GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện Môi trường Đô thị&Công nghiệp Việt Nam, cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 755 đô thị. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam đang gây sức ép về suy giảm môi trường sống do không kiểm soát được lượng chất thải phát sinh, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt.
Trong khi đó “việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu là chôn lấp với số lượng trung bình một bãi chôn lấp/đô thị nhưng do chôn lấp không hợp vệ sinh đã gây ô nhiễm môi trường, tốn nhiều diện tích đất, lãng phí nguồn tài nguyên từ rác và tốn kém kinh phí cho việc xử lý nước rỉ rác”, ông Sơn chỉ ra thực trạng.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, hiện tỷ lệ thu gom rác tại các đô thị bình quân cả nước đạt khoảng 70 – 85%, có đô thị lên tới 90 – 95%.
Trong khi đó, công tác xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay tại các đô thị thuộc 63 tỉnh thành vẫn chủ yếu theo công nghệ chôn lấp lạc hậu. Cả nước hiện có khoảng 22 cơ sở xử lý tái chế và đốt rác thải sinh hoạt nhưng mới xử lý được khoảng 15% lượng chất thải phát sinh.
Theo báo cáo của Hiệp hội Môi trường Đô thị&Khu Công nghiệp Việt Nam, hiện cả nước còn 52 bãi chôn lấp rác thải tồn đọng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
“Ô nhiễm rác thải sinh hoạt đang tác động tiêu cực, đe dọa chất lượng sống ở các đô thị Việt Nam”, ông Dũng nêu vấn đề tại hội thảo “Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam” ngày 21/10 tại Hà Nội.
Trước tình hình đó, vấn đề lựa chọn công nghệ phù hợp để xử lý rác thải được đưa ra nhưng “cần có phương pháp để lựa chọn công nghệ phù hợp cho từng vùng miền ở Việt Nam chứ không thể chỉ áp dụng một công nghệ cho các tỉnh”, ông Dũng kiến nghị.
Một loại công nghệ xử lý rác được ông Dũng đưa ra như công nghệ tái chế rác thải thành phân vi sinh hoặc viên đốt nhiên liệu, công nghệ đốt rác chuyển hóa năng lượng, công nghệ liên hợp xử lý rác thải, công nghệ liên hợp xử lý tái chế, v.v…
GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường Đô thị&Khu Công nghiệp Việt Nam, cho rằng cần đánh giá thực trạng công tác quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt để lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam ở các vùng miền cũng như các kiến nghị về cơ chế, chính sách của nhà nước đối với mặt công tác này theo hướng tăng cường tái chế, tái sử dụng, đầu tư công nghệ xử lý, tiêu hủy thích hợp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải sinh hoạt gây ra, góp phần tham gia tích cực trong nỗ lực chung thực hiện Quyết định Số 798/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương tình Đầu tư Xử lý Chất thải Rắn giai đoạn 2011 – 2020.