũ”.  
 
Mất[-]rừng[-]ngập[-]mặn,[-]siêu[-]đô[-]thị[-]cũng[-]lâm[-]nguy
70% diện tích rừng ngập mặn tại Thâm Quyến đã biến mất trong quá trình phát triển kinh tế - Ảnh: The New York Times
 
Tại Mumbai, các nhà hoạt động môi trường đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về tác động tiêu cực từ việc phá hủy rừng ngập mặn với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo chuyên gia môi trường Kumar, những ý kiến này thường bị coi là chống lại sự phát triển, bởi những dự án như tàu cao tốc, vốn được nhiều người dân Ấn Độ coi là niềm tự hào của đất nước.
 
Theo ông Debi Goenka, nhà hoạt động tại Tổ chức Hành động bảo tồn có trụ sở tại Mumbai, chỉ theo đuổi ảo ảnh về tăng trưởng GDP không phải là sự phát triển thực sự.
 
Đáp lại những lo ngại này, giới chức địa phương cho biết, sẽ trồng 5 cây mới để thay thế cho mỗi cây trong rừng ngập mặn bị chặt đi, lấy chỗ cho đường tàu cao tốc. Tuy nhiên, các nhà hoạt động tỏ ra hoài nghi. Ông Debi Goenka cho biết: “Thực sự không có đất trong thành phố để trồng lại các cây xanh trong rừng ngập mặn, không có môi trường sống phù hợp. Trong những dịp hiếm hoi mà việc phục hồi rừng ngập mặn được thực hiện, hầu hết các cây non đều không thể sống sót”.
 
Năm 2012, giới chức bang Maharashtra đã thiết lập đơn vị bảo tồn rừng ngập mặn đầu tiên tại Ấn Độ. Đơn vị này đã tiến hành các hoạt động tái sinh rừng ngập mặn thông qua những dự án vườn ươm. Các quy định bảo vệ những khu rừng còn lại cũng được thắt chặt, với sự hỗ trợ từ các đơn vị an ninh trang bị vũ khí, được bố trí dọc theo ngoại vi các khu rừng ngập mặn.
 
Năm 2018, Tòa án tối cao Mumbai đã ra phán quyết, việc phá hủy rừng ngập mặn “xâm phạm đến những quyền lợi cơ bản của công dân”. Một số cá nhân đã bị bắt giữ, chủ yếu liên quan đến các hành động lấn chiếm rừng ngập mặn.
 
Tuy nhiên, theo cựu nhân viên lâm nghiệp Mumbai Seema Adgaonkar, những biện pháp này là chưa đủ để cứu thoát tất cả các cánh rừng ngập mặn tại đây. Các biện pháp tăng cường nhận thức công chúng về sự cấp thiết bảo vệ cây rừng ngập mặn mới là điều quan trọng mà giới chức Ấn Độ cần thực hiện.
 
“Nếu rừng ngập mặn được cứu, Mumbai sẽ được cứu. Nếu không, khi mực nước biển dâng cao, siêu đô thị này sẽ sụp đổ giống như một tòa lâu đài bằng cát”, bà Adgaonkar nhận định. 
 
 

Lạc Diệp (theo The New York Times, Bloomberg, China Daily, NPR)

Lượt xem: 1950

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE