(VACNE) - Nhìn thấy Người kể chuyện khập khiễng bước vào, mấy “Thượng đế nữ” xuýt xoa kêu lên: vẫn đau khớp à, vẫn đau khớp à?. Người kể chuyện vừa nhè nhẹ gật đầu, vừa khẽ khàng ngồi xuống ghế và thủng thẳng nói: Đau và không đau.
Diễn kịch một chút vì hôm nay phải kể câu chuyện so sánh. Đã so sánh là phải chịu khập khiễng thôi, không tránh được đâu, bất kỳ được thực hiện theo cách nào.
Mọi người ngơ ngác, không biết chuyện gì, phải nghe kiểu chuyện gì trưa nay đây. Thì ra ông ấy đang ấm ức vì việc vận động mãi mà không ai chịu hỗ trợ để xác định một số các “kỷ lục” Cây Di sản Việt Nam, người ta cứ ầm ầm công bố trong thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nào là cây ở chỗ này chỗ kia có tuổi già nhất thế giới, cao nhất thế giới, to nhất thế giới, độc đáo nhất thế giới ,v.v. và v.v. Ai tin hay không lại là chuyện khác, vì đều là những thông tin được tìm thấy trên mạng cả. Tuổi cây có khi được công bố rất già, “khoảng từ 2.000 đến 4.000 tuổi”, ở sa mạc nào đó, nhưng họ đang “bí mật để bảo vệ”. Người ta dẫn ra một tấm ảnh “đẹp đến khó tin” để làm bằng chứng. Mà không tin sao được, vì các cụ bảo “Trăm nghe không bằng một thấy” là gì? Giọt nước tràn ly là chuyện web Hội đăng tin nói là của tạp chí uy tín “National” về cây cao nhất rừng nhiệt đới Amazon bên Mỹ Latinh. Cây cao tới 88m. Người ta mô tả cả phương pháp đo chiều cao. Thế thì sao? Nhiều thượng đế cùng hỏi.
Người kể chuyện quay sang hỏi” Thượng đế” bên cạnh, rằng Cây Di sản cao nhất Việt Nam bây giờ là bao nhiêu mét. Vị này và các vị khác đều không biết, nên hỏi lại. Người kể chuyện thú nhận là cũng không biết, trừ 1 con số có trong hồ sơ đăng ký. Nhưng Người kể xin nói hai chuyện. Có một thanh niên, không nhớ rõ là người Canada hay Mỹ, khi nghe thấy có cây cao đến vậy ở VQG Pù Mát (Nghệ An) thì đã tìm mọi cách để xin đến Việt Nam. Anh ta đến tận nơi, dang 2 tay ra nhờ người chụp ảnh kỷ niệm. Bức ảnh đó được VACNE đăng lại rồi. Còn chuyện thứ hai được kể trên số báo Tết của Việt Nam nói rằng: một nhà bác học Nga khi nghe tin về cổ thụ đặc biệt này, đã nói rằng, mặc dù đã trên 80 tuổi, nhưng nếu không đến được Pù Mát, ôm lấy thân cổ thụ kia thì có chết cũng không nhắm mắt được. Không biết nhà bác học khả kính đó đã thực hiện được ước vọng chưa, nhưng Người kể chuyện đã được thấy hàng chục người ôm lấy thân, nằm lên rễ các Cây Tùng di sản ở Yên Tử để “xin năng lượng”. Mới nhìn cứ tưởng họ đang gây mất vệ sinh, các ông bảo vệ khu danh thắng suýt phạt nhầm.
Người kể chuyện úp mở không nói rõ cây gì, bao nhiêu tuổi, cao và to bao nhiêu mét theo đăng ký, mà lại nói về chuyện tại sao không tìm cách đo đạc cho chính xác nhất theo khả năng có thể và công bố. Thế là cả Quán ồn ào, ai cũng có những “sáng kiến vĩ đại”, ai cũng muốn là nhà tài trợ chính, ai cũng kỳ vọng các con số của ta sẽ làm sửng sốt mọi người, kiểu như phát hiện hang Sơn Đoòng vừa qua. Rất có kinh nghiệm trong những cuộc trao đổi như thế này, chờ cho mọi người đã giãi bày hết ý tưởng, Người kể chuyện mới lên tiếng “tổng kết”.
Dạ thưa các thượng đế, như vậy là chúng ta nên, bằng cách nào đó tiến hành khảo sát, đo đạc cụ thể một số “kỷ lục cây” của Việt Nam ta. Khó mà dễ. Vì theo tiên liệu, các “kỷ lục” của chúng ta hoàn toàn có thể lọt Top 5, Top 10, cao hơn Top của mấy cô đi thi hoa hậu thế giới vừa qua. Cần định rõ tọa độ, xác định tuổi cây bằng phương pháp chính xác nhất có thể, đo chiều cao cây, đo đường kính thân cây, xác định và đánh giá các giá trị đặc sắc của cây về các mặt. Đây sẽ là những thông tin rất bổ ích, chí ít cũng để so sánh, mặc dù có người bảo: mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Vấn đề khó nhất lại là vấn đề “đầu tiên”, xin các thượng đế suy nghĩ và hiến kế vào buổi trưa khác. Vì hôm nay mệt quá rồi, lại là buổi trưa đầu tiên của năm mới 2020.
Mọi người à lên vui vẻ, lục tục ra về, quên cả thời gian.
Quán Cà phê MT, trưa đầu tháng 1/2020.