Này nhé, hàng bạch đàn dọc bờ kênh Nham Biền là để đón gió mỗi khi mùa sang, là để che chắn mỗi khi mưa lớn, để cho lũ ong, lũ bướm tìm lấy mật vào mùa hoa nở - mật hoa bạch đàn là nhất rồi! Cây khế ngọt ông trồng trong vườn nhà là để nhắc con cháu biết yêu thương. Những gốc vải sau núi được trồng là giúp gia đình có thêm thu nhập. Cây gạo đầu làng là để cầu mong no đủ cho cả làng; để mỗi khi hè sang, khi hoa gạo đỏ rực trên cây là chúng tôi biết nuối tiếc một năm học đã qua...
Còn cây hoa sữa đầu làng đã nhiều tuổi và lũ trẻ con chúng tôi vẫn hay gọi là Cụ sữa. Kỳ lạ là, nhựa cây trắng tinh như sữa mẹ. Chúng tôi đã phát hiện ra một điều thú vị là thỉnh thoảng, trong hốc nhỏ nơi gốc cây có những đồng 500, rồi có khi 1000, 2000... người trong làng hoặc người làng khác khi tới hái vài cành lá mang về để lại. Mẹ bảo đó là người ta đến mua sữa. Khi một em bé được sinh ra, nếu người mẹ bị mất sữa thì người nhà cử người đi hái những cành hoa sữa này, để lại ở gốc cây một ít tiền lẻ rồi cứ để nguyên nhựa tươi rơi như thế mang về, qua cổng nhà thì rao lên: "Ai mua sữa, ai mua sữa không?”, sản phụ thấy tiếng rao thì hô lên: "Có, tôi mua. Tôi mua!”, hai bên trao đổi, mua bán. Tất nhiên mức phí chỉ là hình thức, và mọi hành động được tiến hành tự nhiên, không được sắp đặt trước. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng đó như là một thói quen của người làng tôi.
Ông tôi kể, cây sữa đầu làng do cụ tôi trồng. Cây sữa cứ thế theo tuổi ông, theo làng xóm mà lớn lên, tới giờ nó đã trở thành cụ sữa. Hương hoa sữa gắn bó với ông, với làng quê và tuổi thơ tôi từ khi đó. Một thứ hương đặc trưng, kỳ lạ. Khi xa thì thoảng điều gì đó như quyến rũ, mê hồn; khi gần thì ngào ngạt, nồng nàn như đứa trẻ vừa no sau sơn thèm sữa của mẹ, không thể bú thêm mà cũng chẳng muốn rời đi...
Hương sữa về ấy là khi ánh nắng giòn tan trên những cành bàng mùa thay lá, là khi cánh đồng làng vàng rộm sắc lúa ngày mùa, là khi hương cốm quyện lấy mái tóc rối bời em thơ... Hương sữa cứ thế ôm trọn tuổi thơ tôi, trong trẻo mà rất đỗi nồng nàn!
Thảo Nguyên
(Đ Đ K)
|