TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG
Hỡi ơi, loài người
Thứ Năm, 11/11/2010 | 11:04:00 AM
Cũng vẫn những ý tưởng như ở bài “Cái lò xo” đã đăng, nhưng lần này liên quan trực tiếp đến 1 loài, đó là loài chúa tể của muôn loài.
Nguyễn Ngọc Sinh, VACNE
Người ta hay lầm chúa tể muôn loài là Sư tử, nhưng đó chỉ đúng là chúa sơn lâm thôi. Sư tử nào dám xưng hùng xưng bá ở biển khơi, ở trên trời. Chỉ có một loài thôi, đó là loài Người. Nhưng, hỡi ôi Loài Người, đúng, kể cả khi chữ người viết hoa cũng vậy, hỡi ôi loài Người; Hãy xem đây và tự ngộ ra, tự đánh giá những gì mà một vài cá thể trong loài đã viết cách đây vài chục năm.
Một nhà bác học viết: “Con người sẽ sống tốt nhất khi họ hành động như một bộ phận của thiên nhiên. Điều đó tốt hơn là sống như một sinh vật đặc biệt, muốn khai thác thiên nhiên, bóc lột thiên nhiên cho các nhu cầu trực tiếp hoặc những lợi ích tạm thời của mình… Con người là một biến dạng phụ thuộc, vì vậy, nó phải học được cách sống trong các quan hệ cộng sinh với thiên nhiên. Trong trường hợp ngược lại, giống như một vật ký sinh ngu ngốc, nó có thể sử dụng cái quyền bá chủ của mình đến mức đe dọa và tiêu diệt chính mình” (E.Odum, 1968).
Trong Hội thảo khoa học “Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và Bảo vệ môi trường” của Chương trình môi trường giai đoạn 1981-1985, có tác giả đã dẫn ra đoạn khác. Theo đó, nếu ta vẽ 2 đường, 1 là đường bùng nổ dân số theo thời gian, đồng thời với đường số 2 là đường biểu thị số lượng các loài động vật bị loài người tiêu diệt, thì, 2 đường đó giống nhau đến kỳ lạ. “… Đường trên dốc ngược lên như thế nào thì đường dưới cũng chạy theo như vậy. Những đường cong này là bản cáo trạng đanh thép đối với loài người. Thực vậy, đường cong dưới đã tăng nhanh một cách kinh khủng theo mức loài người trở nên chẳng những đông đúc hơn, mà còn văn minh hơn, có học thức hơn và thông minh hơn”.
“Ở đây, sự việc không phải chỉ ở chỗ là, một khi tiêu diệt hết loài động, thực vật này đến loài khác, con người đã tự bao vây chính mình để đến nỗi phải sống trong nỗi cô đơn tẻ nhạt, không phải chỉ ở chỗ là loài người đã loại trừ sự thỏa mãn thẩm mỹ và tinh thần của mình đối với việc tiếp xúc với những sinh vật có những mặt nào đó giống mình. Sự việc còn ở chỗ là, thực là vô đạo đức biết bao khi ta hủy diệt cái không phải do ta làm ra, mà là do thiên nhiên sáng tạo tuyệt vời đã tạo lập trong vô vàn những cố gắng để đi đến hoàn chỉnh, đến con người. Như vậy, chẳng lẽ một khi đã trở thành chúa tể của tự nhiên, con người lại không phải quan tâm để sao cho các thần dân của mình ít ra cũng được sống một cách không đến nỗi nào hay sao?” (Mins 1975).
Con đường xứng đáng với loài người không phải ở chỗ không ngừng “chiến thắng” thiên nhiên, mà phải ở chỗ thiết lập sự chung sống hòa bình với nó. Thường khi nói những điều này trong các bài giảng, các lớp tập huấn hoặc các cuộc nói chuyện, tôi nhìn vào mắt người đối diện. Tôi thấy họ đều như đang đăm chiêu, suy nghĩ. Còn quý vị thành viên của loài Người, khi đọc các dòng này, quý vị thấy thế nào?.
Lượt xem: 5646
Các tin khác
Cây Di sản ở Lào Cai (05/02/2025 12:40:PM)
Tứ phương chuyện (02/02/2025 11:16:PM)
Tết là (31/01/2025 09:54:AM)
Xuân ấm (31/01/2025 08:32:AM)
Mùa yêu thương (30/01/2025 02:54:PM)
Tết (30/01/2025 11:10:AM)
Ôi PARI (28/01/2025 03:13:PM)
Thơ Xuân quên (24/01/2025 06:41:PM)
Cảm thông (19/01/2025 07:03:PM)