(VACNE) - Năm 2014, cây đa Giời ơi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường công nhận là cây di sản đầu tiên ở huyện Phú Xuyên, được gắn biển và ở dưới có một miếu thờ nhỏ.
Từ khi tôi lớn lên đã thấy mọi người quanh vùng đồn nhau về sự linh thiêng của cây đa Giời ơi thuộc làng Phúc Lâm (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội). Đến khi học phổ thông ở Trường THPT Phú Xuyên B gần đó, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng thở dài "giời ơi" của những người qua lại.
Thần đa, ma gạo
Cây đa Giời ơi là một cây đa tía lớn, tán rộng, nhiều rễ phụ, ước tính đã trên 200 năm tuổi. Cây đa nằm trên đoạn đường nối xã Tri Thủy với xã Phúc Tiến (đường tỉnh lộ 428), một bên là cánh đồng lúa thêng thang, một bên là con sông Lương thơ mộng nên trông rất hoang vắng. Đặc biệt, cây đa nằm trên khúc cua, nên ai đi qua đây đều phải giảm tốc độ mà quan sát kỹ càng.
Còn về hai tiếng "Giời ơi" thì tôi cũng được nghe các cụ kể lại rằng, do đây là vùng hoang vắng, nên ngày xưa bọn cướp hay mai phục bên đường để trấn lột, cướp bóc. Mỗi lần có người bị cướp, họ đều kêu thất thanh "Giời ơi!" khiến dân quanh vùng đều nghe thấy, nhiều lần thành tên, thế là họ gọi tên luôn là cây đa "Giời ơi!" như tiếng than vãn thấu trời nhờ cây đa lên ông trời.
Tuy vậy, ngoài câu chuyện truyền miệng trên còn nhiều "dị bản" khác về tên gọi cây đa "Giời ơi" như chuyện người dân đi lễ thánh về qua đây, do trời nóng quá mà nghỉ chân lại. Tận hưởng hương đồng gió sông, bóng mát cây cao thì mới thốt lên "Giời ơi mát quá". Sự lý giải này cũng rất hợp tình hợp lý, do vùng này người theo đạo Công giáo khá đông và thường đi qua con đường này để tới các nhà thờ.
Ai đi qua cũng "Giời ơi"
Như một thói quen, cho dù hiện nay khu vực cây đa Giời ơi không còn toán cướp nào, nhưng khách nghỉ chân ở đây đều thốt lên "giời ơi". Giời ơi ở đây không phải vì lo sợ, than vãn mà là trầm trồ bởi vẻ đẹp hoang sơ, xù xì của cây đa cổ thụ. Hồi học phổ thông, tôi và chúng bạn thường nghỉ chân dưới gốc đa mỗi lần tan học về sớm nhất là ngày nắng, ngắm dòng sông Lương dịu dàng chảy.
Ngoài lời than vãn và các câu chuyện buồn với cây đa, người dân quanh đây còn lưu truyền câu chuyện khác về một người đàn ông sau khi thua cờ bạc đã bán hết đất đai nhà cửa. Trên đường về gặp mưa bèn vào trú, rồi ông ta chắp tay cầu khấn được thắng canh bạc sau, hứa sẽ mang tiền về xây miếu. Quả nhiên sau đó, ông ta được bạc và quay trở lại xây miếu thờ, cây đa càng thêm huyền tích và ly kỳ, từ việc than vãn do trộm cắp, hay sung sướng được nghỉ ngơi bóng mát đến cầu bái linh thiêng, tai nạn giao thông, cây đa đều chứng kiến và ít nhiều được "cổ tích hóa" với cái tên Giời ơi.
Còn đối với chúng tôi, một lớp người trung niên đã có nhiều năm gắn bó với quê hương chiêm trũng Phú Xuyên thì cây đa Giời ơi là một biểu tượng văn hóa truyền thống mẫu mực. Một cây đa đẹp mọc bên dòng sông quê mà mỗi khi đi xa trở về, thấy cây đa là thấy quê hương, thấy bóng mẹ dáng cha đang thấp thỏm đợi chờ. Ngoài ra, cây đa cũng từng là nơi du kích địa phương trú ẩn trong các hốc, trên cây trong thời kháng chiến chống Pháp, chịu nhiều lượt đạn, nên cây đa còn là một biểu tưởng về tinh thần yêu nước, một chứng tích lịch sử.
Năm 2014, cây đa Giời ơi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường công nhận là cây di sản đầu tiên ở huyện Phú Xuyên, được gắn biển và ở dưới có một miếu thờ nhỏ. Đoạn đường đi qua cây đa Giời ơi đã được mở rộng hơn, cây cối được phát quang để mở rộng tầm nhìn, có xe buýt 108 Bến xe Thường Tín – Minh Tân đi qua và có một số quán nước nhỏ bên đường làm cho người dân không bị sợ hãi bởi các câu chuyện huyền tích.
Đến chơi khu vực này, ngoài chiêm ngưỡng cây đa Giời ơi, khách phương xa còn có thể tham quan tổ đình Đa Bảo, chùa Giáng, đình Cổ Chế đều là các di tích lịch sử giá trị mang đậm hồn quê vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
*Bài viết ghi lại chuyện kể của ông Nguyễn Văn Học, 40 tuổi, thôn Thành Lập 1, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.