quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Huyện Ba Vì, Hà Nội: Tự quản trong bảo vệ môi trường

Chủ Nhật, 20/10/2019 | 07:36:00 AM

Phát huy tinh thần sáng tạo, tự quản trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã triển khai mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”. Quá trình thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy sức mạnh của nhân dân trong bảo vệ môi trường từ mỗi khu dân cư.

 Đã hơn một năm nay, cứ vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, nhân dân 11 thôn của xã Thụy An (huyện Ba Vì) lại cùng nhau dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm và chăm sóc cây, hoa ven đường. Đến thời điểm này, 11/11 thôn của xã Thụy An đã trồng được 25 đoạn đường hoa với tổng chiều dài trên 5,5km.

Người dân phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) dọn vệ sinh khu phố, góp phần xây dựng địa bàn sáng - xanh - sạch - đẹp.

“Xuất phát từ ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và cảnh quan nơi đang sống của người dân còn hạn chế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thụy An, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã xin chủ trương của Đảng ủy về việc tổ chức hội nghị và phối hợp với Đài Truyền thanh để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào dọn vệ sinh môi trường vào các ngày cuối tuần và trồng hoa ven đường. Với tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, phong trào đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Nhiều người đã góp công, góp tiền mua các loại hoa, tận dụng thùng xốp, chậu nhựa hỏng để trồng hoa” - Bí thư Đảng ủy xã Thụy An Chu Văn Kỷ cho biết.

Tại phường Bồ Đề (quận Long Biên), không khí lao động, chăm sóc các tuyến đường hoa cũng diễn ra sôi nổi vào các buổi sáng cuối tuần. Nhờ đó, khu vực ngõ 200/10 phố Nguyễn Sơn thuộc tổ dân phố 22 trước đây là nơi tập kết rác thải, gây mất vệ sinh môi trường thì nay đã trở thành vườn hoa sạch đẹp. 

Ông Nguyễn Đắc Sơn, người dân phường Bồ Đề cho biết: “Trước đây, mỗi khi đi qua khu vực ngõ 200/10 phố Nguyễn Sơn, ai cũng thấy ái ngại, nhưng từ khi bãi rác thành vườn hoa, cảnh quan môi trường nơi đây thực sự được cải thiện sáng - xanh - sạch - đẹp. Không chỉ ở tổ dân phố 22, mà trên địa bàn phường Bồ Đề, tôi thấy các vườn hoa nhỏ, đẹp mắt xuất hiện khắp nơi”.

Không riêng phường Bồ Đề và xã Thụy An, từ việc xây dựng và nhân rộng mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, tại nhiều địa bàn từ nông thôn đến thành thị đã xuất hiện nhiều giải pháp sáng tạo như phân loại rác thải tại hộ gia đình, sử dụng làn nhựa đi chợ thay túi ni lông, xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường, làm hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi, xây bể chứa và thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng ngoại thành, xây dựng “tuyến phố văn minh đô thị”…

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Long Biên Ngô Thanh Xuân cho biết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận có sáng kiến thành lập mô hình “Câu lạc bộ Tình nguyện vì môi trường” ở tất cả các phường, với lịch hoạt động cụ thể hằng tuần, hằng tháng. Hiện nay, 14/14 phường đều đã thành lập câu lạc bộ với sự tham gia của hàng nghìn người. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ Trần Quang Đạo chia sẻ, hưởng ứng mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận đã xây dựng mô hình “Ngõ văn minh đô thị” tại 65 ngõ. Nhờ đó, Tây Hồ hiện đã không còn điểm ô nhiễm môi trường, bởi rác thải sinh hoạt được thu gom trong ngày; nước thải được xử lý trước khi xả vào hệ thống chung của khu vực. Đặc biệt, 22 hồ, ao, đầm cũng được trồng hoa, kè xung quanh và xử lý nghiêm các trường hợp đổ phế thải, rác thải, vứt xác động vật chết xuống lòng ao, hồ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, với phương châm sạch từ mỗi gia đình, 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn mặt trận các cấp xây dựng được gần 4.000 mô hình bảo vệ môi trường. Các mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực, phát huy trách nhiệm của chính quyền địa phương, năng lực thực hiện của đội ngũ cán bộ mặt trận cơ sở và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị theo hướng văn minh, sạch đẹp.

Từ những hiệu ứng tích cực đó, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể tại địa phương nhân rộng các mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”.

Hiền Phương/HNM

Lượt xem: 1455

Các tin khác

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại Việt Nam

(10/03/2024 07:49:AM)

Giảm dấu chân carbon - hướng tới net zero

(06/03/2024 04:46:AM)

Doanh nghiệp và xu thế chuyển đổi xanh

(21/02/2024 09:11:AM)

Chuyển đổi xanh: Vấn đề và giải pháp cho Việt Nam

(19/02/2024 09:12:AM)

Doanh nghiệp “xanh”, doanh nhân “xanh” là hạt nhân của phát triển bền vững

(11/02/2024 06:45:AM)

Thúc đẩy tái chế, tái sử dụng chất thải

(09/02/2024 07:08:AM)

Bán tín chỉ carbon: Tiềm năng lớn trong ngành nông nghiệp

(08/02/2024 07:03:AM)

Làm dự án du lịch sinh thái trong vườn quốc gia Tam Đảo: Chuyên gia nói thẳng

(26/01/2024 06:56:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE