Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa phê duyệt quyết định phương án bảo vệ rừng gỗ quý, trong đó có những cây nghiến hơn 1.000 năm tuổi ở xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà.
Quyết định nêu rõ, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) là đơn vị tổ chức thực hiện phương án với mục tiêu quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng cây gỗ nghiến, gỗ trai hiện có; tạo môi trường thuận lợi để cây tái sinh và mở rộng phát triển rừng đối với cây nghiến, cây trai, các loài cây tự nhiên khác.
Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác bảo tồn và phát triển rừng gỗ nghiến, gỗ trai bền vững gắn với ổn định sinh kế cho đồng bào các dân tộc tại địa phương, tiến tới khai thác tiềm năng du lịch kết nối các điểm, khu vực tham quan trải nghiệm.
Đồng thời tăng cường ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác trái pháp luật các cây gỗ quý, hiếm, bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học, trong đó có cây nghiến di sản nghìn năm tuổi tại xã Cốc Ly, định hướng đến năm 2030 quy hoạch thành khu rừng đặc dụng bảo tồn loài - sinh cảnh.
Phương án quản lý, bảo vệ rừng cây gỗ nghiến, gỗ trai tại xã Cốc Ly có 3 nội dung trọng tâm gồm: Tổ chức quản lý bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng có cây gỗ nghiến, gỗ trai; Tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ rừng trong nhân dân; Xây dựng các trạm, chốt khu vực giáp ranh và bố trí lực lượng tuần tra, canh gác thường xuyên...
Dự kiến tổng mức đầu tư trong thời gian 5 năm là gần 2,6 tỷ đồng và thực hiện đầu tư trực tiếp cho nhân dân thông qua hợp đồng khoán bảo vệ rừng.
Từ cuối năm 2014, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao quyết định công nhận cây gỗ nghiến ngàn năm tuổi ở thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà là Cây Di sản Việt Nam.
Cây gỗ nghiến này thuộc quần thể 231 cây gỗ nghiến, gỗ trai tại thôn Cốc Sâm, có chu vi thân là 9,6 m, đường kính 3,1 m và chiều cao khoảng 45 m.
Đây là cây gỗ nghiến lớn nhất Việt Nam, có nguồn gen quý hiếm thuộc nhóm IIA, nằm trong khu vực rừng thờ cúng của cộng đồng dân cư thôn Cốc Sâm.
Phạm Ngọc Triển