Rừng bị tàn phá ảnh hưởng nghiêm trọng
đến môi trường sống của con người lẫn động, thực vật trong rừng
Ảnh: Quốc Anh
Trước hết hãy nói về rừng.
Việt Nam ta vốn là quốc gia rừng vàng biển bạc. Rừng và biển cũng những cánh đồng phì nhiêu nuôi sống dân tộc này. Tuy nhiên, do sự khai thác quá mức, vô kế hoạch cũng như nạn lâm tặc hoành hành nên diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. Có nhiều địa phương miền núi, vốn chỉ có núi rừng, thì nay cũng đã "hoàn thành kế hoạch phá rừng”, đi đâu cũng thấy những quả đồi ngọn núi xác xơ, trơ trụi. Đã thế, nguy hiểm hơn còn là sự phá rừng đầu nguồn, khiến cho công tác phòng hộ mùa lũ lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Nước thượng nguồn cứ theo các dòng suối mà ào ào đổ về, không được ngăn lại vì cây rừng đã mất, nên hậu quả đối với những nơi nó đi qua mà đặc biệt là hạ du là vô cùng lớn. Đau lòng hơn, những khi lũ về, gỗ của đám lâm tặc chặt hạ để trong rừng chưa kịp vận chuyển theo dòng nước xiết lao xuống dưới xuôi. Người dân theo nhau lao vào dòng nước lũ để "mót” gỗ, có người bị nước cuốn trôi mất xác.
Rừng bị tàn phá ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của con người lẫn động, thực vật trong rừng. Nhiều loại gỗ quý biến mất. Thảm thực vực gặp thảm họa. Nhiều loài động vật hoang dã không còn đất sống, không còn nguồn thức ăn; phần thì bị con người sắn bắn, phần thì đói khát mà chết. Ngay đến các loài chim cũng không có chỗ đậu, phải "bỏ xứ” mà đi. Trước đây, Việt Nam được coi là ga đỗ cho những đàn chim từ rất nhiều quốc gia di trú, thì nay chim muông của chúng ta lại phải "di cư” sang nơi khác. Danh sách các loài động, thực vật nối đuôi nhau vào Sách Đỏ báo động về sự tuyệt diệt ngày một dài thêm. Đó là điều rất đau lòng
Đã thế, việc trồng mới lại rừng không hoàn thành. Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng được kỳ vọng rất nhiều nhưng trên thực tế mức độ che phủ của rừng vẫn không đạt yêu cầu (40%). Nhiều doanh nghiệp được giao trồng rừng nhưng lại... khai thác rừng, có doanh nghiệp còn biến đất rừng được giao thành địa điểm tham quan du lịch, kể cả làm khu nghỉ dưỡng cao cấp. Công tác bảo vệ rừng chưa nghiêm, các vụ lâm tặc triệt hạ rừng vẫn diễn ra hàng ngày, các vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm cũng diễn ra thường xuyên. Những vụ lâm tặc bị bắt, ngoài việc tịch thu gỗ, xét xử..., thì chưa thấy bao giờ chính quyền buộc lâm tặc phải trồng lại rừng.
Việc một Phó Giám đốc Sở bị buộc phải trồng lại tới 10hecta rừng vì thế được coi là một lời cảnh báo nghiêm khắc: không chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng, trước chính quyền, trước pháp luật, mà còn phải sửa sai những gì mình đã gây nên - ở đây là phải hoàn nguyên diện tích rừng mình đã góp tay phá hủy.
Nếu việc "bắt đền” này được mở rộng sang các lĩnh vực khác thì thật may mắn biết bao, chắc chắn sẽ hạn chế được nhiều hành vi phá hoại khác. Ví dụ như việc mua ụ nổi tàu không sử dụng được, mua một con tàu lừng lững lại là tàu cũ không khai thác hiệu quả... Nếu trước đó người trong cuộc biết buộc phải "đền” thì chắc có lẽ cũng không dám liều mạng "chấm mút”, "moi ruột” trục lợi cá nhân. Đã từng có kẻ xác định làm liều, vơ vét càng nhiều càng tốt, sau đó đi tù cũng xong theo kiểu "hy sinh đời bố củng cố đời con”. Nếu buộc phải "đền” những tổn thất do họ mang lại với dân với nước thì hẳn đã chùn tay.
Do không bị đền nên rất nhiều kẻ làm liều, cố tình hoặc vô tình gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng, cho xã hội. Áp lực trách nhiệm, áp lực phải làm tốt không lớn trong hầu hết các vị trí công việc nên xuất hiện tư tưởng làm cầm chừng, được chăng hay chớ. Trong khi đó miếng mồi lợi nhuận béo bở của việc làm liều lại rất lớn nên nhiều kẻ rất liều lĩnh. Chỉ cần tặc lưỡi cho qua, ngó lơ nơi khác cho tội phạm; chỉ còn nhắm mắt hạ bút ký một văn bản nào đó để được "tiền tấn” trong khi nếu có phát hiện thì cùng lắm cũng chỉ... đi tù là xong, còn thì "tiền vẫn ở trong tủ nhà ta”- là kẽ hở để tội phạm xuất hiện, mặt nào đó còn kích thích thói hư tật xấu trong con người. Người ta sẽ so sánh, trừng phạt chỉ thế này, lợi nhuận lại ngần kia, thì rất có thể sẽ chọn điều xấu.
Vốn đã có chuyện chính quyền buộc các chủ lò gạch thủ công sau khi moi đất nung gạch, thì phải hoàn thổ. Nhưng thực ra thì cũng có mấy chủ lò gạch làm điều này đến nơi đến chốn đâu. Nay có chuyện bắt đền một quan chức trồng lại rừng thì đó là điều đáng phấn khởi. Ở đây chính là sự sòng phẳng: anh làm hại thì phải đền, chứ không chỉ là nhận kỉ luật là xong. Khái niệm sòng phẳng được nhiều người nói đến như một từ cửa miệng, nhưng trong cuộc sống còn nhiều điều không sòng phẳng. Mà điều đó thì cần phải được đặt ra một cách sòng phẳng.