quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Hồi sinh nước hồ Tây - việc làm cấp thiết để cứu lá ''phổi xanh''

Chủ Nhật, 31/03/2019 | 05:21:00 PM

Hồ Tây có thể biến thành "hồ chết," ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái nếu vấn đề ô nhiễm không được cải thiện và mực nước hồ tiếp tục giảm.

 Hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội) có vai trò như lá "phổi xanh" giúp cải thiện không khí, đồng thời là điểm nhấn về đô thị của Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hồ tự nhiên lớn nhất Hà Nội có diện tích hơn 500ha đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ.

Vấn đề đặt ra đối với thành phố Hà Nội hiện nay là giải cứu nước hồ Tây khỏi ô nhiễm môi trường.

Cá hồ Tây chết nổi trắng mặt nước bốc mùi hôi thối tại khu vực đường Trích Sài. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN).

Thực trạng báo động

Hiện tại, khu vực từ số nhà 156-172 phố Từ Hoa; số nhà 24 phố Yên Hoa (phường Yên Phụ) hay phố Nguyễn Đình Thi - nhà khách Ngoại giao (phường Thụy Khuê) ven hồ Tây luôn có tình trạng rác bẩn bu bám, cây dại mọc um tùm quanh mép hồ như bãi rác nổi, tạo thành bè có thể đi lại được ở phía trên.

Việc "bãi rác nổi" tồn tại rất mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường, khiến cho hình ảnh hồ Tây thơ mộng bị xấu xí. Ngoài ra, nhiều khu vực khác quanh hồ Tây việc xả rác thải, phế thải vẫn thường xảy ra.

Trước đây, các hoạt động kinh doanh nhà nổi, du thuyền cũng là một trong những tác nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường nước hồ Tây. Mặt khác, do sự phát triển về kinh tế-xã hội và áp lực tăng dân số của quá trình đô thị hóa làm gia tăng rác thải sinh hoạt, nước thải... cũng khiến nước hồ Tây bị ô nhiễm.

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, đơn vị vận hành nước hồ Tây, hồ Tây đang đối mặt với vấn đề cạn kiệt mực nước do sự bốc hơi và thẩm thấu ngầm.

Hiện nay, nước mưa là nguồn bổ cập nước tự nhiên duy nhất cho hồ Tây. Vào mùa khô lượng nước mưa ít trong khi nước bốc hơi và thẩm thấu ngầm cao, cộng với hiện tượng biến đổi khí hậu làm nắng nóng kéo dài dẫn đến mất cân bằng, gây nguy cơ cạn kiệt nước trong hồ.

Còn phía dưới đáy, lớp bùn trầm tích lắng đọng, có nơi dày gần 2m đã nhiều năm không được nạo vét cũng gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường cho nước hồ Tây.

Cũng theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, qua quá trình lấy mẫu nước hồ Tây (tại khu vực phố Nhật Chiêu) trong các tháng 10-12/2018 để phân tích, kết quả cho thấy chất lượng nước hồ Tây đang có vấn đề.

Cụ thể, về cảm quan nước hồ có màu xanh đen, khu vực ven bờ màu xanh đục, thẫm, mùi tanh, thối. Nước hồ Tây đang trong tình trạng ô nhiễm hữu cơ, các chỉ số COD, BOD5 đều vượt quy chuẩn môi trường Việt Nam. Có lẽ, đây là một trong những nguyên nhân thời gian qua, tại hồ Tây liên tục ghi nhận hiện tượng cá chết nổi hàng loạt, với nhiều chủng loại cá to, nhỏ khác nhau.

Thu gom cá chết và rác thải trên hồ Tây. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Giải cứu hồ Tây - cần cả ý thức

Trước thực trạng nước hồ Tây đang bị ô nhiễm, ông Võ Tiến Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội - bày tỏ lo ngại, hồ có thể biến thành "hồ chết," ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái nếu vấn đề ô nhiễm không được cải thiện và mực nước hồ tiếp tục giảm.

Ông Hùng cho rằng việc giải cứu nước hồ Tây là vô cùng cần thiết vào lúc này. Có ba phương án được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước thành phố đưa ra là lấy nước ở sông Hồng bổ cập cho hồ Tây; lấy nước sông Nhuệ qua cống Liên Mạc dẫn bằng hệ thống mương và lấy nước ngầm thông qua các giếng khoan.

Giáo sư Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam, cho rằng việc bổ cập nước cho hồ Tây là cần thiết và phải được triển khai sớm. Tuy nhiên, việc thay nước cần được tính toán kỹ lưỡng, triển khai từ từ để đảm bảo các hệ thủy sinh, sinh vật trong hồ có điều kiện thích nghi với môi trường mới, tránh làm ảnh hưởng tới môi trường sống của sinh vật có lợi cho hồ.

Nhìn nhận dưới góc độ của một kiến trúc sư, ông Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, nhấn mạnh: "Thay thế nước hay nạo vét hồ chỉ là công việc trước mắt. Cải tạo môi trường nước hồ không phải việc của ngoại khoa, cứ thấy ung nhọt là mang dao ra cắt, cần phải có bài toán tổng thể về tiêu thoát nước của hồ Tây cũng như khu vực xung quanh."

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ (Hà Nội), cho biết thời gian qua, chính quyền quận đặc biệt quan tâm tuyên truyền để người dân sinh sống quanh hồ không xả thải, gây ô nhiễm nước hồ.

Việc thay thế nước hồ Tây đang là mong mỏi không chỉ của người dân quận Tây Hồ mà là nhu cầu của đông đảo người dân Thủ đô. Bởi hồ Tây không chỉ giúp cải thiện môi trường sống của người dân mà còn là biểu tượng văn hóa của thành phố, khi nước hồ Tây không ô nhiễm, sẽ tăng tiềm năng du lịch cho cả thành phố.

Nói về thời điểm làm sạch nước hồ, Chủ tịch quận Tây Hồ bày tỏ cải thiện môi trường khi nào cũng cần thiết, thành phố triển khai sớm việc thay thế nước hồ Tây thì người dân càng được hưởng lợi.

Hà Nội đã từng có dự án thay nước hồ Tây với chi phí hàng triệu USD. Tuy nhiên, đề án đã không được thực thi với nhiều lý do. Song, dù thời điểm nào hay quy trình gì trong thay thế nước hồ Tây thì một yếu tố quan trọng chính là ý thức bảo vệ môi trường của người dân đối với hồ, không xả thải làm ô nhiễm nguồn nước để giữ lá "phổi xanh" của Thủ đô luôn sạch, đẹp./.


Theo TTXVN

Lượt xem: 1193

Các tin khác

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE