quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Hợp tác toàn diện để phát triển công nghệ sạch ở Việt Nam

Thứ Ba, 14/09/2010 | 08:36:00 AM

Năm 2009, kinh tế Việt Nam tăng 5,2% trong khi hầu hết các quốc gia đều đưa ra con số tăng trưởng âm vào cùng thời kỳ. Năm 2010, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,5%. Tuy nhiên, Việt Nam lại là quốc gia bị ô nhiễm môi trường cao và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tiếp nhận và sử dụng công nghệ sản xuất sạch là vấn đề còn rất mới mẻ ở nước ta.

 
 

Nhiều thách thức

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phân tích, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bên cạnh nhưng thành tựu nước ta đang đứng trước những thử thách không nhỏ về môi trường. Do vậy, việc làm thế nào gắn sản xuất, kinh doanh với những công nghệ tiên tiến, thân thiện để bảo vệ môi trường là việc làm cần thiết và cấp bách.

Trên thực tế, ngành công nghiệp sản xuất nước ta đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này, sự phát thải khí thải, nước thải cũng như áp lực gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng hóa thạch từ các hoạt động sản xuất đang tác động không nhỏ đến môi trường sống. Điển hình là tình trạng gia tăng nồng độ ô nhiễm tại khu vực sông Thị Vải, sông Sài Gòn – Đồng Nai, sông Cầu, sông Nhuệ, Đáy… Nước ta đang có nhu cầu rất lớn về các giải pháp xử lý nước thải và sản xuất các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường nhưng năng lực đầu tư, tư vấn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vừa yếu, vừa thiếu.

Tại hội nghị môi trường toàn quốc vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức cũng thừa nhận có nhiều doanh nghiệp Việt Nam dù muốn đầu tư xử lý môi trường nhưng không phải ai cũng may mắn chọn được nhà tư vấn đầu tư công nghệ đủ năng lực thực hiện. Đã có không ít trường hợp do chọn phải nhà tư vấn đầu tư môi trường dỏm mà “tiền mất, tật mang”. Nguyên nhân là do các cơ quan chức năng chưa quản lý được chất lượng nhà tư vấn đầu tư môi trường. Mặt khác, ngành công nghiệp môi trường nước ta chưa được hình thành và phát triển nên phần lớn công nghệ xử lý chất thải đều phải nhập khẩu. Điều đáng nói, việc kiểm soát chất lượng của công nghệ này như thế nào thì rất khó. Hiện bộ đang có nhiều chương trình xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ xử lý môi trường hiện đại. Trong đó, chủ yếu là hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. PGS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, khẳng định, thị trường công nghệ xử lý môi trường tại nước ta nói riêng và các nước trên thế giới nói chung rất đa dạng. Do vậy, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ trong quá trình lựa chọn đầu tư. Đặc biệt, đừng ham giá rẻ để rồi đầu tư tiền tỷ nhưng đổi lại doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm môi trường.

Nhà đầu tư đã sẵn sàng

Bà Anni Sinnemaki, Bộ trưởng Bộ Lao động Phần Lan cho rằng, Việt Nam đang có nhu cầu cấp thiết về công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong bối cảnh đó, các công ty công nghệ sạch Phần Lan đang tìm kiếm đối tác trực tiếp tại Việt Nam để chung tay giải quyết những thách thức về môi trường và năng lượng mà Việt Nam đang phải đối mặt. Ông Pietro Karjalainen, Tham tán Thương mại Phần Lan, nhận định: Phần Lan là một trong những  quốc gia hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực công nghệ sạch, đặc biệt là trong công nghệ xử lý nước thải và công nghệ tái tạo năng lượng. Không những vậy, Phần Lan còn được biết đến về phát triển đô thị và nông thôn bền vững, các giải pháp kiểm soát và đo lường môi trường toàn diện cho không khí, nước, kiểm soát ô nhiễm không khí và tiết kiệm nguồn nước. Sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp Việt Nam và Phần Lan góp phần chuyển giao những công nghệ tiên tiến nhất về việc xử lý ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.

Ông Santtu Hulkkonen, Giám đốc Cleantech Finland, nhấn mạnh thêm, công nghệ sạch là tất cả các sản phẩm, dịch vụ, quá trình và công nghệ dùng để ngăn chặn hoặc giảm thiểu tác hại xấu đến môi trường. Vấn đề nóng trong lĩnh vực công nghệ sạch hiện nay là nước thải và quản lý nguồn nước cũng như việc sử dụng năng lượng hiệu quả. “Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư luôn được khẳng định là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh phát triển toàn diện và bền vững. Những kinh nghiệm về bảo vệ môi trường thông qua công nghệ sản xuất sạch đã được tham khảo và vận dụng ở các nước mà các doanh nghiệp Phần Lan đầu tư. Đây cũng là nội dung mà các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức của Việt Nam hiện đang rất quan tâm. Sự hợp tác và hỗ trợ của các doanh nghiệp Phần Lan sẽ góp phần tích cực cho Việt Nam trong quá trình thực hiện các chiến lược, chương trình quốc gia về đối phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đồng thời sẽ góp phần vào việc tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất kinh doanh theo hướng áp dụng công nghệ sạch và tiên tiến vì sự phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai bên”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận.

Trước đó, nhiều nguồn quỹ hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện môi trường sản xuất tại TPHCM cũng đã sẵn sàng. Cụ thể như quỹ tái chế chất thải, quỹ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, quỹ xoay vòng vốn và quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á cũng khẳng định sẽ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp đã có những chuẩn bị gì để đón nhận những nguồn vốn cũng như nhà đầu tư môi trường để cải thiện hoạt động bảo vệ môi trường của chính mình.

Minh Hải

* Hệ thống nhà máy sản xuất sữa ở Bình Dương của Công ty FrieslandCampina Việt Nam vừa được cấp phép xả nước thải ra môi trường theo quy chuẩn về nước thải công nghiệp QCVN 24:2009/BTNMT do Bộ TN- MT ban hành. Công ty đã đầu tư công nghệ xử lý nước thải trên 2 triệu EUR, vượt chuẩn quy định của nhà nước về nhiệt độ của nước, độ pH, tổng lượng chất rắn lơ lửng, hàm lượng kim loại nặng, lượng Clo dư, hóa chất bảo vệ thực vật và một số thành phần vi lượng khác. Nhờ đó, nước xả của nhà máy có thể đổ trực tiếp vào các nguồn nước cung cấp cho nước dùng sinh hoạt hàng ngày.

C.Thủy

Doanh nghiệp cần cân nhắc để dùng đúng công nghệ xử lý nước thải. Ảnh: ĐỨC THÀNH

(SGGP, 13/9/2010)

Lượt xem: 1542

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE