quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Không thể thiếu quy hoạch không gian biển

Thứ Sáu, 17/06/2011 | 01:59:00 PM

Thế kỷ 21, các dân tộc đua nhau ra biển, giành giật lợi ích từ biển. Việt Nam phải làm gì khi năng lực quản lý và khai thác tài nguyên biển còn hạn chế? TBKTSG đã phỏng vấn ông Nguyễn Chu Hồi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Ông Nguyễn Chu Hồi.

Quang Chung thực hiện

TBKTSG: Thưa ông, bốn năm, kể từ khi có chiến lược biển, chúng ta đã làm được những gì để thay đổi cách thức quản lý và phát triển kinh tế biển?

- Ông Nguyễn Chu Hồi: Thực hiện Chiến lược biển đến năm 2020 Chính phủ đã ban hành Quyết định 47 (Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến 2010, tầm nhìn đến 2020), Nghị định 25 (Quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo)...; đồng thời, các bộ ngành cũng đưa ra 40 chương trình hành động như: quy hoạch xây dựng tuyến đường ven biển, hình thành 15 khu kinh tế hướng biển, 16 khu bảo tồn sinh thái biển, phát triển nghề cá... Hàng ngàn tỉ đồng đã được đầu tư vào các dự án, nhưng vì nhiều lý do, các khu kinh tế hướng biển vẫn èo uột, quy hoạch không gian biển vẫn chưa xong, cơ sở dữ liệu biển quốc gia vẫn chưa có...

TBKTSG: Vậy, làm thế nào để “đến năm 2020 kinh tế biển sẽ chiếm 53-55% GDP” như mục tiêu chiến lược biển đề ra?

- Hiện giờ, kinh tế biển của Việt Nam chiếm hơn 20% GDP nhưng cách tính GDP của chúng ta còn mập mờ, chưa rõ ràng. Theo tôi, nếu tính toán đúng, mục tiêu kinh tế biển chiếm 53-55% GDP sẽ khó đạt được vào năm 2020. Vì, mục tiêu đó chỉ mới thể hiện ý chí chính trị của một quốc gia; trong khi cái chúng ta cần là các chính sách rõ ràng và một thể chế kinh tế phù hợp cho kinh tế biển phát triển.

TBKTSG: Phải chăng ông muốn nói đến một hành lang pháp lý rõ ràng cho các hoạt động quản lý, khai thác và bảo vệ biển?

- Đúng vậy. Hiện nay, về lý thuyết, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có nhiệm vụ thống nhất quản lý về biển đảo. Thế nhưng, trên thực tế, đang có đến 15 bộ, ngành tham gia quản lý biển. Dù được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý nhưng vì “vai vế” thấp nên Tổng cục Biển và Hải đảo rất khó khăn khi yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cung cấp thông tin! Cụ thể trong trường hợp lập cơ sở dữ liệu biển quốc gia chẳng hạn, do có nhiều cơ quan nghiên cứu - theo những dự án riêng lẻ - nên việc thu thập số liệu gặp khó và không đồng bộ.

Cho nên, việc ban hành một bộ luật về biển là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nó cho phép chúng ta có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong vấn đề quy hoạch, quản lý, khai thác và bảo vệ biển. Khi có một hành lang pháp lý hoàn thiện cùng một thể chế kinh tế hiện đại sẽ tạo tiền đề cho một phương thức quản lý biển tổng hợp, một nền khoa học công nghệ biển tiên tiến phát triển, và một nền kinh tế biển hiệu quả.

TBKTSG: Tại diễn đàn Kinh tế biển Việt Nam 2011 vừa diễn ra tại Nha Trang, một chuyên gia quốc tế về quy hoạch không gian biển, ông Evan Ward Fox, cho rằng để phát triển kinh tế biển hiệu quả Việt Nam cần gấp rút quy hoạch không gian biển và vùng bờ trong chiến lược phát triển chung của quốc gia. Là cơ quan quản lý nhà nước về biển, ông nghĩ gì về nhận định này?

- Phát triển kinh tế biển theo không gian là cách tiếp cận hiện đại. Quy hoạch không gian phát triển kinh tế biển sẽ giúp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên biển, ngăn chặn sự chồng chéo do các cách sử dụng đối kháng nhau. Ví dụ như cùng một vùng biển vừa có tiềm năng hàng hải, vừa có tài nguyên dầu khí và vừa có tiềm năng về đa dạng sinh học... thì ưu tiên chọn khai thác phát triển nguồn tài nguyên nào cần phải được quy hoạch rõ ràng.

Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển kinh tế biển trong nhiều lĩnh vực nên quá trình quy hoạch không gian biển cần phải có sự phối hợp, cân nhắc lợi ích các bên liên quan - dựa trên cơ sở khoa học (phải tính đến cách sử dụng tiềm năng trong tương lai, bảo vệ môi trường, thay đổi khí hậu...). Tuy nhiên, trong lĩnh vực quy hoạch không gian biển, Việt Nam chưa có chuyên gia. Dễ thấy là hai năm qua chúng ta vẫn chưa viết xong đề cương cho đồ án quy hoạch này.

TBKTSG: Thiếu chuyên gia, sao ta không thuê tư vấn nước ngoài?

- Chúng tôi đang làm thí điểm ở Quảng Ninh và Hải Phòng - lập quy hoạch sử dụng không gian vùng bờ ở hai tỉnh này - với sự hỗ trợ của Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển Hoa Kỳ. Thực sự đây là vấn đề mới, quy hoạch không gian biển chưa nằm trong hệ thống các loại quy hoạch do Việt Nam quy định nên Tổng cục Biển và Hải đảo sẽ thực hiện từng bước. Ý kiến đề xuất về việc thuê các công ty tư vấn hàng đầu thế giới (tổ chức thi tuyển, đấu thầu quốc tế) tham gia lập quy hoạch không gian biển Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, để làm được điều này chúng ta cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý.

TBKTSG: Trong khi chờ hành lang pháp lý và quy hoạch không gian biển thì không gian biển của ta đang bị Trung Quốc xâm phạm?

- Năm 2010, Việt Nam có dự án tìm kiếm băng cháy ở biển Đông nhưng vì Trung Quốc gây hấn nên các đối tác của Việt Nam còn chần chừ... Cho nên, ngoài thăm dò khai thác dầu khí, vận chuyển hàng hải, trong các lĩnh vực kinh tế biển, ngư dân là lực lượng đặc thù phải bám biển, hoạt động trên diện rộng trong toàn bộ các vùng biển chủ quyền lãnh thổ. Đây là lực lượng không thể thay thế được vì vậy, theo tôi, Nhà nước cần có những chính sách ưu tiên hơn cho ngư dân.

Việt Nam không thể khai thác biển tốt nếu không khẳng định được sự hiện diện của mình trên đại dương với tư cách là một thực lực, tốt nhất là trong tư cách của một cường quốc biển. Mọi lời tuyên bố về chủ quyền chỉ mang lại lợi ích thực tế cho quốc gia khi nó gắn liền với thực lực và thông qua sự hiện diện sức mạnh quốc gia thực tế tại vùng có chủ quyền.

Theo logic đó, để khẳng định chủ quyền biển thực sự, Việt Nam phải có các hạm đội tàu lớn và có các doanh nghiệp kinh tế biển mạnh. Muốn vậy, trong điều kiện hiện tại Việt Nam cần phát triển ngành vận tải biển (cảng và hàng hải). Phát triển ngành công nghiệp đóng tàu tuy không phải là điều kiện bắt buộc để phát triển ngành vận tải biển, song trong bối cảnh hiện đại, Việt Nam có thể làm điều đó một cách hiệu quả (nhưng không theo kiểu Vinashin). Đồng thời, cả hệ thống kinh tế “mặt tiền” - đô thị biển và du lịch biển (bờ, biển, đảo) - cũng phải phát triển mạnh.

Nhưng để có sự hiện diện thực chất đó, chúng ta còn phải có nhiều thứ khác - nền khoa học và công nghệ biển tiên tiến, nguồn nhân lực tốt, các cảng biển tầm cỡ và các khu kinh tế biển mạnh, có sức cạnh tranh và hấp dẫn quốc tế mạnh.

TS. Trần Đình Thiên

(TB KTSG)

Lượt xem: 2467

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE