(Vfej.vn)-Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề hiện nay giống như quả bom nguyên tử, có nơi nổ rồi, có nơi sắp nổ - đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) phát biểu tại phiên họp hôm nay, mùng 7/11, trong khuôn khổ Kỳ họp Thứ 2, Quốc hội Khóa XIII.
Ô nhiễm ngày càng trầm trọng
Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 1.320 làng nghề, hơn 3.220 làng có nghề, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho 11 triệu lao động. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng bên cạnh mặt tích cực, các khu kinh tế, làng nghề còn nhiều điểm bất cập như tận dụng đất ở làm nơi sản xuất kinh doanh, làng nghề xen kẽ khu dân cư, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính những người sống và làm việc ở làng nghề.
Cụ thể, tại các làng nghề, ô nhiễm nghiêm trọng tới mức hàm lượng bụi cao hơn 3 – 8 lần tiêu chuẩn cho phép, nước thải cao hơn 10 lần tiêu chuẩn cho phép. Chất thải rắn chưa được thu gom, xả bừa bãi gây ô nhiễm đất và nước.
“Môi trường ô nhiễm là đội quân virus hàng ngày hàng giờ tấn công vào con người”, đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) nói.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Nghệ An) cho biết số người mắc bệnh ở các làng nghề tăng cao, đặc biệt ở phụ nữ.
“Ở những làng nghề ô nhiễm cao, tuổi thọ trung bình giảm 10 năm so với những nơi không có làng nghề.” đại biểu Huỳnh Văn Tính nêu vấn đề.
Nghe báo cáo tại phiên họp toàn thể ở hội trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói song hành cùng sự tăng trưởng kinh tế, sự suy thoái môi trường đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Ông nêu thực trạng làng cốm nổi tiếng ở Hà Nội sử dụng phẩm màu độc hại, bỏ qua truyền thống thì còn gì là làng nghề nữa mà trở thành kinh doanh cốm.
Xử quá nhẹ
Các đại biểu cho rằng hình thức xử phạt còn nhẹ, dẫn đến tình trạng chủ đầu tư trốn tránh, gây hậu quả về môi trường.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho biết ô nhiễm môi trường ở các khu kinh tế, làng nghề đến mức báo động nhưng sự việc bị phát hiện và xử lý rất ít.
Theo đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), việc theo dõi không thường xuyên, xử phạt không nghiêm minh dẫn đến ô nhiễm làng nghề ngày càng trầm trọng.
Đại biểu Hiền cho rằng hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chưa chặt, thiếu tính đồng bộ, quy định còn chung chung trong khi việc xử lý chưa nghiêm minh là những nguyên nhân khiến ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.
“Năm 2011 có 1.728 vụ ô nhiễm, tăng 72% so với năm 2010 mà chỉ xử lý được 153 vụ, còn lại là phạt hành chính”, đại biểu Ly Kiều Vân (Quảng Trị) đồng tình, “Có vụ việc được phát hiện, được nhìn thấy nhưng có nơi làm ngơ, không xử lý nghiêm.”
Đồng tính với đại biểu Vân, Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) nêu việc xử lý các vụ vi phạm môi trường còn nhẹ, lạm dụng xử lý hành chính.
Theo đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang), nhiều cơ sở không cam kết bảo vệ môi trường, thậm chí có cũng chỉ là hình thức; môi trường không khí tại một số làng nghề ảnh hưởng đến các khu dân cư trong khi một số văn bản dưới luật bất cập, thiếu tính răn đe, dẫn đến môi trường ngày càng bị ô nhiễm.
Bế tắc khắp nơi
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nói môi trường làng nghề ngày càng ô nhiễm, nếu không có giải pháp các làng nghề sẽ gặp bế tắc trong việc phát triển, như vậy sẽ trả giá đắt.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), việc xây dựng các hạ tầng và hệ thống bảo vệ môi trường ở các khu kinh tế chưa đồng bộ, gây ô nhiễm cho khu dân cư và cộng đồng.
“Ngay ở Quảng Bình, vốn đầu tư bỏ ra để trả cho công nhân cũng đã khó nên doanh nghiệp không có điều kiện đầu tư kinh phí cải tạo môi trường trong khi vốn cho vay của nhà nước hạn hẹp.”, bà Phương nói.
“Có tư tưởng kêu gọi đầu tư nhằm tăng trưởng kinh tế mà xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường”, đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận), thẳng thắn, “Không thể thu hút đầu tư mà nơi lỏng các văn bản chính sách về môi trường”.
Có tình trạng là chủ đầu tư chuyển hướng về vùng sâu vùng xa để tránh bị kiểm tra về việc thực hiện bảo vệ môi trường.
Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) và Phạm Văn Tấn (Nghệ An) cho rằng văn bản được ban hành tương đối nhiều nhưng còn chồng chéo.
“Các văn bản pháp luật thiếu nhất quán, chồng chéo dẫn đến các ngành khó thực thi pháp luật”, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nói, “Trong khi đó các quy định mâu thuẫn đã tạo khe hở trong việc nhập phế liệu, nhập rác thải vào Việt Nam.”
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều làng nghề chưa chú trọng đến vấn đề môi trường dẫn đến ô nhiễm môi trường kéo dài. Vì vậy cần xây dựng các khu kinh tế, làng nghề theo hướng chiều sâu, quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường.
Phải dời làng nghề khỏi khu dân cư
Theo bà Vân, mỗi khu kinh tế cần có hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải, làm sao tái sử dụng nguồn nước. Cần xử lý mạnh những doanh nghiệp không làm tốt và khen thưởng thỏa đáng những doanh nghiệp làm tốt để họ thấy công bằng.
Đại biểu An kiến nghị Chính phủ cần quy hoạch tổng thể xử lý môi trường cho các khu kinh tế, tăng kiểm tra trong quá trình thi công và hậu kiểm tra. Đề nghị công bố công khai hình thức xử lý tại các khu kinh tế, ai sẽ xử lý.
Kinh phí cho bảo vệ môi trường còn khiêm tốn, phân tán do nhiều đầu mối quản lý, đại biểu Thu Anh nói.
Đại biểu Phạm Thị Mỹ Lệ (Bình Phước) cho rằng không nên quy hoạch các khu công nghiệp gần khu dân cư, cương quyết di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.
“Đình chỉ sản xuất những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, nếu không khắc phụ môi trường được ở mức độ tối đa sẽ đóng cửa”, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) thẳng thắn.
Nhiều đại biểu cho rằng các địa phương nên để cho người dân tại các khu vực có các khu kinh tế, làng nghề tham gia theo dõi, giám sát ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp.
Các đại biểu cũng đề nghị sớm sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường 2005 và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng đối với các khu kinh tế. Cần quy hoạch làng nghề, mức độ ô nhiễm của mỗi làng nghề, xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm của làng nghề.
Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đề nghị nên xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về ô nhiễm môi trường nói chung trong đó có xử lý môi trường làng nghề.
Ông Vẻ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có nghị quyết riêng về khu kinh tế, làng nghề; đánh giá lại tổng thể làng nghề gây ô nhiễm, không gây ô nhiễm. Đề nghị tăng kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường từ 1% hiện nay lên 2%.
Đại biểu Đặng Thành Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng nên có chính sách khuyến khích, ưu đãi những nơi làm tốt về môi trường nếu không môi trường ngày càng ô nhiễm, kinh phí ngày càng tốn kém.
Theo Báo cáo Môi trường Quốc gia 2008 - Môi trường làng nghề Việt Nam, ô nhiễm môi trường làng nghề làm gia tăng người mắc bệnh đang lao động và sinh sống tại chính làng nghề. Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
Ở nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh, nhất là nhóm người trong độ tuổi lao động đang có xu hướng tăng cao. Ở một số làng nghề có mức độ ô nhiễm cao, tuổi thọ trung bình giảm, thấp hơn đến 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và thấp hơn từ 5-10 năm so với làng không làm nghề.
Tại các làng sản xuất, tái chế kim loại, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số. Tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, nhiều bệnh tật gia tăng như bệnh phụ khoa (13-38%), bệnh về đường tiêu hóa (8-30%), bệnh viêm da (4,5-23%), bệnh đường hô hấp (6-18%), bệnh đau mắt (9-15%)…
|
Làng nghề ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng do thiếu quy hoạch (ảnh minh họa: internet)
Mạnh Cường
(VFEJ)