Ngày Nước thế giới năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy sự thay đổi” để giải quyết cuộc khủng hoảng về nước và vệ sinh môi trường.
Nước thực sự là yếu tố lớn nhất quyết định tới mục tiêu và chỉ tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, ứng phó với Biến đổi khí hậu. Cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh môi trường hiện hữu ngày nay là mối đe dọa, rủi ro rất lớn trong cuộc sống con người. Dân số ngày càng tăng, nông nghiệp và công nghiệp ngày càng sử dụng nhiều nước hơn và biến đổi khí hậu càng trở nên tồi tệ hơn.
Đại dịch COVID-19 cũng đã phơi bày những thiếu sót của chúng ta và nhắc nhở chúng ta về vận mệnh chung của mình. Nếu không có một vòng tuần hoàn nước hoạt động linh hoạt, tiết kiệm, hiệu quả cho tất cả mọi người thì sức khỏe của con người và bền vững của trái đất sẽ không thể được kiểm soát.
Ngày nay, một phần tư dân số toàn cầu 2 tỷ người) sử dụng nước uống không an toàn. Khoảng một nửa nhân loại (3,6 tỷ người) sống mà không có hệ thống vệ sinh đảm bảo. Cứ 3 người thì có 1 người (2,3 tỷ người) thiếu thiết bị rửa tay cơ bản tại nhà. Hơn 80% nước thải được thải ra môi trường mà không được xử lý hoặc tái sử dụng. Gần 3/4 các thảm họa gần đây có liên quan đến nước, gây thiệt hại gần 700 tỷ USD trong 20 năm qua. Và dự báo hạn hán có thể xem như “đại dịch” tiếp theo của thế giới.
Tuy nhiên, nước không chỉ mang đến cho chúng ta những thách thức, mà còn mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội lớn. Nếu chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng và mối liên kết hữu cơ của nước trong tự nhiên, nước trong cuộc sống, chúng ta sẽ đưa ra được giải pháp toàn diện. Nước sẽ trở thành đòn bẩy cho một nền kinh tế xanh, giúp phục hồi khí hậu và góp phần tạo nên một thế giới bền vững toàn diện. Nước liên kết chúng ta lại với nhau vì lợi ích, và đưa chúng ta thành một liên minh toàn cầu để cùng tăng cường năng lực và cung cấp giải pháp tối ưu cho nước.
Muốn có được những giải pháp toàn diện, chúng ta cần tránh các chiến lược ngắn hạn, đơn lẻ. Chúng ta giải quyết các thách thức môi trường, phải gắn với sự phát triển văn hóa, xã hội và kinh tế bền vững. Các giải pháp công bằng và linh hoạt; xác định các điểm nóng và các cơ hội đầu tư xanh. Đồng thời xây dựng năng lực quản lý nước trên tất cả các tầng lớp xã hội, các ngành và xuyên biên giới. Chúng ta cần nhanh chóng tìm ra sự cân bằng mới để đảm bảo phát triển bền vững tài nguyên nước: Nước –con người- kinh tế- thiên nhiên. Chúng ta cần tôn trọng giới hạn đỏ của hành tinh và đầu tư cho các cộng đồng, nền kinh tế và hệ sinh thái có khả năng thích ứng và phục hồi. Các quốc gia phải tăng tốc gấp bốn lần và cần hành động ngay bây giờ để đáp ứng cấp độ của cuộc khủng hoảng này.
Trong bối cảnh đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố Nghị quyết 71, giai đoạn 2018 - 2028 là Thập kỷ hành động quốc tế, “Nước vì sự phát triển bền vững”. Và để đáp ứng Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự Phát triển bền vững, mọi quốc gia cần nâng cao hơn nữa sự hợp tác, đối tác, phát triển năng lực và thúc đẩy các hành động tích cực.
Năm nay, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 3, “Hội nghị về Nước của Liên hợp quốc năm 2023”, hay còn gọi là Hội nghị đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Thập kỷ hành động “Nước vì Phát triển Bền vững” (2018-2028) sẽ được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc, ở New York, do Chính phủ Tajikistan và Vương quốc Hà Lan đồng đăng cai tổ chức. Mục tiêu của Hội nghị là thúc đẩy và hỗ trợ các quốc gia đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu về nước đã được quốc tế thông qua giai đoạn 2018-2028.
Trong đó, Chiến dịch cho ngày nước thế giới 2023 “Be the change” (Thúc đẩy sự thay đổi) lần này nhằm khuyến khích mọi người tham gia hành động trong cuộc sống của mỗi người để thay đổi cách sử dụng, tiêu thụ, và quản lý nguồn nước.
Chương trình Hành động vì nước là tập hợp các cam kết tự nguyện từ các chính phủ, công ty, tổ chức, cơ quan, liên minh và các thành viên của cộng đồng, được xây dựng nhằm thúc đẩy các mục tiêu về nước và vệ sinh đã được quốc tế thống nhất, trong đó đáng chú ý nhất là Mục tiêu phát triển bền vững số 6 của Liên Hợp quốc (SDG6) “Nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030”.
Nước gắn bó chặt chẽ với ba trụ cột của phát triển bền vững và nó tích hợp các giá trị xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị. Nó xuyên suốt và hỗ trợ đạt được nhiều mục tiêu phát triển bền vững thông qua mối liên kết chặt chẽ với khí hậu, năng lượng, thành phố, môi trường, an ninh lương thực, nghèo đói, bình đẳng giới và sức khỏe, trong các mục tiêu phát triển bền vững khác.
Chủ đề của Ngày Nước Thế giới qua từng năm:
Năm 2022: Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình
Năm 2021: Giá trị của nước
Năm 2020: Nước và Biến đổi khí hậu
2019: Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau
2018 - Nước với thiên nhiên
2017 - Nước thải
2016 - Nước và Việc làm
2015 - Nước là cốt lõi của phát triển bền vững
2014 - Nước và Năng lượng
2013 - Hợp tác vì nước
2012 - Nước và an ninh lương thực
2011 - Nước cho phát triển đô thị
2010 - Nước sạch cho một thế giới khỏe mạnh
2009 - Chia sẻ nguồn nước, Chia sẻ cơ hội
2008 - Năm Quốc tế về Vệ sinh
2007 - Đối phó với tình trạnh khan hiếm nước
2006 - Nước và Văn hóa
2005 - Nước cho cuộc sống 2005 - 2015
2004 - Nước và thiên tai
2003 - Nước cho tương lai
2002 - Nước để phát triển
2001 - Nước và sức khỏe
2000 - Nước cho thế kỷ 21
1999 - Mọi người đều ở “hạ lưu”
1998 - Nước ngầm - nguồn tài nguyên vô hình
1997 - Nước trên thế giới liệu có đủ?
1996 - Nước cho các thành phố đang khát
1995 - Nước và Phụ nữ
1994 - Chăm sóc tài nguyên nước là trách nhiệm của mọi người
Tạ Nhị