Ai đã từng một lần chứng kiến cảnh hút mật gấu thì đều lấy làm thương cảm. Con gấu dĩ nhiên không cùng đồng loại với chúng ta, nhưng cái cảnh nó bị đánh thuốc mê ngất lịm, nằm trơ trọi bất lực mặc con người chọc xi-lanh vào sâu trong ngực, xuyên vào túi mật để hút... quả là quá sốc. Mật gấu được coi là một vị thuốc bổ. Tay gấu cũng được coi là một vị thuốc, một món đặc sản cực cao cấp. Rồi da gấu cũng là thứ đắt giá. Nói chung, các bộ phận trên cơ thể con gấu đều được con người tận dụng, mang tính chất kinh doanh. Chính vì thế, loài gấu bị săn đuổi, bị bắn hạ, bị giết thịt. Cũng như không ít loài động vật hoang dã khác, số phận loài gấu đã ở mức báo động. Mà cũng chính vì thế, nó được cứu hộ, được bảo tồn. Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại Tam Đảo được mở ra cũng là nằm trong nỗ lực ấy.
Gần đây, không ít cá nhân đã đầu tư xây dựng những khu chuồng nuôi gấu, cũng không nằm ngoài mục đích hút mật kinh doanh, chứ không hẳn là để bảo tồn gấu. Cho nên, kể cả việc người ta nuôi nó đi chăng nữa thì cũng không phải là để nó sinh sôi nảy nở, mà chỉ đơn thuần kiếm lợi cho mình. Vì thế nếu thực sự bảo vệ gấu thì chỉ có thể là Nhà nước đứng ra thì tình thế mới thay đổi.
Từ chuyện số phận loài gấu đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, lại nghĩ đến những loài động vật hoang dã khác trên đất nước này. Liên tục nhiều chục năm các cánh rừng bị triệt hạ không chỉ khiến đồi núi trơ trụi mà còn làm cho ngôi nhà tự nhiên của tất cả các loài động vật hoang dã, chim muông, côn trùng mất đất sống. Nhiều loài động vật cực quý hiếm dần biến mất. Con tê giác Java cuối cùng (tê giác một sừng) ở rừng Nam Cát Tiên cũng đã biến mất. Rồi là những đàn voi, những bầy hổ cũng thưa thớt dần. Tới Bản Đôn cũng khó thấy voi. Voi và hổ được đưa vào các công viên như những hiện vật trưng bày; được huấn luyện để làm xiếc mua vui cho con người. Không ít người dân sống gần rừng cho rằng động vật trong rừng là của trời cho, nên mặc nhiên đặt bẫy, săn bắn làm thức ăn, thừa ra thì bán lấy tiền mua sắm các đồ gia dụng. Nhưng khiếp hãi hơn là những tay thợ săn chuyên nghiệp, trang bị súng và các công cụ phụ trợ hiện đại luồn sâu vào rừng rậm, theo dấu chân của các loài thú, lần đến tận hang của chúng để tận diệt. Cả những con thú đã trưởng thành lẫn những con còn non dại cũng đều gục ngã trước mũi súng của cánh thợ săn. Luật pháp vốn nghiêm minh, nhưng do người thực thi không nghiêm- chưa kể đến chuyện bắt tay, nhận hối lộ của kẻ phạm pháp- nên nạn săn bắn, giết mổ, buôn bán động vật hoang dã vẫn diễn ra. Còn nhớ cách đây chưa lâu, lực lượng chức năng đã phát hiện cả những lò nấu cao hổ ngay tại quận Đống Đa (Hà Nội). Cũng tại Hà Nội, người ta vẫn dễ dàng tìm được địa chỉ bán cao hổ; các quán rượu dân tộc vẫn có rượu hổ. Như vậy có nghĩa là động vật hoang dã, nhất là những loài quý hiếm vẫn tiếp tục bị giết.
Khái niệm cân bằng sinh thái được nhắc tới thường xuyên, nhưng trên thực tế thì sự mất cân bằng ấy vẫn tiếp tục bị phá vỡ. Trong lĩnh vực liên quan đến động vật hoang dã thì cũng đủ để chứng minh điều đó. Chúng ta lo mất cân bằng sinh thái, từ đó dẫn đến môi trường tự nhiên biến đổi ảnh hưởng tới cuộc sống con người; nhưng vẫn còn đó những hành động tàn phá thiên nhiên, sát hại động vật hoang dã, kể cả việc "tranh đất” với chúng.
Quay lại câu chuyện Đề án xin kinh phí 45 tỉ đồng của lãnh đạo Vườn Quốc gia Tam Đảo trình lên Bộ NN&PTNT và Tổng cục Lâm nghiệp, mang tên "Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Tam Đảo”, tại thung lũng Chắt Dậu, nơi đang có Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, thực chất xây dựng gì thì chưa rõ. Khi thông tin loang ra, nhiều người lo ngại, lên tiếng phản đối, kể cả nhiều tổ chức nước ngoài. Đáng chú ý có ý kiến của ông Tuấn Bendixsen, đồng Giám đốc Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, phải chăng việc di dời này nhằm mục đích lấy đất cho các công trình du lịch. Tam Đảo rất đẹp, khí hậu lý tưởng, lại gần Hà Nội nên du lịch ở đây phát triển mạnh với hệ thống nhà nghỉ rất hùng hậu. Có phải vì thế mà đã đến lúc gấu phải nhường đất cho người làm du lịch?
Trong rừng thẳm non cao, cùng với nhiều loài thú khác, gấu bị sắn bắn tận diệt; còn ở trung tâm cứu hộ chúng lại bị di dời. Thật là không chốn nương thân. Nếu chỉ vì mục đích trước mắt, vì lợi nhuận mà cố tình quên giá trị của từng sinh vật trên trái đất, thì rồi hành tinh sẽ quạnh quẽ, ngày càng lắm ẩn họa. Và nếu như Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam bị dời đi, thì phải chăng chúng ta lại phủ nhận những nỗ lực bảo tồn của chính mình - chí ít là từ năm 2006 - khi Trung tâm được dựng lên.
NAM VIỆT
|