Các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, nhà văn hóa gặp nhau tại hội thảo “Hà Nội: thành phố toàn cầu hay thành phố sống tốt” (Nhà xuất bản Tri thức tổ chức tại Hà Nội ngày 8-10-2010), đều như muốn thốt lên: Hà Nội ơi, đừng xây dựng nữa!
Hồng Phúc
Siêu đô thị...
Hà Nội đang xoay chuyển chóng mặt. Ba mươi ba ngàn cây số vuông đang bị xâm lăng bởi những dự án với các kiểu kiến trúc hổ lốn và sự sao chép thô vụng các nền văn minh không thuộc về mình.
Cây xanh trên nhiều đường phố đang chết dần chết mòn từng ngày. Người ta đốt gốc, chặt lén để lấy mặt bằng kinh doanh. Giáo sư Michael Douglass (Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa, khoa Quy hoạch vùng và Đô thị, Đại học Tổng hợp Hawaii, Mỹ) dẫn một nghiên cứu về đô thị gần đây, cho biết 90% chợ ở TPHCM và 50% chợ truyền thống ở Hà Nội đang được biến thành siêu thị trong khi 80% người dân trả lời rằng họ muốn chợ, đừng siêu thị. “Điều đó chứng tỏ quy hoạch đã không dựa trên mong muốn của người dân”, ông nói.
Trong khi đó, không gian công cộng không chiếm bao nhiêu phần trong quy hoạch đô thị. Sự biến mất các không gian công cộng kéo theo sự rạn vỡ các mối quan hệ cộng đồng và bỏ lại con người với một cuộc sống áp lực cô độc và nặng nề. Ông Douglass cho rằng trong mô hình Hà Nội mới hiện nay, các tập đoàn đang dẫn dắt thành phố và biến nó thành của tư. Trong khi một thành phố công cộng phải có cả ba yếu tố: chính phủ, khu vực tư nhân và người dân.
Ông “Tây” yêu Hà Nội chia sẻ: “Các thành phố có giá trị văn hóa lớn đều hấp dẫn các tập đoàn toàn cầu. Ai cũng muốn chiếm đoạt các không gian quý giá và nếu ta không tự giữ mình, chính các tập đoàn sẽ sao chép nét văn hóa của tứ phương trộn vào nhau, biến mọi thành phố đều trở nên giống nhau. Chỉ có khoảng 10% tập đoàn đầu tư quan tâm đến các yếu tố xã hội trong các dự án. 90% còn lại không xấu, nhưng họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chỉ đầu tư khi có lợi nhuận. Các nhà đầu tư cũng không trung thành với một thành phố khi giá trị văn hóa và bản sắc của nó không còn. Họ sẽ tạm biệt khi không còn lợi ích”.
Dưới cái nhìn của vị giáo sư này, Đông Nam Á đang “phát điên” lên vì muốn xây dựng những thành phố hiện đại toàn cầu, siêu đô thị và kinh đô mua sắm. Ông nhận xét; “Tại những “siêu đô thị” châu Á, nếu không có những người nói tiếng địa phương, bạn không biết mình đang ở đâu trong châu Á. Hơn một nửa số tòa nhà cao nhất thế giới ở châu Á trong khi châu Âu - nơi hội tụ những giá trị văn minh bậc nhất toàn cầu - không tham gia cuộc cạnh tranh này”.
Ông cũng tỏ ra lo lắng bởi Hà Nội đang bị lái đi xa dần chính nó, mất dần sợi dây kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai. Ông đơn cử “chiến dịch” biến chợ truyền thống thành trung tâm thương mại. Điều đó đem lại lợi ích cho một bộ phận nào đó. Nhưng nó phá vỡ “kênh” giao tiếp giữa mọi người, vốn tạo nên các mối quan hệ xã hội. “Nếu không nghiêm túc nhìn nhận và gìn giữ văn hóa, Hà Nội sẽ mau chóng trở thành một thành phố không bản sắc”.
…Hay thành phố sống tốt?
GS. Douglass mang đến hội thảo thuật ngữ “thành phố sống tốt” (livable cities) với mong muốn đưa khái niệm này lên bàn nghị sự của các vị lãnh đạo Hà Nội.
Một nghiên cứu của Mercer năm 2010, cho thấy các thành phố sống tốt nhất không phải những thành phố lớn nhất và có những tòa nhà cao nhất, đó là Zurich, London, Tokyo, New York.
Theo ông Douglass, một thành phố sống tốt là thành phố mà ở đó, con người được hưởng những dịch vụ cơ bản (y tế, giáo dục) tốt, có môi trường sống có lợi cho sức khỏe, có những không gian công cộng và không gian cộng đồng (community and civic spaces), nơi người dân có thể đến, sử dụng mà không cần dành toàn bộ thời gian của mình cho các quan hệ thương mại hay trao đổi hàng hóa; là nơi người dân được đối xử công bằng, dân chủ và được hợp tác trong nhiều mặt hoạt động. Tóm lại, đó là thành phố mà mọi sự xây dựng, quy hoạch và đầu tư đều hướng đến con người.
Cũng theo vị giáo sư này, khi môi trường sống bị xuống cấp nghiêm trọng trong thời gian ngắn; khi các cộng đồng dân cư phải rời bỏ nơi ở vì quá trình hiện đại hóa và những dự án lớn; và khi những con người nghèo khổ bị sống cách ly trong các khu ổ chuột giữa lúc thành phố ngày càng sung túc hơn, chứng tỏ có gì đó không đúng đang diễn ra. “Tôi cho rằng chính quyền sẽ phải suy nghĩ rất nghiêm túc và rõ ràng về những lợi thế và tinh thần của Hà Nội so với các địa phương khác. Các chiến lược phát triển kinh tế cần quan tâm đến yếu tố văn hóa, xã hội. Khi một đô thị ở các nước đang phát triển bắt đầu phình ra, người ta thường quan tâm đến việc làm thế nào để kiếm được nhiều tiền thay vì chú ý đến môi trường sống của mình. Và đó là khởi đầu của những thảm họa”.
Thực tế, ta đang có ba sự lựa chọn cho Hà Nội: đồng ý với mọi thứ đang diễn ra; phản đối hoàn toàn; hay tiếp cận vấn đề cũ với cách nhìn khác. Nếu tiếng nói của người dân có trọng lượng, được lắng nghe, chắc chắn họ sẽ giúp chính quyền có những quyết sách đúng đắn để thành phố có thể phát triển bền vững. Người dân không bao giờ là lực lượng kìm hãm những lợi ích kinh tế của thành phố, bởi những lợi ích đó họ cũng được hưởng. Nhưng ngược lại, họ chính là chiếc phanh an toàn nhất để thành phố không phát triển một cách máy móc và thiếu đi những giá trị xã hội cần thiết.
Khách du lịch đến một thành phố để xem người nơi đó sống thế nào, mong muốn trải nghiệm một nhịp sống khác biệt trong khi ta lại đang tự tìm cách làm mất mình. Hà Nội tương lai sẽ có nền kinh tế phụ thuộc dịch vụ, làm thế nào để hấp dẫn du khách nếu không duy trì được bản sắc của nó. Hãy dừng lại khi chưa muộn, đừng vứt đi những thứ quý giá và thiết lập những thứ không phải của mình. Một nhà văn hóa nói, Hà Nội dường như liên tục đi từ quá độ này sang quá độ khác, khi quá độ này chưa chín đã đến quá độ kia. Hình như ta không có hệ giá trị chuẩn nên không biết điểm dừng. Và nếu vẫn không thống nhất được một hệ giá trị chuẩn, Hà Nội vẫn mãi lộn xộn. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng Hà Nội - thành phố bảo bọc những giá trị văn hóa cần gìn giữ của cả một dân tộc, cần biết lựa chọn mô hình cho mình. Muốn thế, các nhà quy hoạch phải trả lời trước câu hỏi: “Xây dựng thành phố cho ai, vì ai?”.
(TB KTSG, 21/10/2010)