Năm cũ sắp qua, một năm mới lại đến… Thời gian vẫn cứ chảy trôi theo quy luật tự nhiên vốn có. Đúng như người ta nói “Chạp đến, Tết đuổi sau lưng”.
Những ngày cuối năm, trong tiết trời se lạnh bởi những cơn gió mùa mang không khí lạnh từ Đông Bắc tràn về, nhìn những gánh hàng rong của các bà, các chị trên phố với những món hàng dân dã như măng khô, tôm nõn khô, hương Tết,… lại cảm thấy Tết cổ truyền đang đến thật gần, tạo cho tôi một cảm giác xốn xang như mong chờ một cái gì đó rất đỗi thiêng liêng từ trong tâm thức.
Hình ảnh nội chậm chạp loay hoay tìm cái thau hoặc cái nồi đồng nhỏ khi đến những ngày giáp Tết để ngâm măng chuẩn bị cho món ăn mấy ngày Tết lại hiện về. Cái mùi măng khô ngai ngái, hăng hắc và hơi chua chua ấy đã tạo sự tò mò trong tâm hồn non nớt của tuổi thơ tôi. Tôi từng đặt rất nhiều câu hỏi với nội về cái mùi đặc biệt ấy. Nhưng dưới bàn tay khéo léo của nội và mẹ, món măng hầm với chân giò heo đã trở thành món ăn hấp dẫn chúng tôi trong những ngày Tết. Cái vị béo ngậy của chân giò hòa quyện với vị hơi ngăm ngăm của măng đã tạo nên hương vị đặc biệt của một trong những món ngon ngày Tết. Và món ăn đó đã trở thành món ăn không thể thiếu được trong mâm cỗ cúng gia tiên vào đêm Giao Thừa và những ngày Tết của gia đình tôi khi chúng tôi đã trưởng thành và có gia đình riêng.
Tiết trời cuối năm hanh hao, thi thoảng những cơn gió chợt đến làm cho những chiếc lá còn lại trên cây ngoài đường phố chao nghiêng rơi xuống bên cửa sổ. Những xao động nhẹ nhàng đó như khẽ chạm vào tâm hồn tôi, làm sống dậy những kỷ niệm thơ ấu. Tôi nhớ về con đường làng quanh co mờ đi trong gió bụi chiều cuối năm, nhớ tới những đứa bạn từng một thời chơi đánh khăng, đánh đáo... Khi hoàng hôn buông xuống, chúng tôi rủ nhau ra cánh đồng đầu làng đốt rơm, nướng khoai để xua đi cái lạnh và cùng nhau thưởng thức hương vị của “khoai lang mới”. Sau mỗi cuộc chơi ra về, “hương đồng” vương vấn vào quần áo, vào tóc chúng tôi với một mùi đặc trưng mà người quê vẫn thường nói là mùi khói. Cài mùi khen khét ấy đã theo dọc tuổi thơ chúng tôi để bây giờ mỗi khi gặp lại nhau, chúng tôi vẫn thường nhắc lại và nó đã trở thành mùi hương của tuổi thơ.
Tưởng tượng lại về hình ảnh của những làn khói xám tỏa lên bầu trời - sản phẩm của lũ trẻ chúng tôi ngày xưa trên nền ánh vàng chiều hoàng hôn của cánh đồng quê nhà cho tôi hình dung về một bức tranh quê thật đẹp, thanh bình và ấm cúng bởi tình người mộc mạc.
Đêm cuối năm, phảng phất đâu đây mùi bánh chưng của nhà hàng dưới phố báo hiệu Xuân đang về. Mùi hương của lá dong quyện với mùi thơm của nếp mới tạo nên mùi bánh thật hấp dẫn… Rồi mùi thơm của hương hoa mùi trong nồi nước dành cho buổi “tẩy trần” cuối năm, của quần áo mới, của mùi thuốc pháo… lan tỏa và gợi nhớ, làm ấm lòng những người con xa quê như tôi.
Cuộc sống hiện đại, đất nước ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống của mọi người cũng ngày càng được cải thiện nhưng không vì thế mà những giá trị và nét đẹp về văn hóa của dân tộc bị mất đi, trong đó có Tết cổ truyền của dân tộc. Tết, mốc thời gian đánh dấu và quyết định sự thay đổi cũ - mới. Và cũng chỉ có Tết, người ta mới có dịp đoàn tụ, gặp gỡ, thăm hỏi nhau và cũng có thể là khoảng thời gian người ta sống chậm lại, nhìn lại những gì mình đã làm trong năm và khấp khởi lên kế hoạch cho một năm mới với biết bao hy vọng… Trong không gian của mùi trầm hương lan tỏa, lòng người như lắng lại, hoài vọng quá khứ để tiếp tục sống tốt hơn cho hiện tại.
Ngoài hiên, những nụ hoa của cây mai vàng đang khẽ vươn mình dậy và bừng nở đón hương Xuân. Một mùa Xuân mới đang đến hứa hẹn nhiều niềm vui đến với mọi nhà…
(Quê Hương)