|
Mười mấy năm qua hơn 5.000 hộ dân Đồng Nai bám víu vào con sông Thị Vãi tìm kế sinh nhai, nhưng cũng ngần ấy năm họ đã sức cùng lực kiệt cùng với dòng sông chết dần theo mức độ đầu độc của Vedan. Ấy thế, khi biết đích thị kẻ gây ra thiệt hại cho mình, những người nông dân vẫn phải chịu nhiều gian truân khi đòi thủ phạm - Vedan bồi thường thiệt hại. Bị Vedan chây ì bồi thường, bị các cơ quan chức năng tư vấn theo “kịch bản”, nỗi bức xúc của người dân Đồng Nai như giọt nước tràn ly!
|
Đầu tư vào… cửa tử!
Sau khi Vedan ngưng xả thải ra môi trường, dòng sông Thị Vải có tín hiệu hồi sinh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa dám đầu tư nuôi trồng thủy sản trở lại vì cạn vốn. Chỉ một số ít người như ông Tư Lam ở ấp Phước Hòa, xã Long Phước mạnh dạn nuôi tôm, cá. Năm rồi đã thu lãi hơn 300 triệu. Giá không có những kẻ đầu độc môi trường như Vedan, thì nông dân ở đây đã giàu to chứ không phải vất vả như bây giờ, ông Lam nói. Ông dẫn chứng nhiều người đã phải bán đất, bán nhà, sổ đỏ bị cầm cố… chỉ vì nuôi tôm, nuôi cá liên tục thua lỗ.
Anh Hoàng Tiến Dũng, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, một trong hai nông dân Đồng Nai tiên đầu tiên đứng ra kiện Vedan, đưa chúng tôi đi thăm 8 ha ao nuôi tôm vừa mới cải tạo lại, thả được 2 lứa tôm đầu tiên. Anh tính với 8 ha ao tôm công nghiệp mà mỗi lần đầu tư, anh đã mất gần cả tỷ đồng, 3 vụ liên tiếp mất trắng, anh Dũng nợ ngân hàng gần 4 tỷ đồng. “Giờ còn phải tốn hàng trăm triệu cải tạo ao nuôi. Cũng ráng vay nóng vay nguội để sản xuất để trả nợ. Hơn nữa, nước không còn ô nhiễm, không thể bỏ ao hoang mãi được”, anh Dũng nói.
Tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, nơi có Nhà máy Vedan đóng chân, cả 1.800 nông dân đều chịu chung hậu quả từ việc công ty này xả thải, trong đó, 7 cơ sở nuôi trồng thủy sản lớn đều thiệt hại từ một đến vài tỷ đồng.
Điều đáng nói là ngay từ những ngày đầu, khi công ty Vedan thừa nhận mình là thủ phạm bức tử dòng sông Thị Vải, các cơ quan chức năng, Hội Nông dân Đồng Nai cũng đã sốt sắng phát phiếu yêu cầu nông dân thống kê thiệt hại, rồi cử người thay mặt nông dân đứng ra kiện Vedan. Bảng tính thiệt hại đã được nông dân kê khai, gửi về chính quyền và… đợi.
Tuy nhiên, Hội Nông dân Đồng Nai sau đó lại vận động nông dân nhận hỗ trợ, với mức hỗ trợ là 15 tỷ đồng, chứ không phải là bồi thường gần 120 tỷ đồng theo như xác định ban đầu. Anh Bùi Thể Phiêu, người có 2,5 ha ao nuôi tôm bức xúc: Hội Nông dân Đồng Nai đã “bỏ con bơ vơ giữa chợ”. Hơn 5.000 hộ dân thiệt hại, trong đó nhiều hộ phải bán đất, bán nhà, thậm chí bán con, mà con số hỗ trợ là 15 tỷ thì hết sức vô lý. Ở xã Phước Thái này, chỉ cần thống kê tại 3 hộ nuôi tôm công nghiệp lớn, thì con số thiệt hại đã hơn 15 tỷ rồi.
Không chỉ bức xúc vì chuyện bị vận động nhận tiền hỗ trợ vô lý, nhiều hộ dân còn rất ấm ức bởi đã không được mời trong buổi lấy ý kiến mới đây của Hội Nông dân Đồng Nai, để quyết định có kiện hay không kiện. “Trong hơn 5.000 hộ bị thiệt hại thì chỉ khoảng 3.00 hộ được mời lấy ý kiến. Họ chỉ mời những hộ đánh bắt nhỏ, người mò cua bắt ốc và không có thiệt hại hoặc thiệt hại không đáng kể”, ông Đỗ Bá Ngâm, một trong những nông dân may mắn được mời cho biết. Và cũng theo ông Ngâm: Ngay đầu buổi gặp mặt, đại diện hội nông dân đã nói chuyện không thể đi kiện, “dọa” kiện sẽ thua, sau đó vận động giơ tay biểu quyết nhận hỗ trợ, rồi ký vào biên bản. Tôi cùng một số người khác đã không biểu quyết, không ký biên bản. Chúng tôi đã khổ rồi, sao lại nói khó để ép chúng tôi vào đường cùng. Với cách làm này, chúng tôi không thể nín nhịn nữa, phải quyết kiện Vedan, ông Ngâm bức xúc.
Lần đầu tiên được tư vấn luật
Điều đáng nói là tại cuộc tiếp xúc với các luật sư và đại diện báo Đất Việt, cơ quan báo chí đầu tiên đứng ra hỗ trợ về mặt pháp lý cho nông dân khởi kiện Vedan, hầu hết nông dân đều rất tù mù về luật, về quy trình khiếu kiện. Hàng loạt câu hỏi được nông dân đặt ra các luật sự như: Kiện không xong ở Việt Nam thì có phải qua Đài Loan, nơi công ty mẹ của Vedan trú đóng hay không? Án phí ra làm sao, làm thế nào để xin giảm án phí? Đơn kiện viết thế nào? Gửi bản tường trình thiệt hại thay cho đơn kiện được không? Một số hộ dân còn cho biết, khi họ bị bỏ rơi, đã nhờ đến luật sư và Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai. Nhưng những người này buộc họ phải góp tiền để các luật sư lo “giấy tờ”, rồi khuyên không nên kiện(!?)
Vấn đề mà nhiều nông dân lo ngại nữa là các hóa đơn mua bán đã thất lạc, hoặc chỉ là ghi chép bằng sổ tay, thói quen mua bán hàng của nông dân đơn giản chỉ là thỏa thuận miệng chứ không có chứng từ… Chia sẻ với lo lắng này, nhiều đại lý cho biết, họ có thể xin lại liên gốc hóa đơn mua thức ăn cho tôm, tôm giống giúp nông dân từ các công ty. Nếu việc mua bán của những hộ dân không có hóa đơn có thể xin xác nhận lại từ người bán nay vẫn còn ở địa phương.
Nhiều hộ nông dân xã Phước Thái, khi nghe có cơ quan hỗ trợ pháp lý, hăm hở chuẩn bị hồ sơ, chứng cứ khởi kiện. Trong buổi chiều 16.7, nhiều người bất chấp trời mưa đã đến nhà ông Nguyễn Văn Long, một hộ nuôi tôm, cũng là cơ sở cung cấp thức ăn cho tôm của khu vực, để được các luật sư hướng dẫn làm đơn khởi kiện, thu thập chứng cứ chứng minh thiệt hại. Có người hồ sơ chứng cứ thiệt hại rất dày, nhiều giấy tờ từ những năm 1990 nay đã ố vàng. Trong đó, có những tờ đơn xin tạm ngưng kinh doanh nghề đóng đáy từ năm 1994 (năm Vedan bắt đầu hoạt động), trong đó cơ quan chức năng khi ấy chấp thuận với lý do “bị thiệt hại 90% bởi ảnh hưởng chất độc do nước thải công ty Vedan”.
Anh Bùi Hải Phiêu xúc động nói: “Sau gần 2 năm Vedan bị bắt quả tang xả thải trái phép, đầu độc sông Thị Vải, chúng tôi bị Hội Nông dân bỏ rơi giữa chừng, phải tự bơi để đi tìm công lý; đến nay nông dân chúng tôi mới được tư vấn, hướng dẫn cũng như giải đáp pháp luật! Với sự hướng dẫn tận tình, sáng tỏ này, chúng tôi sẽ không còn đơn độc, chúng tôi tin công lý luôn ủng hộ cái đúng. Bây giờ, nông dân Đồng Nai không chỉ có anh Dũng, anh Sơn khởi kiện, mà sẽ có nhiều hộ dân khác khởi kiện, dù Hội nông dân Đồng Nai có ủng hộ hay không”.
H. Linh - N. Ánh