Hội thảo tập huấn về: “Rủi ro đối với môi trường và sức khỏe từ hoạt động của đốt lộ thiên” tại khu vực phía Nam
(VACNE) - Sáng ngày 09/04/2024, tại xã Sông Ray, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã phối hợp với chính quyền xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai tổ chức hội thảo tập huấn về: “Rủi ro đối với môi trường và sức khỏe từ hoạt động của đốt lộ thiên” nhằm hướng tới mục đích canh tác an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Đây là một trong những hoạt động thuộc Dự án Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt ngoài trời và sử dụng hóa chất trong thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học tại Việt Nam” do Hội Bảo vệ Thiên Nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) thực hiện với sự tài trợ của Bộ môi trường, thực phẩm và nông nghiệp Vương Quốc Anh (DEFRA) thông qua Liên Minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP).
Tham dự buổi hội thảo, có PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, PGS.TS. Đinh Văn Phúc – Phó Viện trưởng thường trực, Viện Khoa học Xã hội liên ngành, cán bộ - nhân viên nghiên cứu trường Đại học Nguyễn Tất Thành và gần 80 hộ nông dân địa phương.
Quang cảnh hội thảo tập huấn về: “Rủi ro đối với môi trường và sức khỏe từ hoạt động của đốt lộ thiên” tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai
Tại hội thảo, PGS.TS. Đinh Văn Phúc đã phân tích cho bà con nông dân các tác hại của việc đốt đồng đến sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường không khí và đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ sinh vật có trong đất, phá hủy kết cấu đất, làm cho đất trở nên chai sạn và bạc màu.
Cũng trong buổi hội thảo, PGS.TS. Đinh Văn Phúc cũng đã giới thiệu và hướng dẫn kĩ thuật cho bà con nông dân áp dụng “Mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại đồng ruộng bằng chế phẩm vi sinh” đã và đang được áp dụng thí điểm tại một số hộ nông dân tại địa phương. Theo PGS. TS. Đinh Văn Phúc, mô hình đã được áp dụng tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ trong hai vụ vừa qua, bao gồm vụ mùa từ tháng 9 đến tháng 12 và vụ Đông Xuân từ tháng 1 đến tháng 4. Kết quả phân tích lợi ích xã hội và kinh tế cho thấy, việc sử dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy trực tiếp gốc rạ tại đồng ruộng làm giảm ô nhiễm môi trường không khí, bảo vệ được hệ sinh vật trong đất, làm cho đất trở nên tơi xốp và giàu dinh dưỡng hơn, giảm được lượng phân bón, thuốc diệt cỏ, chi phí nhân công và tăng năng suất lúa. Đặc biệt, hiện tượng “lúa ma” cũng đã được xử lý trên 90% - một kết quả vui mừng đối với bà con nông dân xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.
PGS.TS. Đinh Văn Phúc – Phó Viện trưởng thường trực Viện Khoa học Xã hội liên ngành, trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ về tác hại của đốt đồng đến sức khỏe người dân và môi trường
Theo ông Ngô Ngọc Hướng (Tổ 8, ấp 9, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), người dân áp dụng mô hình cho cả 2 vụ, cho biết: “Khi chưa sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý gốc rơm rạ thì quá trình phân hủy rơm rạ diễn ra rất lâu. Từ khi sử dụng chế phẩm vi sinh, hiện tượng “lúa ma” gần như không còn nữa, không còn vất vả và mất thời gian đi nhổ cỏ và lúa ma, lượng phân bón giảm, năng suất lúa tăng từ 2,5 tấn lên 2,8 tấn so với vụ trước không sử dụng chế phẩm vi sinh”.
Ông Ngô Ngọc Hướng chia sẻ về việc áp dụng mô hình xử lý rơm rại tại đồng ruộng bằng chế phẩm vi sinh
Theo chị Hoàng Thị Tâm (Tổ 7, ấp 9, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), người dân đã áp dụng mô hình cho vụ Đông Xuân vừa qua vui mừng chia sẻ, từ khi sử dụng chế phẩm vi sinh, chị không còn vất vả mất thời gian để xử lý lúa ma nữa, cũng như không còn phải dùng thuốc diệt cỏ như trước đây. Đặc biệt, vụ Đông Xuân này, năng suất lúa của ruộng nhà chị đã tăng lên rõ rệt hơn 10% so với vụ trước.
Chị Hoàng Thị Tâm (đứng giữa) chia sẻ về áp dụng mô hình xử lý rơm rại tại đồng ruộng bằng chế phẩm vi sinh
Còn theo bà Trần Thị Bích (Tổ 8, ấp 9, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), khi áp dụng thử nghiệm mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh cho vụ Đông Xuân vừa qua, gia đình bà không còn đốt rơm rạ như những vụ mùa trước và bà nhận thấy rơm rạ đã bị đen và mục sau 14 ngày sử dụng chế phẩm, đất ruộng rất tơi xốp. Hiện tượng lúa ma tại ruộng của nhà bà cũng không còn và năng suất lúa cũng tăng lên. Theo bà Bích, gia đình bà sẽ tiếp tục áp dụng mô hình cho các vụ tiếp theo.
Bà Trần Thị Bích phấn khởi chia sẻ về kết quả việc áp dụng mô hình xử lý rơm rại tại đồng ruộng bằng chế phẩm vi sinh
Theo PGS.TS. Đinh Văn Phúc, việc sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý gốc rơm rạ tại đồng ruộng rất đơn giản, dễ sử dụng, không làm thay đổi hoạt động canh tác nông nghiệp của người nông dân. Kết quả của mô hình đã ứng dụng cho thấy, sản lượng thu hoạch tăng 15 – 20%, cao hơn so với vụ mùa trước đây, giảm thiểu được tình trạng lúa ma, lúa cỏ, kèm theo đó là lượng phân bón sử dụng cho đồng ruộng cũng giảm đi 20 – 30 % so với những vụ mùa trước. Đặc biệt, giá thành sản phẩm không quá đắt, người nông dân có thể sử dụng được. Theo tính toán, sau khi trừ các chi phí, người nông dân có lợi về kinh tế từ 3- 5 triệu/2600 m2.
Hiện nay, Việt Nam là một nước nông nghiệp phát triển mạnh, trong đó lúa được xem là loại cây chủ lực của nước ta. Sau khi thu hoạch, phần lớn rơm và gốc rạ được bà con nông dân đốt trực tiếp trên đồng ruộng với quan niệm sai lầm là sẽ cung cấp lượng phân bón cho đất. Việc chuyển từ việc đốt đồng sau thu hoạch sang sử dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy gốc rơm rạ ngay tại đồng ruộng là một tiến bộ quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Buổi hội thảo đã giúp cho bà con nông dân xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai có nhiều thay đổi nhận thức về đốt đồng và nhận thấy được tác hại của việc đốt rơm rạ đến sức khỏe và môi trường. Sau hội thảo, đã có rất nhiều hộ nông dân đăng ký áp dụng mô hình dùng chế sinh vi sinh để xử lý rơm rạ.