quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Lung Ngọc Hoàng – rất giàu và rất nghèo !

Thứ Hai, 02/05/2011 | 07:49:00 AM

Lung Ngọc Hoàng theo tiếng Nam Bộ có nghĩa là “Vùng rừng lầy thụt hoang dã của Ông Trời”. Thiên nhiên và con người đã chung tay xây dựng nên khu bảo tồn đặc biệt này của đất phương Nam. Là nơi có hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù Nam Bộ, nhưng người dân trong khu bảo tồn lại quá nghèo.

 
Nguyễn Đình Hòe VACNE,
 Ngô Thanh Phương (Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ)
 
1.Tại sao lại “Lung Ngọc Hoàng”?
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cách TP.Cần Thơ khoảng 40 km về phía Bắc và cách TP.Hồ Chí Minh 210 km về phía Tây Nam. Vành đai trong của Lung Ngọc Hoàng bao gồm 4 kênh nhỏ, được gọi tên chung là “kênh bao”, trong đó kênh Hậu Giang 3 chạy chính giữa Lung, chia Lung thành hai phần gần bằng nhau.





Lung Ngọc Hoàng là một vùng đất ngập nước mang đầy vẻ hoang sơ, huyền bí đã có từ rất lâu đời. Nguồn gốc địa danh Lung Ngọc Hoàng xuất phát từ sự ngưỡng mộ của người dân trước cái bao la, rộng lớn của thiên nhiên. Tương truyền ngày xưa, nơi đây được mệnh danh là “vùng đất chết”, nước ngập quanh năm, cỏ dại mọc cao ngút ngàn. Đi lạc vào vùng này khó có thể tìm được lối ra, do địa hình mênh mông và chằng chịt dây leo, hoang sơ vắng vẻ. Vì thế, cư dân quanh vùng gọi vùng đất ngập nước này là “Lung Ông Trời Sanh”. Tiếng địa phương “lung” là vùng đất trũng lầy thụt hoang dã. Lâu ngày “ông Trời Xanh” được đổi thành “Ngọc Hoàng” cho thêm tôn nghiêm. Thế là cái tên “Lung Ngọc Hoàng” xuất hiện, cũng không rõ từ năm nào..
Lâm trường Phương Ninh thành lập vào năm 1983, với nhiệm vụ chủ yếu là trồng và kinh doanh rừng ở Lung Ngọc Hoàng. Trong giai đoạn từ năm 1984 đến 1990, Lâm trường Phương Ninh đã trồng được 1437 ha rừng. Từ đó, thảm thực vật rừng được khôi phục đã phát huy đáng kể trong việc phục hồi và duy trì cân bằng sinh thái trong khu vực. Rừng tạo môi trường thích hợp cho các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài thủy sinh vật như các loài cá, các loài lưỡng thê, bò sát, chim và thú,… Ngoài ra, quần thể rừng tràm có vai trò nòng cốt ổn định chế độ thủy văn, đảm bảo sự tồn tại bền vững của một khu hệ đa dạng sinh học cao.
Thủ Tướng Chính Phủ đã ra quyết định số 13/2002/QĐ.TTG ngày 14/01/2002 thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng. Vào thời điểm này, Lung Ngọc Hoàng vẫn còn thuộc địa phận hành chính của huyện Phụng Hiệp tỉnh Cần Thơ. Sau khi chia tách tỉnh Cần Thơ và Hậu Giang vào ngày 01/01/2004 thì Lung Ngọc Hoàng nằm trong địa phận huyện Phụng Hiệp-tỉnh Hậu Giang. Người dân lâm trường từ đó trở thành những cư dân bất đắc dĩ phải sống trong vùng lõi khu bảo tồn.
 
2. Đa dạng sinh học ở Lung Ngọc Hoàng
Hiện nay, Lung Ngọc Hoàng có 330 loại thực vật, 206 động vật, bò sát, chim... sinh sống. Có nhiều loại thú, chim, cá quý hiếm. Trong đó, nổi bật nhất là rái cá lông mũirùa nắp (nằm trong Sách đỏ thế giới). Ngoài ra còn có càng đước, chồn đèn và đặc sản nổi tiếng ở Hậu Giang là cá thác lác cườm. Lung Ngọc Hoàng có hệ thực vật phong phú của hệ sinh thái đất ngập nước như dây choại mọc dưới gốc hoặc trên thân cây tràm, lau, sậy, bòng bong... Những loài trên cạn cũng khá nhiều như trâm sắn, ngái lông, mua, gừa... Tại Lung Ngọc Hoàng hiện có trên 330 loài thực vật với 24 chi, 92 họ. Trong số này có 56 loài mới được phát hiện. Nơi đây, có 5 loài cây trồng chính có giá trị kinh tế cao là tràm, bạch đàn đỏ, keo, xà cừ. Trong đó, tràm là loại cây trồng chủ đạo và có giá trị sử dụng về nhiều mặt như lấy gỗ xây dựng, vỏ dùng làm chất cách nhiệt, xảm thuyền và lá  dùng để cất tinh dầu có giá trị cao trong y dược.

 
Động vật ở Lung Ngọc Hoàng khá phong phú với khoảng 206 loài thuộc các lớp Ếch nhái, Bò sát, Chim và Thú. Trong đó, có nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng ở quy mô toàn cầu như cổ rắn và quắm trắng, dơi chó, chồn mực, cáo mèo,… có chín loài chim quý hiếm là bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám, ác là... và các loài thú như dơi chó, rái móng, chồn mực, cáo mèo cùng các loài quý hiếm khác như càng đước, cua đinh, rùa vàng, ếch giun, cá còm.... Ngoài ra, ong mật làm thành những tổ to lớn trong rừng tràm cũng là một nét rất riêng của vùng đất này.
 
3.Những chủ nhân nghèo khó của khu bảo tồn
Cư dân vùng Lung Ngọc Hoàng vốn là dân lâm trường cũ trước khi đất lâm trường đổi thành khu bảo tồn, vẫn sinh sống chủ yếu bằng hoạt động nông ngư nghiệp. Họ hiền hòa, chân thật, lại rất chan hòa tình cảm, mến khách và có những nét văn hóa rất riêng của cư dân vùng miệt thứ (đất ngập nước) Nam Bộ.Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có 109 hộ dân sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Nhiều đứa trẻ mới hết lớp 5, lớp 6 đã phải nghỉ học để phụ cha mẹ lo cho gia đình hơn chục miệng ăn. Đôi bàn tay đang độ tuổi búp măng của các em đã hằn nhiều chai sạn...cuộc sống của người dân giữa phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) này còn thiếu thốn đủ thứ. Không đường giao thông, không có điện, xa trường học, xa trạm xá, xa chợ, không có nước sạch mà phải dùng nước nhiễm phèn nặng.Chủ nhân của Lung Ngọc Hoàng dường như bị lãng quên. Ở Lung Ngọc Hoàng, không thể chỉ bảo tồn vị bảo tồn mà cần bảo tồn vị nhân sinh, bài toán mà nhiều khu bảo tồn thiên nhiên ở nước ta đã giải quyết tốt./.
 



 
 

Lượt xem: 7435

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE