Các đại biểu cũng sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận định hướng mới của các hoạt động trong khuôn khổ các hội nghị tiếp theo nhằm tích hợp toàn diện các thách thức đối với vấn đề phát triển của các thành phố, bao gồm ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, an ninh nguồn nước,
sức khỏe môi trường…Qua đó góp phần tích cực vào việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững nói chung và xây dựng thành phố bền vững nói riêng. Trong những năm qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình Mô hình Thành phố môi trường bền vững ASEAN. Một số thành phố của Việt Nam đã tham gia Chương trình này như Đà Nẵng, Đà Lạt, Cao Lãnh. Cho đến nay đã có 3 thành phố của Việt Nam đã được nhận giải thưởng về Thành phố môi trường bền vững của ASEAN như Hạ Long (2008), Đà Nẵng (2001) và Huế (2014).
Hà Nội phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 2-3%
Hà Nội Mới đưa tin Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2016. Mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cộng đồng của Thủ đô Hà Nội, phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 2-3% mức
tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu.
Bên cạnh đó, thúc đẩy các cơ sở, dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng ứng dụng rộng rãi trang thiết bị hiệu suất cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ tiết kiệm năng lượng và quản lý dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng. Nâng cao hiệu suất, giảm mức tiêu hao năng lượng ít nhất 3% đối với một số nhóm ngành sử dụng nhiều năng lượng. Để chương trình đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra, thành phố sẽ huy động các nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân và nguồn kinh phí hợp pháp khác; đồng thời, khuyến khích và tạo
môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế.
Việt Nam điều hành Phiên thảo luận biến đổi khí hậu tại Liên Hợp quốc
TTXVN đưa tin ngày 3/3, Khóa họp thường kỳ lần thứ 31 Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) Liên hợp quốc đã mở phiên thảo luận tại Geneva, Thụy Sỹ. Gần 60 nước và nhiều tổ chức chính trị, xã hội đã phát biểu, đối thoại với các diễn giả. Trong thảo luận, các diễn giả, chuyên gia đã nêu bật những tác động ngày càng tiêu cực của
biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người vì nó tác động trực tiếp đến các điều kiện cơ bản về xã hội và môi trường của sức khỏe con người.
Phát biểu tại Phiên thảo luận với tư cách đại diện cho Đoàn Việt Nam tại Khóa 31 HĐNQ, Đại sứ Nguyễn Trung Thành đã nhấn mạnh Việt Nam nằm trong nhóm những nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, với nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe nhân dân như thiệt hại nặng nề về người và vất chất do thiên tai tăng qua từng năm; các bệnh xuất phát từ nguyên nhân biến đổi
khí hậu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cam kết nỗ lực tối đa để giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe toàn dân, lồng ghép tác động của biến đổi khí hậu đến quyền con người vào các kế hoạch, chính sách của quốc gia cũng như cùng với các nước thực hiện đầy đủ cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Trung Đông hạn hán khủng khiếp nhất 900 năm
Theo kết quả nghiên cứu mới công bố của NASA, tình trạng
hạn hán kỷ lục diễn ra tại khu vực phía đông Địa Trung Hải có thể do biến đổi khí hậu. Theo Haaretz, báo cáo nghiên cứu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cho biết, đợt hạn bắt đầu từ năm 1998 ở khu vực phía đông Địa Trung Hải có thể là đợt hạn lớn nhất trong vòng 900 năm qua – Tuổi Trẻ đưa tin.
Đợt hạn hán gần đây tại phía đông Địa Trung Hải, từ năm 1998-2012, không chỉ kéo dài một cách bất thường, mà còn khô hơn 50% so với giai đoạn khô cằn nhất 500 năm trước đó, và khô hơn 10-20% so với đợt hạn kỷ lục kể từ năm 1100. Chuyên gia khí hậu Yochanan Kusshnir của Đài quan sát
trái đất Lamont Doherty cho rằng: “Chắc chắn Địa Trung Hải là một trong những khu vực tiếp tục khô hạn trong tương lai dưới ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra”.
La Nina muộn giúp nhiều quốc gia tăng sản lượng nông nghiệp
Một chuyên gia thời tiết hàng đầu thế giới nhận định rằng hiện tượng
thời tiết La Nina xuất hiện muộn hơn trong năm nay có thể giúp tăng sản lượng thu hoạch tại các khu vực trồng trọt chủ chốt ở Mỹ, Australia và Ấn Độ. Thêm một vụ mùa bội thu các nông sản như ngô, lúa mì và đậu tương sẽ làm tăng lượng nông sản tồn kho trên toàn thế giới vốn đã ở mức gần kỷ lục sau những đợt thu hoạch lớn liên tiếp nhờ thời tiết thuận lợi trong 3 năm qua tại nhiều khu vực sản xuất – theo TTXVN.
Điều này đã tăng áp lực lên giá ngũ cốc, khi giá lúa mì tuần này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2010, trong khi giá đậu tương xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng Một và giá ngô xuống mức thấp nhất trong 7 tuần. Năm ngoái, El Nino đã gây ra tình trạng
khô hạn trên các cánh đồng tại Philippines và Indonesia, mang đến các cơn mưa trái mùa tại các khu vực ở Nam Mỹ và lũ quét tại Somalia phá hủy hàng nghìn ngôi nhà. La Nina xuất hiện muộn hơn đồng nghĩa thời tiết sẽ bình thường trên khắp khu vực Trung Tây nước Mỹ trong giai đoạn tháng 4-8, vụ mùa chính của ngô và đậu tương.
Facebook, Instagram thành thị trường chợ đen buôn bán động vật quý hiếm ở châu Á
Các nhà bảo tồn
động vật hoang dã cảnh báo rằng những kẻ săn trộm và buôn bán động vật quý hiếm ở châu Á đang coi phương tiện truyền thông xã hội là nơi giao dịch hiệu quả. Ngày càng nhiều loài động vật quý hiếm, từ chim quý tới đười ươi, được chào bán trên Facebook và Instagram. Xu hướng này đặt ra câu hỏi về một mối đe dọa mới và rất đáng lo ngại ở châu Á, nơi các sản phẩm có nguồn gốc từ các loài động vật hiếm được lùng mua để làm các bài thuốc cổ, còn những con thú có vẻ ngoài kỳ lạ được săn về làm thú nuôi. Những cảnh báo trên được đưa ra trong một bản báo cáo về tình hình buôn bán động vật hoang dã do quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phát hành nhân ngày Thế giới bảo vệ động vật hoang dã (3/3) – theo Thể Thao & Văn Hóa.
Khi thực hiện một đợt theo dõi kéo dài 50 giờ vào năm ngoái, các chuyên gia phát hiện ra 14 nhóm buôn bán động vật hoang dã nhắm tới khách hàng ở Malaysia, nơi có tỷ lệ người dùng Facebook cao. Có tới 67.500 thành viên tham gia vào 14 nhóm này. Trong khoảng thời gian được quan sát, những kẻ buôn lậu đăng hơn 200 bài để thu hút người mua, với nội dung rao bán nhiều loài
động vật hoang dã khác nhau, từ chim quý hiếm đến đười ươi và gấu chó. Hiện WWF đã làm việc với các cơ quan chức năng tại nhiều quốc gia các nhà mạng xã hội như Facebook về vấn đề này. Báo cáo cũng dẫn lời một phát ngôn viên của Facebook, nói rằng mạng xã hội này không cho phép các hoạt động như vậy tồn tại trên trang web của mình và "cam kết sẽ hợp tác để giúp giải quyết vấn đề".