quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Lào nên hoãn quyết định xây dựng đập Xayabury

Thứ Tư, 23/02/2011 | 08:03:00 AM

TTO - Lào nên trì hoãn việc ra quyết định xây dựng đập Xayabury trên dòng chính sông Mekong. Đó là một trong những kiến nghị đưa ra tại cuộc họp tham vấn quốc gia về công trình thủy điện này do Ủy ban Mekong Việt Nam tổ chức tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, ngày 22-2.

 

 

Nơi dự kiến xây đập cho dự án thủy điện Xayaburi ở Lào - Ảnh: Internationalrivers.org

Dự án đập Xayabury của Lào, một trong 12 dự án đập thủy điện trên dòng chính Mekong, đang trong giai đoạn tham vấn các nước liên quan là Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Tại Việt Nam, hội thảo đầu tiên lấy ý kiến các chính quyền địa phương, giới chuyên gia, nghiên cứu… đã được tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 1 năm nay. Theo đó, toàn bộ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều phản đối kế hoạch xây đập này.

Hiện đang có những tiếng nói khác nhau về tác động của con đập này tới môi trường, hệ sinh thái và sinh kế của các cộng đồng dân cư liên quan.

Ông Trương Hồng Tiến - chuyên viên văn phòng thường trực, Ủy ban sông Mekong Việt Nam - cho biết trong các quốc gia trong Ủy hội sông Mekong (MRC) thì Lào có lợi nhất từ đập Xayabury. Trong khi đó, lượng thủy sản của Việt Nam sẽ giảm từ 200.000 - 400.000 tấn/năm.

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: "Vì thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng nên chúng tôi sẽ kiến nghị lên Chính phủ để đề nghị Lào trì hoãn quyết định xây dựng đập Xayaburi" - Ảnh: H.Giang

Chủ trì cuộc họp tham vấn hôm nay tại Hạ Long, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Thái Lai khẳng định việc khai thác tài nguyên nước có tác động đến toàn bộ cộng đồng sinh sống ven dòng sông. "Các nhà đầu tư nói đập thủy điện chỉ sử dụng nước và sau đó là trả lại nước cho dòng sông nên không có tác hại; nhưng trên thực tế điều đó làm thay đổi chế độ dòng chảy sâu sắc… Nếu cộng lũy tích của 12 công trình thủy điện thì tác động sẽ rất nghiêm trọng".

Ông Trương Hồng Tiến cho biết trước đó, tại cuộc họp liên hợp của Ủy hội sông Mekong ngày 14-2, các đại biểu Campuchia lo ngại về tác động của đập Xayabury đến các cộng đồng ven sông và cho rằng thời gian tham vấn 6 tháng là quá ngắn.

Campuchia là nước ủng hộ đề xuất của các chuyên gia quốc tế đưa ra trong báo cáo Môi trường chiến lược là lùi việc xây đập thêm 10 năm nữa. Các đại biểu Thái Lan cũng cho rằng thông tin từ phía Lào cung cấp chưa đầy đủ, nhất là thiếu cụ thể về các tác động xuyên biên giới.

Hạn cuối để các nước thể hiện quan điểm chính thức là 22-4-2011.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết sẽ kiến nghị với chính phủ là đề nghị Lào tiếp tục cung cấp thông tin về dự án đập Xayabury.

Ủy ban sông Mekong Việt Nam sẽ kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế có kinh nghiệm giúp các nước hạ lưu sông Mekong đánh giá đầy đủ, chi tiết và toàn diện quy hoạch tổng thể thủy điện trên dòng chính, giao cho Ủy ban sông Mekong Việt Nam chủ động nghiên cứu các tác động từ các công trình này và trong khi thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng thì kiến nghị Lào trì hoãn ra quyết định xây dựng đập Xayabury.

Đập Xayabury khi được xây dựng sẽ có chiều dài 820m, cao 32,6m, diện tích ngập 49km2 và khả năng xả lũ thiết kế là 47.500m3/giây. Chủ đầu tư là Công ty TNHH SEAN & Ch. Karnchang Public của Thái Lan, bên mua điện sẽ chủ yếu là Thái Lan và một phần là cung cấp nhu cầu điện của Lào.

Nếu được khởi công theo đúng kế hoạch vào tháng 4 năm nay, đập Xayabury sẽ được vận hành từ năm 2019.

HƯƠNG GIANG

(TTO, 22/2/2011)

Lượt xem: 1451

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE