Ngày xưa, các cụ mắng con mắng cháu kém cỏi, lười học hành, ở nhà đi theo đít con trâu, thì các cụ thường nói : - Cả đời mày không đi ra khỏi lũy tre làng !
Lũy tre làng là danh giới hành chính của một xóm, một làng hoặc một thôn nằm trong địa bàn một xã, ở trong lũy tre làng ấy có khoảng vài trăm hộ hoặc nhiều hơn thì một hai nghìn hộ dân sinh sống ở đó. Ngoài lũy tre làng là cánh đồng canh tác lúa, ngô, khoai, sắn của người dân thôn quê.
Những hình ảnh quen thuộc ở làng quê vào mùa vụ, chúng ta thường thấy các bác nông dân ra đồng, trên vai thường vác cái cày, đi trước là con trâu. Những buổi trưa hè, trời nắng nóng, trên đường đi làm về, tới đầu làng, các bác nông dân thường buộc con trâu vào búi tre, cho nó trú nắng, còn các bác xúm lại, ngồi bệt trên tàu lá chuối vừa cắt trên cây, rồi làm vài điếu thuốc lào cho đã. Sau mỗi buổi làm việc đồng áng về, được ngồi nghỉ ngơi hóng mát dưới lũy tre làng trưa hè thì thật là thú vị. Các cụ ví : Trăm thằng hầu không bằng đầu ngọn gió. Gió đâu thổi về mà mát vậy, chỉ có ngồi ở lũy tre đầu làng mới mát đến như vậy!
Nhà tôi ở gần cánh đồng làng, chỉ cách một con đường nhỏ và lũy tre xanh của nhà tôi là ra tới đồng. Vì thế, tuổi thơ của tôi luôn được chứng kiến những hình ảnh ấy vào những ngày mùa ở quê tôi. Những ông thợ cày thủa nào vào nhà tôi uống nước, hút thuốc lào với ông nội tôi, đến giờ tôi vẫn nhớ. Mặc dù, tôi xa quê đã hơn hai mươi năm. Có những người còn sống, có những người đã khuất. Họ như vừa đi ra khỏi rìa làng như thể họ vừa vác cày ra đồng…
Lũy tre làng là nơi gắn bó với nhiều thế hệ tổ tiên của gia đình tôi, của người dân quê tôi. Ở nơi ấy gắn bó một phần kí ức tuổi thơ của tôi. Đời cụ nội tôi sống, bốn bề là lũy tre, tre bảo vệ làng, chống trộm cướp. Làng tôi giáp với làng Thanh Mai, thanh niên làng Thanh Mai ngày xưa có tiếng là ngổ ngáo, trộm cướp. Ông nội tôi kể lại : - Đêm đêm, chúng kéo đàn kéo lũ ra làng mình trộm cướp, cứ vào nhà ai có gì là chúng uy hiếp và lấy sạch đồ đạc, của cải, nhà tôi gần đầu làng, luôn phải hứng chịu những cảnh cướp trộm như vậy. Bởi thế, các cụ thường căn dặn các cô con gái trước khi quyết định lấy chồng rằng : - Lấy ruộng giữa đồng, lấy chồng giữa làng. Chắc là với thâm ý, tránh những chuyện như tôi vừa kể ở trên.
Sau này, để phát quang cho nhà, cha tôi cùng một người bạn đã dùng hai quả bộc phá để đánh sập những lũy tre quanh nhà như bức tường thành kiên cố bao bọc quanh nhà từ bao nhiêu đời nay. Dưới lũy tre quanh nhà tôi, còn lộ ra mấy chiếc hầm cá nhân được cụ nội tôi đào từ hồi chống Pháp, dùng để trú ẩn sau những lần giặc Pháp càn vào làng, rồi hầm còn là nơi trú ẩn của những cán bộ đảng viên đầu tiên của xã tôi hoạt động cách mạng vào những năm 40 của thế kỉ XX. Năm tôi lên mười một, mười hai tuổi, tôi còn chui xuống hầm chơi trò ú tìm cùng đám trẻ con trong xóm. Hầm được đào kiểu hang ếch, trên có lát ván tre, chỉ đủ một người ngồi. Cũng tại những chiếc hầm này, ông nội tôi kể lại : - Có một chiến sĩ cộng sản đã từng được cụ nội tôi nuôi ăn ở tại hầm để hoạt động cách mạng, rồi một ngày nọ , người chiến sĩ ấy bị giặc Pháp theo dõi và tìm được nơi trú ẩn, cơ sở bị bại lộ, người chiến sĩ kia bị chúng bắt và tra tấn dã man, đau đớn quá, không chịu nổi, ông đành chỉ nhà cụ nội tôi có hầm chứa Việt Minh, cụ nội tôi lập tức bị giặc Pháp bắt và trói vào cột nhà, chúng dùng súng ngắn bắn trượt qua tai cụ nội tôi nhằm uy hiếp tinh thần và chúng bắt khai ra các đồng chí đã từng trú ẩn ở đây, ông nội tôi bị chúng bắt trói quặt cánh khỉ, rồi chúng giẫm lên bụng, đổ nước xà phòng vào mồm, nhưng cả cụ nội tôi và ông nội tôi vẫn không chịu khai cho chúng bất cứ một thông tin nào của tổ chức. Tra tấn dã man như vậy nhưng chúng không có được thông tin gì cả, chúng bắt giam ông nội tôi xuống nhà tù Sơn Tây. Chúng đánh đập ông nội tôi khiến mặt mày sưng húp, những vết thâm đen do máu đọng lại khắp trên cơ thể, nhưng ông tôi quyết một lòng không khai… Mãi cho đến năm 1964, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã kí tặng gia đình cụ tôi tấm Huy chương Kháng chiến để ghi nhận gia đình có công với cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc…Ảnh cụ nội tôi bị cơn lũ năm 1971 cuốn trôi đi mất trong tập album gia đình. Nay tôi treo tấm huy chương ấy có ghi tên cụ nội tôi thay di ảnh ở trên bàn thờ gia tiên, bên dưới là di ảnh ông nội và bà nội tôi. Người dân quê tôi, gia đình tôi sống đầm ấm trong lũy tre làng bao bọc như vậy đó!
Thủa nhỏ, chúng tôi còn mang quang ghánh đi quét lá tre rụng về để đun nấu. Khi ấy, cha tôi là công chức, hàng tháng có tem phiếu mua chất đốt, than phân phối nhưng vẫn không đủ chất đốt dùng đun nấu cho gia đình, lúc nhàn rỗi, anh em chúng tôi thường đi quét lá tre quanh xóm, hoặc ra sân trường quét lá xà cừ về nấu…
Thế hệ cụ tôi, ông nội tôi đã từng sống trong lũy tre làng vì đất nước liên tục xảy ra chiến tranh do Pháp xâm lược. Đến thế hệ cha tôi cũng phải xa làng lên đường đi đánh Mỹ, đất nước hòa bình cha tôi chuyển sang công tác ở Tỉnh, sau này về huyện… Đến thế hệ anh em tôi lớn lên, được cha mẹ nuôi ăn học, mỗi đứa lập nghiệp mỗi nơi, chẳng đứa nào chịu về làng. Mẹ tôi bực mà nói : Lũ chúng bay là quân bỏ làng! Vâng, làng và lũy tre gắn bó với chúng tôi như vậy đó. Bao đời nay, lũy tre làng vẫn tồn tại như một biểu tượng của văn hóa làng, một thứ không thể thiếu trên mỗi làng quê nước Việt.
Khoảng hơn chục năm gần đây, tôi thường xuyên về thăm quê, nhưng hình ảnh lũy tre làng đang dần vắng bóng trên quê hương tôi. Vừa rồi, có dịp đưa cô bạn gái đi chụp ảnh cưới ở làng Việt cổ Đường Lâm, cô ta du học ở Pháp từ năm 2001, đến 2006 thì học xong, nay tìm được người bạn đời trăm năm, cô nhớ về làng quê Việt, nên cô ta chọn bối cảnh nông thôn, dân dã để chụp những bức hình kỉ niệm trong trang phục lễ cưới với người bạn đời của mình có tên là Ly – Ken, quốc tịch Pháp, chàng sống ở thành phố Lyon. Cô ta muốn chụp một tấm hình bên lũy tre làng. Nhưng tìm quanh làng Việt cổ chẳng thấy có lũy tre nào, đất trật, người đông, trồng tre không còn hợp thời nữa, nên người ta chặt bỏ hết, để trồng thứ cây khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, và nét văn hóa thì đang mất dần theo thời gian. Còn cô bạn tôi, sau khi rời nước Việt sang Pháp sống với chồng mình, chắc nàng sẽ rất nhớ hình ảnh lũy tre làng, nơi tuổi thơ của cô gắn bó một thời. Ôi! Hình ảnh lũy tre làng mai sau chắc chỉ còn tìm thấy trong những thước phim tư liệu, trong thơ ca, và trong các trang văn…mà thôi!