Chợ hoa đón Tết tại miệt vườn sông nước đồng bằng sông Cửu Long.
(Ảnh Nguyễn Đăng)
Nhà báo Trần Thanh Phương viết cuốn địa chí Minh Hải có tổng kết rằng chiều dài của sông rạch Minh Hải (cũ) lên đến 10.250 km. Trong đó, Cà Mau đã chiếm 2/3 sông rạch Minh Hải với các con sông nổi tiếng: Sông Cái Lớn, sông Gành Hào, sông Bảy Háp, sông Đầm Dơi, sông Cái Tàu, sông Trèm Trẹm (còn gọi là sông Trẹm), sông Đầm Chim, sông Bạch Ngưu, kinh quảng lộ Phụng Hiệp, kinh Cà Mau-Bạc Liêu...
Cà Mau là đất mới, là bước chân cuối cùng của hành trình nam tiến mở mang bờ cõi của dân tộc ta, kéo dài đến ba, bốn trăm năm. Bắt đầu từ cuối thế kỷ 17, Mạc Cửu đưa dân Hà Tiên qua, để thành lập những làng xóm đầu tiên có tên trong địa bạ Nam kỳ như: Gành Hào, Sông Đốc, Thới Bình… trước đó thì làn sóng người Việt từ mạn ngoài vào xây dựng Cù Lao Phố, Đồng Nai-Gia Định, Sài Gòn-Bến Nghé… rồi từ đó tiến vào xây dựng nền văn minh miệt vườn ở Tiền Giang và 100 năm sau họ bơi xuồng qua sông Hậu để xuôi về miệt Hậu Giang và mũi Cà Mau mà khai phá, dựng nghiệp.
Cuộc đi chinh phục những miền đất mới ở Tây Nam Bộ rất đặc biệt, bởi vì đội quân ấy đa phần là tầng lớp sát đáy xã hội, nước mắt của họ tưới dài theo đường đi, khoác lên mình kiếp sống trôi nổi, tha phương cầu thực. Bởi vì không có người chỉ huy và di chuyển bằng một hình thức hết sức lạ lẫm: phổ biến là năm ba dân công rủ nhau lên chiếc xuồng mui kèm, đợi khi gió chướng sòng thổi, lúc mà đất trời Hậu Giang ngập hương lúa chín để xuôi về phương nam gặt mướn. Có người gặt xong vụ gặt, khi giáp Tết thì hồi cố quận, có người lại “cắm dùi” nơi đất mới mà khẩn hoang lập nghiệp. Có những chiếc ghe về Hậu Giang và Cà Mau còn chở theo một ít trái cây miệt vườn để bán làm chi phí đi đường. Sau đó việc mua bán ngày càng sầm uất, hình thành những chợ nổi trên sông rất đặc biệt ở miệt Hậu Giang như chợ Ngã Năm, Ngã Bảy… Thế cho nên người Cà Mau gọi họ bằng nhiều cái tên như: “bà con miệt vườn”, “dân gặt mướn” hay “khách thương hồ”… Đối với Cà Mau, họ là những “chiến sĩ” đứng gác trên đầu sóng ngọn gió để giữ “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”.
Những người khẩn hoang xưa đến Cà Mau đã dựa vào tài nguyên thiên nhiên của đất này mà sinh sống. Nhà văn Sơn Nam, nhà biên khảo viết về Cà Mau, Rạch Giá xưa, từng viết đại ý như sau: “Những người đi khai khẩn đất mới đã chọn những vùng đất cao ráo, tại các vàm sông - nơi đầu mối thủy lợi để tiện giao thông thương mại và lấy nước xổ phèn mà trồng lúa…”. Đây là một cái nhìn đúng, phản ánh một nhận định chung cho miệt Hậu Giang. Thuở tiền khẩn hoang cho đến đầu thế kỷ 20, ở Cà Mau không có phương tiện cơ giới dân dụng như xe và do đó cả lộ xe cũng không có. Người Cà Mau di chuyển chủ yếu bằng đường thủy. Dân gian Cà Mau xưa có câu rằng: “không có chiếc xuồng như chặt cái chân”. Chính vì thế, để thuận tiện cho giao thông thương mại, dân khẩn hoang Cà Mau xưa đã chọn những cuộc đất nằm ven trục sông rạch mà sinh sống. Ngày nay, dù ta đã thiết kế một mạng lưới giao thông đường bộ khá dày đặc nhưng thực chất cũng đi theo tập quán cư trú thủy lộ cũ, đa số nhà dân vẫn nằm trên thủy lộ. Họ chỉ quay mặt nhà lại cho phù hợp với đời sống di chuyển chủ yếu bằng đường bộ của ngày nay.
Có một đặc điểm nữa lôi kéo dân khẩn hoang về cư ngụ tại đôi bờ sông rạch là vì Cà Mau có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên của rừng, biển, sông rạch, họ ở đó để thuận tiện khai thác đánh bắt lâm, thủy, hải sản. Từ những xóm nhà nhỏ ven sông này họ bơi xuồng ra sông Biện Nhị, Cái Tàu, sông Trẹm… để cắm câu, giăng lưới hay vào rừng U Minh để đặt trúm, ăn ong, đốn tràm. Từ vài người khẩn hoang xưa lên bờ cất chòi khai phá rồi hình thành làng xóm trên những dòng sông kênh rạch khắp đất Cà Mau. Theo đó, tại các triền sông, làng xóm cũng mọc lên với những tên gọi mộc mạc gắn với những nghề nghiệp sinh nhai nơi đất mới như xóm chài, xóm đáy, xóm câu… Các triền sông hoang vắng bỗng trở nên đông vui, đầy hồn phách khi có ngọn lửa của đời sống con người phả vào. Và cũng từ đó những sản phẩm đặc trưng của vùng đất như: Ba khía Gạch Gốc, cá lóc U Minh, khô bổi Tân Bằng, than đước Năm Căn, tôm khô Cà Mau ra đời. Đó là bản sắc văn hóa của Cà Mau được xây dựng từ các làng xóm triền sông ấy.
Nguyễn Chiến, Tổng Biên tập Báo Cà Mau đưa chúng tôi đi chơi sông Trẹm, Thới Bình. Tôi bồi hồi. Cách đây 20 năm, sông Trẹm trong mắt tôi là một dòng sông lững lờ với mầu nước đỏ đặc trưng của U Minh. Trên mặt sông rợp xanh rong đuôi chồn và điểm xuyết những đóa hoa súng đồng có mầu trắng tinh khiết và mầu tím u buồn. Nó làm cho sông Trẹm man mác buồn trong những buổi chiều tàn, cho nên nó gợi thương gợi nhớ, nó làm nên cái sâu thẳm vấn vương của sông Trẹm. Giờ đây trước mắt tôi vẫn là một dòng sông với tên gọi cũ mà trống vắng đến vô cùng. Sở dĩ sông Trẹm đổi thay, là bởi người ta xổ nước mặn vào các vùng phụ cận để nuôi tôm. Ngày xưa sông Trẹm quanh năm nước ngọt thì nay 6 tháng mùa khô nước sông Trẹm mặn chát. Cái chát mặn ấy đã hủy diệt toàn bộ hệ sinh thái ngọt của con sông. Không chỉ có cây cỏ, mà cá đồng ở sông Trẹm có nguồn gốc từ rừng U Minh giờ cũng không còn bao nhiêu nữa.
Không biết có ai đã từng tính toán đến sự thiệt hơn của kinh tế nước mặn và nước ngọt ở vùng bán đảo Cà Mau này chưa nhỉ? Riêng tôi thì thấy nước mặn đã lấy dần bản sắc Cà Mau, lấy dần những ký ức đẹp về quê cha đất mẹ của thế hệ sau này. Chính vì thế mà lớp người sau này nhạt dần với những dòng sông. Có lẽ vì thế mà vài chục năm qua có một phong trào quay mặt nhà lên lộ xe hay bỏ sông lên lộ của cư dân triền sông.
Sông rạch là quê hương của hàng triệu cư dân triền sông. Khi các dòng sông ấy không còn nguồn lợi thủy sản và sinh cảnh, sinh thái đặc trưng - những thứ thắp lửa, hun đúc nên tình yêu quê hương thì thứ tình yêu ấy sẽ nhạt nhòa, bởi con sông quê hương không còn gì để nhớ. Hãy làm gì để ta lại được nghe khúc hát của những dòng sông gắn với lịch sử chinh phục những miền đất mới của tổ tiên và giữ cho môi trường sống trong lành, yên vui.
Tùy bút của Phan Trung Nghĩa