DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG
Không thể “bê nguyên” cách quản lý đất liền ra biển
Thứ Năm, 27/10/2011 | 07:36:00 AM
Dù khẳng định biển có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, song đến nay Việt Nam chưa có quy hoạch khai thác sử dụng biển và hải đảo theo đúng nghĩa của nó...
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam trao đổi với phóng viên Đất Việt
|
Trồng rau trên đảo Trường Sa (Ảnh: Trung Kiên) |
-Thưa ông, chúng ta đã có nhiều bản quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội ngành và địa phương nhưng nói về quy hoạch khai thác, sử dụng biển và hải đảo xem ra vẫn còn rất mới?
- Đúng vậy. Dù chúng ta biết rằng biển có nhiều nguồn lợi, có tiềm năng vị thế cho phát triển và là không gian sinh tồn của dân tộc, giống như nhà có mảnh đất hướng ra mặt đường/vỉa hè, biển còn giúp người dân có “của ăn của để”, nên không thể tiếp cận theo kiểu tư duy “đời cha ăn mặn đời con khát nước” được. Vì vậy, khai thác biển phải tính đến chuyện đầu tư lâu dài, đầu tư đúng tầm thì mới có hiệu quả.
Tuy nhiên, lâu nay chúng ta vẫn quan niệm, nhìn nhận vấn đề quản lý biển theo kiểu “điền tư, ngư chung”. Vì tài nguyên biển tồn tại dưới dạng các hệ thống tài nguyên “chia sẻ”, tiền đề cho phát triển đa ngành, đa mục tiêu, không thể nói hệ thống tài nguyên biển như vậy là của một ngành nào riêng rẽ.
Ví dụ, trong một khu vực biển thường có: không gian mặt nước biển (theo mặt rộng), khối nước biển (nguồn lợi thủy sản thủy phân tầng theo độ sâu), bề mặt đáy biển (vật liệu xây dựng, bùn khoáng, kết hạch quặng đa kim,…), lòng đất dưới đáy biển (dầu khí, khoáng sản khác,…), bản thân nước biển cũng là một dạng nguồn lợi,…
Nói cách khác, do nguồn lợi biển phân bố theo không gian ba chiều như vậy, nên trong thực tế các hệ thống tài nguyên biển đang được nhiều ngành cùng khai thác và sử dụng đa mục tiêu, trong quá trình khai thác thường xảy ra mâu thuẫn về lợi ích, đôi khi cạnh tranh quyết liệt. Cho nên việc khai thác, sử dụng và quản lý biển phải theo cách thức khác quản lý đất đai trên đất liền, lại càng không thể “bê nguyên” cách quản lý đất liền ra biển. Biển phải được quản lý theo không gian, theo cách tiếp cận tổng hợp để đạt mục tiêu quản lý thống nhất về mặt nhà nước.
Nếu như để quản lý đất đai, một trong những công cụ quan trọng là quy hoạch sử dụng đất (land-use planning) để phân bổ quỹ đất (diện tích) cho các ngành/địa phương tiến hành quy hoạch phát triển KT-XH ngành/ địa phương, thì dưới biển người ta cũng tiến hành quy hoạch khai thác, sử dụng biển (sea-use planning) để phân chia các mảng không gian (không phải chỉ diện tích bề mặt nước biển) cho các ngành/địa phương quy hoạch phát triển KH-XH biển cho các kế hoạch dài hạn/trung hạn.
|
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam. (Ảnh: B.N) |
-Thế nhưng chúng ta đã làm được điều này chưa, thưa phó giáo sư?
- Thực chất là chúng ta chưa làm được. Dưới biển hiện nay không ai nói gì đến quy hoạch kiểu này. Hiện chỉ có các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành (thủy sản, du lịch,…), quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể theo vùng (ven biển, đảo,…) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và vẫn thiếu quy hoạch khai thác, sử dụng biển nói trên. Loại quy hoạch này chính là nội hàm của “quy hoạch sử dụng không gian biển” (marine spatial planning - MSP) mà Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang được giao chủ trì thực hiện.
Quy hoạch không gian biển tiến hành dựa trên nguyên tắc quản lý dựa vào hệ sinh thái và quản lý thích ứng, linh hoạt và có thể định kỳ điều chỉnh. Lấy hệ sinh thái làm nền tảng cho tính bền vững, làm cơ sở cho sự phát triển dài lâu.
Giống như chăm sóc một cây ăn quả, có bảo toàn được bộ rễ (các hệ sinh thái) thì mới có các thành tựu kinh tế lâu dài (có quản mà hái mãi). Làm tốt quy hoạch không gian biển như vậy sẽ giúp các ngành/địa phương điều chỉnh lại quy hoạch phát triển KT-XH của ngành/địa phương mình cho phù hợp và bảo đảm phát triển bền vững biển, vùng ven biển và hải đảo; hài hòa lợi ích phát triển của các ngành/địa phương và giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trogn khai thác ,sử dụng các hệ thống tài nguyên biển (các mảng không gian biển).
- Để làm được điều đó chúng ta phải định giá được mình đang có gì chứ?
- Đúng vậy, để quy hoạch khai thác, sử dụng biển, đảo trước hết phải đánh giá lại thực trạng khai thác biển, đảo hiện nay; đánh giá lại nền tảng tài nguyên, bản chất hệ sinh thái, tiềm năng tài nguyên, mâu thuẫn trong sử dụng ở vùng biển quy hoạch. Đánh giá so sánh để thấy được hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của việc khai thác, sử dụng biển, đảo. Trên cơ sở đó tìm ra “khoảng cách” giữa hiện tại và nhu cầu khai thác, sử dụng vùng này trong tương lai; xác định nguyên nhân chính. Từ đó thấy được nếu khai thác tối ưu phải có giải pháp gì để điều chỉnh.
Đây là quy hoạch mang tính liên ngành nên đòi hỏi ngay từ đầu cần có sự vào cuộc, tham gia của nhiều cơ quan. Trong đó có các quan khoa học về biển, về đất (lãnh thổ),…Phải cân nhắc xem mỗi vùng biển có giá trị trước mắt là gì, lâu dài là gì, vai trò của từng hệ thống tài nguyên như thế nào,…
Đặc biệt phải áp dụng thử nghiệm, xác định “vị trí pháp lý” của loại quy hoạch này trong hệ thống quy hoạch ở Việt Nam và chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên ngành. Theo tinh thần đó Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang triển khai thử ở vùng bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng với sự trợ giúp kỹ thuật của Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA) và hỗ trợ vốn đối ứng của Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Cơ quan quản lý về biển đã thấy được vai trò của bản quy hoạch, vậy thời gian nào sẽ có thưa ông?
- Bản quy hoạch này đúng ra phải có ngay để phù hợp với quy hoạch phát triển của đất nước trong từng giai đoạn. Chúng ta vừa kết thúc thực hiện kế hoạch 10 năm phát triển kinh tế - xã hội, đã có nghị quyết của Đảng lần thứ 11 cho kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020, đúng ra quy hoạch biển nói trên phải có từ trước đây 2 năm và đến năm 2011 phải được cấp có thẩm quyền (Chính phủ) phê duyệt và từ năm 2011 bước vào giai đoạn thực hiện quy hoạch. Thế nhưng đến giờ mới bắt đầu làm và như vậy có giỏi thì 2 năm nữa mới “trình làng” được.
Thậm chí quy hoạch xong rồi, phụ thuộc chất lượng khi trình cũng chưa chắc đã được duyệt để đưa vào sử dụng được ngay như mong muốn chủ quan của người làm quy hoạch. Tôi cho rằng đây cũng là câu chuyện nan giải với công tác quản lý nhà nước về biển hiện nay và thời gian tới.
- Ông đánh giá về những “nan giải” này như thế nào?
- Thứ nhất đây là vấn đề mới quá, thứ hai cũng thiếu các chuyên gia giỏi về quy hoạch biển, thứ ba đây là vấn đề đụng vào lợi ích trước mắt của quá nhiều ngành thì ắt sẽ có nhiều ý kiến khác nhau. “Lắm thầy nhiều ma”, khi đó ai cũng có thể nói được vào quy hoạch này và sẽ là cái vướng của Việt Nam.
Một điều nữa, nguồn lực cho quy hoạch biển cũng hạn chế so với các quy hoạch khác do quy hoạch này đến nay chưa có trong hệ thống các quy hoạch quốc gia (cả về tên gọi lẫn vị trí pháp lý). Một điều khá quan trọng đó là vốn liếng về tư liệu, thông tin đầu vào phục vụ không có sẵn, thiếu tính hệ thống.
Nếu muốn bổ sung lại gặp khó khăn về phương tiện và thiết bị để chuẩn hóa tài liệu điều tra, khảo sát. Như vậy 2 năm nữa giả sử quy hoạch xong, nếu Thủ tướng duyệt vào năm 2013 thì thời gian thực hiện quy hoạch bị rút ngắn lại do độ khó và độ trễ về trình độ và tài chính. Quy hoạch là hành động phải đi trước một bước so với quá trình đầu tư phát triển. Còn đi sau như để phải “đền bù giải tỏa” thì thực sự sẽ khoogn hiệu quả, lỗ vốn.
|
Đảo Song Tử Tây 3 (Ảnh: Trung Kiên) |
Thêm nữa quản lý nhà nước về biển đã là vấn đề mới, đụng vào vấn đề kỹ thuật như quy hoạch sử dụng biển lại còn mới hơn. Lực lượng chuyên gia làm quy hoạch chưa sát về chuyên môn, chưa có kinh nghiệm và nói đúng hơn là họ chưa phải là những nhà quy hoạch thực thụ, chưa từng làm quy hoạch. Cách làm quy hoạch của biển lại đụng đến nhiều chủ thể quản lý nên phải ngồi lại bàn với nhau, tìm được tiếng nói đồng thuận đã là khó. Nếu không đồng thuận lợi ích sẽ khó chia sẻ.
- Vậy đến nay việc “ngồi lại” đã thực hiện được đến đâu thưa ông?
- Việc này vẫn chưa làm được. Hiện mới qua giai đoạn viết xong bản đề cương dự án để xin tiền làm quy hoạch. Dự án được duyệt mới thu thập số liệu, khi đó mới bắt đầu làm. Như tôi đã nói, có giỏi thì 2 năm mới làm xong. Để Thủ tướng phê duyệt được có khi mất 5 năm, nên đôi khi chỉ còn thực hiện 4-5 năm đối với quy hoạch 10 năm.
Kinh nghiệm tôi tham gia làm một số quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2010 cho thấy như vậy. Ở nước ta, ai cũng thấy/nói công tác quy hoạch là hết sức quan trọng và có ý nghĩa quyết định ở tầm chiến lược, nhưng trên thực tế quan tâm đầu tư cho công tác này một cách căn cơ lại không như mong đợi. Hy vọng là với quy hoạch khai thác, sử dụng biển sẽ có bài học từ việc này và sử dụng thành coogn lợi thế của người đi sau.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(ĐVO)
Bích Ngọc (thực hiện
Lượt xem: 1387
Các tin khác
Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng (23/12/2024 06:20:AM)
Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô (16/12/2024 06:57:AM)
Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh (11/12/2024 09:30:AM)
Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu (18/11/2024 08:37:AM)
Tìm tiền carbon cho cây lúa (13/11/2024 08:51:AM)
COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua (05/11/2024 06:53:AM)
Tăng tốc năng lượng tái tạo (21/10/2024 08:54:AM)
Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050 (18/10/2024 08:29:AM)
Người tiêu dùng Net Zero (30/09/2024 06:12:AM)