IPA – Bài 2. Nguyên tắc chung của IPA
(VACNE) - IPA là phương pháp dựa trên Tíếp cận hệ thống, tính chính trị, tính văn hoá, tính mềm mại và linh động
* Tính hệ thống: IPA là một công cụ dựa trên Tiếp cận Hệ thống. Nó không chỉ phân tích nội dung TCCS[i] như là một văn bản tĩnh, mà còn phân tích thái độ, nhận thức, hành vi của các bên liên quan, phân tích mạng lưới tương tác giữa các tổ chức tham gia vào TCCS, phân tích môi trường chính trị đa dạng của TCCS, xác định các chức năng và mục tiêu ngầm, xác định ngưỡng và rủi ro của hệ thống TCCS. Người sử dụng IPA do đó cần nắm vững Lý thuyết Hệ thống[ii].
* Tính chính trị: Chính trị là lĩnh vực về quyền lợi (quyền lực và lợi ích). Chính trị của nước ta là đảm bảo quyền lợi của nhân dân lao động và của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện qua việc tuân thủ Hiến pháp và Pháp luật. Vì thế, dù IPA có là một công cụ trung lập, một phương pháp khoa học, nhưng nhà nghiên cứu khi áp dụng IPA phải có nhãn quan chính trị chính thống của quốc gia.
* Tính văn hoá: Đối tác đánh giá của IPA là con người, là các tổ chức và cộng đồng, trong đó có cả các tổ chức Quốc tế. vì vậy, nhà phân tích phải tuân thủ các đặc trưng văn hoá của đối tác, phân tích qua lăng kính văn hoá để đảm bảo sự tôn trọng đối tác.
* Tính mềm mại và linh động: IPA là lĩnh vực phân tích - đánh giá TCCS trong quá trình vận hành, có nghĩa là phân tích - đánh giá khi TCCS đang được áp dụng vào xã hội. Vì vậy, IPA đòi hỏi áp dụng linh động và mềm mại, khác với việc phân tích văn bản hay phân tích tổ chức có tên gọi là phân tích cứng và tĩnh.
Vì IPA là lĩnh vực Phân tích - Đánh giá một TCCS trong quá trình vận hành nên khác hẳn các phương pháp Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) hay Đánh giá Môi trường Chiến lược (ĐMC) vốn được dùng cho giai đoạn xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch hay kế hoạch (hay gọi tắt là CQK). (riêng ĐTM thì áp dụng cho cấp dự án chưa thực hiện). IPA cũng không giống Đánh giá Hiện trạng môi trường ở chỗ IPA nhằm đánh giá chính trị - xã hội chứ không quan tâm đến mảng công nghệ hay lấy mẫu phân tích môi trường. Chúng ta sẽ thấy rõ hơn trongcác bài tiếp theo./.
--------------------------------------------
[i] TCCS - Thể chế và Chính sách
[ii] Nguyễn Đình Hoè Vũ Văn Hiếu (2005) Tiếp cận hệ thống trong Môi trường và Phát triển. NXB Đại học Quốc Gia, Hà Nội