TT - Vụ kiện Vedan vẫn đang diễn tiến, dòng sông Thị Vải vẫn chưa thể hồi sinh, còn những người dân sống dựa vào dòng sông này từ bao đời nay đang lâm cảnh bần cùng, tương lai con cháu họ bị đổi dời từ “biến cố Vedan”...
Tuổi Trẻ trở lại với câu chuyện đau lòng bên “dòng sông chết”, như một cảnh báo cho “những thảm họa Vedan” khác có thể xảy ra...
Kỳ 1: Trở lại dòng Thị Vải
Hàng chục năm qua nguồn thủy hải sản trên sông Thị Vải đã nuôi sống bao thế hệ. Với người làm nghề sông nước, nguồn sống không đâu khác chính là việc đắp đập, làm đùng nuôi tôm, nuôi cá. Có người vẫn bao năm làm nghề đánh bắt cua, chem chép và đóng đáy... để kiếm sống. Gần hai năm trôi qua khi chúng tôi trở lại vẫn bắt gặp trên những khuôn mặt cũ in đậm nỗi buồn...
Quẩn quanh cơ cực
Những gia đình sống bằng nghề sông nước giờ trở thành nạn nhân của Vedan có lúc đau đớn than vãn khắp nơi khi nguồn sống bị mất, nhưng rồi không có sự hồi âm. Đã mấy năm bỏ xứ đi tìm kế sinh nhai, vừa trở về ở nhờ nhà bà con, anh Võ Văn Út (ấp 5, xã Long Thọ) nhớ lại: “Nhắc thì buồn nhưng tôi hỏi cả dòng sông đen nghịt chứ đâu phải cái chén mà người ta không biết. Dân làm nghề lội sông, kéo chân lên đã mang cảm giác rát bỏng và ngứa”.
Anh ném câu nói như một sự trách móc rồi bảo có bốn đứa con nhưng đã hết ba đứa theo anh làm nghề sông nên chữ nghĩa giờ đây không có.
|
Ông Nguyễn Văn Trắng kể tôm ông mới thả được 40 ngày đã bị chết hết (ảnh chụp chiều 2-8) - Ảnh: Sơn Định
|
Ông Nguyễn Văn Hoàng (53 tuổi, ngụ ấp 5, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) kể khi mới 16 tuổi đã theo cha làm nghề đánh bắt. Rồi khi lập gia đình, sinh con nhưng đời sống vẫn không khá hơn ông Hoàng đành kéo các con lênh đênh trên sông làm nghề với mình. “Nghèo, đâu có tiền cho con đi học. Cha đi làm, con đi theo rồi tụi nó cũng thành nghề mò cua, bắt chem chép” - ông Hoàng nhớ lại.
Nhưng năm 1996 khi sông Thị Vải càng ô nhiễm, ông vẫn bám sông dù nhiều loài thủy sản ngày càng cạn kiệt. Khi dòng sông không còn nguồn thủy sản ông lên bờ trồng mì mướn để bán lại cho Vedan. Ông kể tuổi đã lớn, không thể sống được trên sông nữa nên ai thuê những việc lặt vặt thì làm để kiếm sống qua ngày. Có khi thiếu gạo mượn ăn trước rồi các con cho tiền mang trả sau. Cách nay vài tháng, do còn nằm trong hộ khó khăn, xã thương tình cho vay 4 triệu đồng để trang trải cuộc sống.
Ông Hoàng rơm rớm: “Vedan gây ô nhiễm, gia đình mất nguồn sống và chúng tôi chịu đựng cảnh cơ cực hơn mười năm qua. Bây giờ mỗi tháng trả tiền vay nhưng chưa biết bao giờ trả xong. Hi vọng đòi nợ Vedan để trả thôi!”.
Khi chúng tôi nhắc đến đời sống của người dân ở đây, phó chủ tịch UBND xã Long Thọ Nguyễn Văn Điền tâm sự: “Năm rồi cả xã có 214 hộ nghèo và 39 hộ cận nghèo. Bây giờ nếu thoát nghèo là do những gia đình ấy có con đi làm công nhân hoặc nhờ bồi thường đất dự án”. Ông Điền nói 40% hộ dân của xã sống bằng nghề sông nước và họ làm theo kiểu cha truyền con nối. Nếu có chuyển nghề thì đó cũng là sự bắt buộc, vì sông bị ô nhiễm nên họ không thể làm nghề nuôi trồng, đánh bắt được.
|
Anh Hồ Văn Lộc ở ấp Phước Hòa, xã Long Phước, huyện Long Thành với kho chứa dụng cụ hành nghề nuôi trồng thủy sản bị bỏ hoang sau khi sông Thị Vải ô nhiễm (ảnh chụp ngày 2-8-2010) - Ảnh: Sơn Định |
Đất - nước vẫn đang “bệnh”
Đầu tháng 8-2010 chúng tôi quay trở lại rạch Nhum (ấp Phước Hòa, xã Long Phước, huyện Long Thành) nhưng “dấu tích” nước thải Vedan tàn phá cuộc sống của người dân vẫn còn đó. Nhiều ao tôm quanh đây trơ đáy do ô nhiễm đã thấm sâu vào đất.
Nông dân Nguyễn Văn Trắng nói sau khi Vedan bị bắt quả tang xả thải, nhiều người dân hi vọng có thể nuôi được tôm đã thuê cạp múc đáy ao, thuê sà lan bơm cát vào cải tạo đáy nhưng rồi thả tôm xuống chỉ 10-15 ngày là chết. Ao tôm có sẵn nên có người cầm cự, bám víu vào nguồn sống chính bao năm ở vùng sông nước này, nhưng thả tôm, tôm chết khiến nhiều người thêm cảnh nợ nần.
Ông Trắng chua chát: “Vừa bán đất được 350 triệu đồng để trả nợ nhưng vẫn không đủ trả cho các đại lý thức ăn. Bây giờ ô nhiễm ở những ao tôm vẫn còn rất nặng nên khả năng phục hồi ao, sản xuất trở lại là rất khó”.
Còn khi chúng tôi đến ấp 1A, xã Phước Thái (huyện Long Thành) chỉ thấy người lớn tuổi, trẻ con bám lại đây giữa một khung cảnh ảm đạm. Chỉ vài bước chân ở ấp này người dân đã nhìn thấy dòng sông Thị Vải còn vẩn đục, còn có thể nhìn thấy cột khói cao ngút của Vedan sừng sững giữa những con rạch và ao tôm bỏ hoang.
Nhắc đến Vedan, ông Phan Văn Tài, chi hội trưởng chi hội nông dân ấp 1A, bực bội: “Ở ấp có 305 hộ với 1.180 nhân khẩu nhưng hết 90% số hộ làm nghề sông nước. Số đông phải lâm vào cảnh túng quẫn chỉ vì Vedan. Họ đang yêu cầu Vedan bồi thường hậu quả đã gây ô nhiễm nhưng Vedan chây ì nên người thì tức giận, người thì ngậm ngùi và chờ đợi...”.
Chuyện đùng, đập tôm mang “mùi” Vedan vẫn đang là nỗi ám ảnh của bà con nông dân. Đến đâu chúng tôi cũng nghe những nông dân một thời bám sông, đã xoay vần với sông, để nuôi từng miệng ăn trong gia đình nhưng rồi quá nhiều người lâm vào cảnh nợ nần. Ông Nguyễn Hữu Tường (ấp Phước Hòa, xã Long Phước) ấm ức: “Muốn trả nợ nhanh nhiều người cải tạo lại ao tôm nhưng thả giống vài chục ngày là tôm chết”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước Võ Văn Tắc tâm sự: “Lúc ô nhiễm nặng nề dân làm nghề nuôi trồng thủy sản thường đi chặt tràm, lột tràm thuê kiếm sống. Nay họ quay trở về với hi vọng sẽ nuôi được tôm nhưng thả tôm xuống ao không bao lâu là chết!”.
SƠN ĐỊNH
________________
Khi bỏ nghề sông nước, những người lớn tuổi ít có cơ hội đi làm mướn. Con cái họ cũng tản mác đi làm công nhân, làm mướn làm thuê...
(Tuôỉ Trẻ, 14/8/2008)